Sau khi diệt sáu nước và lập nhà Tần, Doanh Chính đã tự xưng là Tần Thủy Hoàng - tức Hoàng đế đầu tiên và là người đặt ra một danh hiệu mới là Hoàng đế. Chữ "Hoàng đế" này được lấy từ Hoàng Đế Hiên Viên, một vị trong Tam Hoàng Ngũ Đế thời thượng cổ.
Tuy nhiên trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, không phải vị Hoàng đế nào cũng được đồng nhất danh xưng như thế. Ví như các Hoàng đế nhà Hán, hầu hết mọi người đều sẽ gọi theo cấu trúc "XX đế", đơn cử có Hán Vũ đế, Hán Cảnh đế, Hán Hiến đế,... Nhưng sang nhà Đường, nhà Tống, chúng ta sẽ thấy hậu thế thường gọi các Hoàng đế theo cấu trúc "XX Tổ" hoặc "XX Tông", chẳng hạn như Đường Cao Tổ, Tống Thái Tổ, Đường Huyền Tông,...
Gần hơn một chút là nhà Minh và nhà Thanh, dân tình lại quen dùng niên hiệu để gọi tên các Hoàng đế như Gia Tĩnh, Sùng Trinh, Khang Hi, Càn Long,... Vậy tại sao cùng là Hoàng đế như nhau nhưng có người lại được gọi là "Đế", có người được gọi là "Tổ", có người lại được gọi là "Tông"?
Với cách gọi "XX đế", thông thường người ta sẽ dùng thụy hiệu để làm danh xưng, như Hán Vũ đế thì Hán là từ thể hiện triều đại, Vũ là thụy hiệu của vua, còn đế tức là hoàng đế của thời kì ấy. Thụy hiệu với Hoàng đế, chư hầu hay đại thần sau khi chết đi rất được người xưa xem trọng, bởi nó mang ý nghĩa bao hàm toàn bộ cuộc đời và chiến tích mà người đó đã để lại.
Nhà Hán lấy đạo hiếu làm trọng nên tất cả các hoàng đế ở triều đại này đều có chữ "hiếu" trong thụy hiệu, như Hiếu Huệ, Hiếu Văn, Hiếu Cảnh, Hiếu Hiến... Chẳng hạn, Hán Hiến Đế sau khi qua đời được thêm chữ Hiếu vào thụy hiệu nên thụy hiệu chính xác của ông phải là Hiếu Hiến Hoàng đế.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, do tất cả các Hoàng đế nhà Hán đều mang thụy hiệu có chữ "hiếu" giống nhau nên hậu thế thường sẽ tỉnh lược chữ này và gọi tắt thành Hán Vũ đế, Hán Cảnh đế, Hán Văn đế,... cho tiện.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là vì sao hoàng đế nhà Hán không dùng miếu hiệu như các triều đại khác?
Miếu hiệu có thể hiểu nôm na là bài vị lập ở miếu thờ của hoàng đế sau khi qua đời, tên được khắc trên đó sẽ có cấu trúc "XX tổ", "XX tông". Theo như lịch sử ghi chép thì rất có thể nguyên do Hoàng đế nhà Hán không dùng miếu hiệu là vì không phải Hoàng đế nào của triều đại này cũng có vinh dự nhận được miếu hiệu. Trừ phi có công đức to lớn hoặc xuất chúng hơn người, bằng không hoàng đế nhà Hán rất khó nhận được miếu hiệu.
Ví như Hán Cảnh đế, Hán Chiêu đế đều không có miếu hiệu, trong khi Hán Văn đế, Hán Vũ đế lại có. Như vậy nếu dùng miếu hiệu để gọi các vị Hoàng đế nhà Hán sẽ không được đồng nhất, trong khi thụy hiệu thì người nào cũng có nên lâu dần, cách gọi "XX đế" trở nên phổ biến với vua nhà Hán. Xưng hô dạng này cũng được sử dụng cho các hoàng đế nhà Tùy như Tùy Văn đế, Tùy Dương đế,...
Tuy nhiên đến nhà Đường, người ta bắt đầu quen dần với việc chuyển sang gọi Hoàng đế bằng miếu hiệu, cũng tức là những "XX tổ", "XX tông" mà chúng ta thường nghe. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này.
Thứ nhất, sau thời Ngụy Tấn, đại đa số các Hoàng đế đều có miếu hiệu chứ không như thời nhà Hán.
Thứ hai, do thụy hiệu các Hoàng đế ngày càng phức tạp, việc dùng thụy hiệu để gọi không còn phù hợp với các thời đại này nữa.
Ví dụ như Lý Uyên lúc bệnh chết có thụy hiệu là Thái Vũ Hoàng đế, sau đó đổi dần thành Thần Nghiêu Hoàng đế, đến năm 754 thụy hiệu đầy đủ của ông đã thành Thần Nghiêu Đại Thánh Đại Quang Hiếu Hoàng đế. Thụy hiệu phức tạp thế này đã vượt xa độ giản đơn của thụy hiệu nhà Hán nên việc đổi sang gọi miếu hiệu là điều dễ hiệu.
Về miếu hiệu, theo quy định thì Hoàng đế khai quốc sẽ được gọi là Cao Tổ hoặc Thái Tổ, các hoàng đế sau sẽ được gọi là Tông, ví như Thái Tông, Cao Tông, Huyền Tông, Thế Tông,...
Đến thời nhà Minh và nhà Thanh, nhiều Hoàng đế lại được hậu thế quen gọi bằng niên hiệu.
Niên hiệu đơn giản chính là tên gọi được vua sử dụng để đánh dấu một khoảng thời gian hay một thời đại mà mình trị vì. Nhiều Hoàng đế sẽ có 3 - 4 niên hiệu được thay đổi trong suốt quá trình cầm quyền, ví như nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống,...
Mỗi khi có chuyện hệ trọng, các Hoàng đế của những triều đại này sẽ đổi niên hiệu, đơn cử như Đường Cao Tông Lý Trị có tới 10 niên hiệu.
Trong khi đó Hoàng đế nhà Thanh và nhà Minh thường chỉ sử dụng một niên hiệu dù tại vị rất lâu, điển hình như Khang Hi đế. Tại vị hơn 60 năm, trải qua nhiều sự kiện quan trọng nhưng ông chỉ giữ đúng một niên hiệu là Khang Hi.
Như vậy có thể thấy, việc biến hóa giữa gọi "đế", "tổ", hay "tông" chủ yếu phụ thuộc vào thói quen và hình thức ghi nhớ của người đời mà thôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.