Tại sao dự án chế tạo đĩa bay của Mỹ gặp thất bại?
Tại sao dự án chế tạo đĩa bay của Mỹ gặp thất bại?
Văn Hòa (Theo Historia, ANTG)
Thứ tư, ngày 24/06/2020 19:31 PM (GMT+7)
Tất cả bắt đầu vào cuối năm 1952 tại một nhà máy của Công ty Hàng không Avro Canada nằm tại bang Ontario, Canada. Lúc này, một kỹ sư khí động học tên John Frost đang mày mò với một thiết bị kỳ lạ. Đó là một chiếc đĩa bằng kim loại có đường kính 9cm, có gắn một động cơ ở giữa.
Đó là một mô hình đĩa bay thuộc dự án Special Projects Group mà Frost là một thành viên nòng cốt. Với chiếc đĩa bay mô hình này có lần ông đã thành công khi cố làm cho nó cất cánh và quay tròn trên bàn.
John Frost sinh năm 1915 tại khu Walton-on-Thames, ngoại ô thủ đô London của Anh. Giỏi cả toán học, hóa học và vật lý nên năm 1942 ông được mời làm việc tại Công ty De Havilland Aircraft, một công ty chuyên chế tạo máy bay. Ở đây, ông đóng góp cho sự ra đời của những chiếc máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên, nhất là chiếc DH-100 từng được Không lực Anh sử dụng nhiều năm.
Sau Thế chiến II, Frost được chỉ định làm việc trong một dự án táo bạo nhằm mục tiêu chế tạo một máy bay siêu thanh cho nước Anh có tên gọi DH-108. Thế nhưng những chuyến bay thử nghiệm của DH-108 gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Chán nản, vào năm 1947, Frost quyết định đến định cư tại Canada cùng với gia đình và ở đây ông được mời làm Kỹ sư trưởng của Công ty Avro Canada.
Ngày 14/6/1947, Frost được giao xem xét đề án chế tạo loại máy bay tiêm kích hạng nặng hai chỗ ngồi đầu tiên của Canada có tên gọi XC-100 dự kiến sẽ cất cánh vào tháng 1/1950. Éo le thay, vận rủi của chiếc DH-108 hình như vẫn đeo đuổi Frost. Chiến dịch bay thử nghiệm của chiếc XC-100 gặp nhiều trục trặc, gây lo sợ cho phi hành đoàn, chưa kể một chiếc bị rơi.
Mặc dù không có trách nhiệm chính trong chuyện này nhưng Frost chán nản và xin rút khỏi dự án XC-100. Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo Avro Canada, một kỹ sư có nhiều tư tưởng mới như Frost không thể bị bỏ phí, vì thế ông được giao nghiên cứu mảng công nghệ mới. Ngay lập tức, Frost đề nghị chế tạo một loại máy bay tiêm kích siêu thanh cất cánh thẳng đứng.
Đó là một cỗ máy đặc biệt làm cuộc cách mạng trong ngành hàng không thế giới, một chiếc đĩa bay. Sau nhiều cuộc họp đánh giá tính khả thi của dự án, vào tháng 10/1951, Avro Canada bật đèn xanh tiến hành. Một nhóm nghiên cứu bí mật ra đời gồm 8 kỹ sư có tên gọi Special Projects Group (SPG).
Từ tháng 4/1952, nhóm của Frost bắt tay vào chế tạo một chiếc đĩa bay. Đi từ một hệ thống đẩy hoàn toàn khác với máy bay cổ điển, Frost và các đồng nghiệp phát triển một động cơ dẹp, dạng bánh xếp, gồm một tuabin lớn. Không khí đi vào phía trước đến một máy nén ly tâm và dẫn vào những phòng đốt. Hơi nóng được đẩy ra bởi những chiếc ống có định hướng nhằm có thể hướng dẫn luồng khí động cơ và đẩy đĩa bay theo tất cả các hướng, trong đó có việc cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng.
