Tại sao không dạy trẻ từ chối súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng?

Thứ bảy, ngày 07/04/2018 22:12 PM (GMT+7)
Hàng loạt vụ việc giáo viên phạt học sinh bằng biện pháp phản cảm. Trong hầu hết trường hợp, các em không phản kháng lại hình phạt thiếu hợp lý hay tìm người lớn giúp đỡ.
Bình luận 0

Học sinh kể lại chuyện bị cô giáo ép súc miệng bằng nước giẻ lau bảng Học sinh lớp 3 cho biết cô giáo ép em uống nửa cốc nước vắt từ giẻ lau bảng. Video Zing

Khoảng 2-3 tuần trước, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (25 tuổi, chủ nhiệm lớp 3A5 trường Tiểu học An Đồng ở Hải Phòng) phạt em P.A. súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng. Trừ những bạn học chứng kiến sự việc, P.A. không nói với ai.

Câu chuyện chỉ vỡ lở khi ngày 3/4, bạn học cùng lớp với nữ sinh đến cửa hàng của ông bà P.A, kể lại câu chuyện.

Trên thực tế, P.A. không phải trường hợp duy nhất chọn cách im lặng sau những hình phạt mang tính bạo hành, xúc phạm do giáo viên đưa ra.

Thiếu môi trường an toàn để trẻ dám tự bảo vệ

Đầu tháng 3, nhóm phụ huynh ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An, đến trường Tiểu học Bình Chánh, ép cô giáo Nhung quỳ xin lỗi vì đã phạt con họ quỳ.

Tháng 9/2017, cô V., giáo viên lớp 2A trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Hà Nội), đánh tím chân học sinh vì không kịp chạy vào lớp khi hết giờ ra chơi. Gia đình biết chuyện khi thấy người con bầm tím và gặng hỏi con.

Tương tự, hàng loạt vụ việc giáo viên đánh học sinh chỉ bị phát hiện khi bố mẹ thấy vết thương trên người con hoặc những cảnh tượng thương tâm này được quay lại và đăng lên mạng xã hội.

Trong hầu hết trường hợp học sinh bị xử phạt bằng hành vi phản giáo dục, các em không chủ động kể lại với gia đình, càng không dám lên tiếng tự bảo vệ, phản kháng hình phạt thiếu thích đáng.

Lý giải điều này, TS tâm lý học Trần Thành Nam - trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết các em không báo cáo vì chưa ý thức được quyền của bản thân, tin rằng hành vi cho roi vọt của giáo viên là để dạy dỗ và hợp lý vì mình mắc lỗi.

Ngoài ra, sau khi phạt học sinh, nhiều giáo viên cũng nhắc đến những hậu quả nếu các em tiết lộ. Thực tế cũng cho thấy nhiều giáo viên đã dùng “bạo lực nóng” hoặc “bạo lực lạnh” - như trường hợp cô giáo lên lớp không giảng - để trả đũa học sinh vì đã báo cáo.

Từ thực tế và những lời dọa dẫm dẫn đến việc các em cũng tự ám thị mình sẽ gặp rắc rối lớn hơn nếu để người lớn biết mình vi phạm và bị phạt.

Tình trạng này còn nằm ở việc hầu hết trường không có quy định rõ ràng về hành vi giáo viên không được phép thực hiện, quy trình báo cáo những hành vi này.

Giả sử nếu có thì người hoặc bộ phận xử lý cũng không ở đó để tiếp nhận. Nếu có tiếp nhận cũng xử lý theo cách thức làm cho êm chuyện. Tất cả làm cho học sinh tin rằng kể cả có báo cáo sự việc cũng không thể được xử lý theo cách mình mong muốn.

Ngoài ra, cách ứng xử thiếu kiểm soát cảm xúc của phụ huynh nhiều lúc khiến các em ngại không báo cáo.

Ví dụ như trường hợp một học sinh đùa nghịch với bạn trên sân trường ngã gãy tay. Giáo viên báo để bố mẹ đến giải quyết. Nhưng vừa mới xuất hiện, điều đầu tiên phụ huynh làm không phải là đưa em đi bệnh viện mà là “đánh cho một trận”, quát mắng em ngay trước mặt mọi người.

Tiếp theo, phụ huynh quay sang mắng giáo viên và đe dọa kiện tụng lên cấp trên. Em học sinh sau đó nói rằng cảm thấy mất thể diện đến mức sau này em thà mất đi một chân một tay cũng sẽ không nói để bố mẹ biết.

