Thông tin thanh niên thu về 50 triệu đồng sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông là xuyên tạc
Thông tin thanh niên thu về 50 triệu đồng sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông là xuyên tạc
Bách Thuận
Thứ bảy, ngày 04/01/2025 09:08 AM (GMT+7)
Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội cho biết, thông tin một thanh niên thu về 50 triệu đồng sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông là xuyên tạc.
Ngày 4/1, thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội, từ thông tin trong năm 2024 đã xử lý 2.609 trường hợp vi phạm, xử phạt 2,7 tỷ đồng từ việc người dân cung cấp thông tin vi phạm giao thông được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025 của Phòng Cảnh sát giao thông chiều 3/1, nhiều thông tin trên mạng xã hội đã cắt ghép, gán vào việc cơ quan báo chí phản ánh.
Theo đó, tối 3/1, nhiều trang mạng xã hội trên Facebook đăng tải thông tin "Hà Nội: Một thanh niên thu về 50 triệu đồng chỉ sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông".
Ngay sau khi thông tin này được đăng tải đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Đáng chú ý, các thông tin được đăng tải và cho rằng nguồn phát đi từ một cơ quan báo chí.
Thông tin thanh niên thu về 50 triệu đồng sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông là xuyên tạc, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội sẽ xác minh, xử lý vi phạm nếu các trang mạng xã hội tiếp diễn tình trạng. Ảnh chụp màn hình
Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội khẳng định đây là thông tin cắt ghép sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hướng xấu đến tinh thần của phong trào "Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông" đang được thực hiện rất hiệu quả.
Trao đổi với Dân Việt vào sáng cùng ngày, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội cho biết, Công an TP.Hà Nội đang triển khai trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông CA TP.Hà Nội" và số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Cơ quan công an đề nghị người dân chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc, tai nạn giao thông.
Các thông tin phản ánh của người dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải bảo đảm khách quan, chính xác. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải đảm bảo tính kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định pháp luật.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội cảnh báo, các trang mạng xã hội nếu tiếp tục đăng tải các thông tin sai sự thật, cơ quan chức năng sẽ xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghị định 176/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025, cho phép lực lượng công an được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.
Mức chi cho nội dung này là không có 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân để xác minh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được thực hiện trong thời gian qua, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm TTATGT từ thông tin, hình ảnh do quần chúng nhân dân, các tổ chức cung cấp.
Về đầu mối tiếp nhận, mới đây nhất, thông tư 73/2024 của Bộ Công an có nêu nội dung này.
Theo đó, đơn vị cảnh sát giao thông có trách nhiệm thông báo công khai: Địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin.
Đồng thời, đơn vị cảnh sát giao thông sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu của cá nhân, tổ chức cung cấp.
Đơn vị cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm: Cục Cảnh sát giao thông; phòng cảnh sát giao thông; đội cảnh sát giao thông, trật tự thuộc công an cấp huyện.
Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm thông cài đặt, sử dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển.
Thông tư 73/2024 cũng nêu quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) do cá nhân, tổ chức cung cấp, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021.
Theo đó, dữ liệu thu được cần đảm bảo: Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm.
Đối với cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, việc này sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi.
Theo báo cáo của Cục CSGT - Bộ Công an: Trong ngày 3/1, lực lượng CSGT đường bộ đã kiểm tra, xử lý 12.588 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước 32 tỷ 544 triệu đồng; tạm giữ 58 xe ô tô, 3.462 xe mô tô, 96 phương tiện khác, tước 1.556 GPLX.
Trong ngày 2/1, lực lượng CSGT đường bộ đã xử lý 11.488 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước 33 tỷ 379 triệu đồng; tạm giữ 87 xe ô tô, 4.097 xe mô tô, 134 phương tiện khác, tước 1.658 GPLX;
Trong ngày 1/1, lực lượng CSGT đường bộ đãxử lý 13.591 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước 27 tỷ 978 triệu đồng; tạm giữ 82 xe ô tô, 4.050 xe mô tô, 111 phương tiện khác, tước 2.603 GPLX.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.