Nhờ Công ty Avro và Bộ Quốc phòng Canada tài trợ gần nửa triệu USD nên nhóm của Frost đã chế tạo ra được một bản thiết kế đĩa bay bằng gỗ, lớn như thật với đường kính gần 12m. Trên giấy tờ cỗ máy này có tên gọi là PY có thể bay nhanh gấp 2 lần tốc độ âm thanh và đạt độ cao 30.000m. Theo Frost, ông có thể làm ra 4 chiếc đĩa bay như thế với giá chỉ bằng một chiếc máy bay tiêm kích loại F-86 của Mỹ.
Nhưng dù cố giấu kín đến đâu, thông tin về việc Công ty Avro chế tạo thành công đĩa bay cũng bị rò rỉ. Giữa năm 1953, trong khi dự án SPG gặp khó khăn về ngân sách thì một phái đoàn quân sự Mỹ gồm 25 sĩ quan không quân do tướng Arthur Trudeau dẫn đầu đã đến tham quan Avro Canada. Ấn tượng trước mô hình của chiếc đĩa bay PY, không quân Mỹ đồng ý tài trợ 1,5 triệu USD và từ đó nhóm SPG được đặt dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Với người Mỹ, dự án chế tạo đĩa bay của nhóm Frost giờ đây có tên gọi mới là MX-1794. Đầu năm 1955, chương trình lại được người Mỹ đặt tên lại là PX-9961. Khác với kiểu đĩa bay đầu tiên, được cho là quá nguy hiểm khi điều khiển, kiểu đĩa bay mới có tên gọi PV -704 thật sự là một đĩa bay cất cánh theo dạng nằm ngang có đường kính 11m đạt tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh, có một tuabin lớn ở giữa được điều khiển bởi ít nhất... 8 động cơ nhỏ.
Từ năm 1956 đến năm 1962, nhờ Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ thêm 5 triệu USD nên dự án vẫn tiếp tục được triển khai. Năm 1956, để tránh sự chú ý của mọi người, Frost cho xây dựng một nhà máy đặc biệt hình tròn bằng bêtông dùng thử nghiệm đĩa bay nằm trong khuôn viên của Công ty Avro. Nhưng những thí nghiệm tiếp theo khiến mọi người lo sợ khi đĩa bay rò rỉ nhiên liệu. Ngày nọ, một động cơ bị bốc cháy. May mà một kỹ sư kịp dập tắt, nếu không nhà máy đã nổ tung. Gặp thất bại với kiểu đĩa bay PV-704, nhóm của Frost chuyển sang chế tạo một loại đĩa bay nhỏ có vận tốc thấp hơn vận tốc âm thanh có tên gọi VZ-9-AV.
Vào mùa thu năm 1959, dưới sự đốc thúc quyết liệt của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhóm của Frost cũng cho ra đời hai chiếc đĩa bay VZ-9-AV và được thử nghiệm. Tuy nhiên mới bay được 1m đĩa bay đã nổ tung. Lỡ phóng lao phải theo lao, nhóm của Frost đưa ra nhiều cải tiến nhưng thành công vẫn xa vời. Thất vọng vì những thất bại của dự án PX-9961, vào ngày 20/7/1960, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định ngừng vĩnh viễn dự án. Không có ngân sách, giấc mơ đĩa bay của Frost đành tan vỡ. Tính ra người Mỹ đã tiêu tốn trên 7 triệu USD (một số tiền rất lớn vào thời kỳ đó) mà không thu được kết quả gì.
Đến ngày 30/6/1962, Công ty Avro Canada cũng tuyên bố phá sản. Mọi tài liệu về các dự án chế tạo đĩa bay đều bị thiêu hủy hoàn toàn, ngoại trừ hai mẫu đĩa bay do Mỹ tài trợ được lưu giữ ở Viện Bảo tàng không gian California và Học viện Không quân Virginia cho đến nay.
Năm 1963, John Frost chia tay với Công ty Avro Canada và được mời làm việc cho hàng không New Zealand. Ông qua đời vào ngày 9/10/1979, ở tuổi 63 vì chứng nhồi máu cơ tim. Không ai biết rõ về con người thật của cha đẻ chiếc đĩa bay đầu tiên của nhân loại, cho dù đó là những người thân nhất. Trong cuộc sống, ông không bao giờ đề cập đến công việc, ngay cả trong những cuộc trò chuyện riêng tư với vợ và các con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.