Theo TS Trần Thành Nam, sự kết nối trong gia đình hiện nay lỏng lẻo, nhiều bố mẹ và con cái không gần gũi nhau. Phụ huynh thường không biết con mình đang ở đâu, làm gì.

Phụ huynh cũng quá bận rộn không có thời gian lắng nghe con chia sẻ về các vấn đề trong cuộc sống, không có thời gian tâm sự với con về chủ đề các em quan tâm như sức khỏe, tình yêu, tình dục và giới tính.

Ngay cả khi đứa con chủ động nói về những khó khăn mình gặp phải, nhiều phụ huynh phản ứng bằng thái độ đừng làm phiền bố mẹ, đừng có cái gì cũng hỏi, hãy tự tìm hiểu, tự giải quyết đi.

Những cách hành xử này tạo nên thói quen không chia sẻ. Đây là khoảng trống gây ra nhiều nguy cơ về hành vi. Rồi “đến khi bố mẹ có thời gian quan tâm, nó đã tạo thành những hậu quả nghiêm trọng”, thầy Nam nhận định.

img

Trẻ không dám phản kháng lại những hình phạt vô lý. Ảnh: VTC News.

Dạy trẻ biết lên tiếng bảo vệ mình

Khi không biết lên tiếng bảo vệ mình, học sinh phải chịu những hình phạt mang tính bạo hành, xúc phạm từ những giáo viên thiếu chuyên môn hay phẩm chất nghề nghiệp. Các em vẫn phải chịu phạt nhiều lần vì không dám hoặc không biết báo cáo sự việc với ai.

Cũng theo TS Trần Thành Nam, để trẻ biết tự bảo vệ, nói ra yêu cầu của mình, đầu tiên, chúng ta cần tăng lòng tự trọng của trẻ bằng cách tôn trọng ý kiến và sự tham gia của các em từ những tình huống hoạt động hàng ngày.

Nếu từ nhỏ đến lớn, gia đình tạo cho con suy nghĩ rằng hành động đúng là làm theo lời bố mẹ. Con chỉ có giá trị và được yêu mến nếu suy nghĩ và cảm nhận theo cách bố mẹ, thầy cô mong muốn. Con phải nghe lời và không có quyền tham gia ý kiến vì con còn nhỏ. Đương nhiên như vậy, trẻ sẽ không dám đứng dậy, nói lên yêu cầu của mình.

Khi đi học, dù biết hành vi của giáo viên không đúng, học sinh cũng không dám phản ứng trực tiếp mà cứ âm thầm chịu đựng.

“Những ấm ức đó tích tụ lâu ngày, đến lúc nào đó, thành quả bom phát nổ, gây ra các hành động đáng tiếc như việc nam sinh đâm thầy giáo. Mọi thứ trở nên mất an toàn”, TS Nam lý giải.

Ông cho rằng người lớn cần tạo môi trường an toàn, ở nhà lẫn ở trường, để trẻ dám chia sẻ, nói lên yêu cầu chính đáng và biết tự bảo vệ bản thân trong các tình huống nhất định.

Bên cạnh đó, giáo viên, phụ huynh cũng cần dạy trẻ kỹ năng sống, giúp các em hiểu quyền của mình, biết phân biệt hành vi đúng - sai và có kỹ năng truyền đạt rõ ràng với phụ huynh những sự kiện, tình huống và cảm xúc đã trải qua.

Trong việc bảo vệ học sinh khỏi bạo lực học đường đến từ giáo viên, bố mẹ có trách nhiệm rất lớn. Họ nên dành nhiều thời gian cho con, tạo thói quen chia sẻ với nhau. Việc này không chỉ giúp phụ huynh nhanh chóng nắm được tình hình của con mà còn tạo cho con tâm lý mình được bảo vệ trước những hình phạt không thích đáng.

Ngoài ra, các chương trình kỹ năng sống, giáo dục công dân cần chuyển biến từ cách thức truyền đạt nội dung sang hình thành năng lực hành vi.

Ông nói thêm chương trình đào tạo hiện này mới chỉ dừng lại ở việc giúp học sinh phân biệt đúng - sai mà chưa hướng dẫn các em cách áp dụng vào thực tế.

Trong nền giáo dục tập trung vào người học, gia đình và nhà trường cần tin vào học sinh và giúp các em tin rằng mình là người có năng lực và có quyền tự chủ.

Các em có khả năng giải quyết các khó khăn của mình. Các em có những tiềm năng độc đáo để thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tích cực.

Đó cũng là cái gốc của việc xây dựng lòng tự trọng và là phương thức bền vững để các em ý thức và có trách nhiệm bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hiểm.

Nguyễn Sương (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem