Tại sao Lô hội được coi là “cây bất tử” trong truyền thuyết

Tầm Hoan Chủ nhật, ngày 12/05/2019 21:33 PM (GMT+7)
Lô hội (tên gọi khác: Nha đam) có nguồn gốc từ Bắc Phi, nhưng giờ có thể được trồng ở bất kỳ đâu. Ngày nay, khoa học đã chứng minh được vai trò của cây Lô Hội đối với cuộc sống con người, trong các lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, trong nhiều truyền thuyết cổ đại Lô hội từng được coi là “Cây bất tử”…
Bình luận 0

Lô Hội có khoảng 95% nước, 5% còn lại được cấu thành từ các enzym rất có lợi cho sức khỏe. Đây là loại cây đặc biệt, chứa trong nó hơn 200 hợp chất hoạt tính sinh học như khoáng, enzyme, vitamin, axit amin hay polysaccharides (Đường đa chân khuẩn)… giúp cải thiện sự hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Lô Hội giàu canxi, sắt, kẽm, magiê, đồng, kali.., nhờ vậy có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn giúp giải độc cơ thể và hỗ trợ hệ miễn dịch. Nó cũng chứa vitamin B12, thường chỉ được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật giúp tạo ra các tế bào hồng cầu mới. Với những người ăn chay, Lô hội được coi là thực phẩm vô giá!

img

Nữ hoàng Cleopatra I là người đầu tiên sử dụng cây Lô hội như 1 dang... thực phẩm chức năng.

Theo truyền thuyết, Lô hội được Nữ hoàng Ai Cập Cléopatra I sử dụng đầu tiên, từ hơn 2000 năm trước, như 1 thứ thức uống hàng ngày để tạo ra một làn da mịn màng, vẻ ngoài tươi tắn. Lô hội với đặc tính chống khuẩn và nấm cũng được dùng trong hoạt động ướp xác thời Ai Cập cổ đại.

Lô hội được gọi là “cây bất tử” một phần cũng khởi nguyên từ chi tiết này. Người Ai Cập cổ đại tin rằng việc ngăn chặn quá trình phân hủy vật lý (xác ướp) sẽ dẫn đến sự sống đời đời. Cùng với việc ướp xác, Lô hội sẽ được trao tặng như một món quà cho các Pharaoh trong lễ tang của họ. Sự giàu có và lòng tôn kính của một Pharaoh được thể hiện bằng số lượng… Lô hội mà ông ta được trao tặng.

Người Ai Cập cổ đại coi cây Lô hội như một biểu tượng tôn giáo. Họ tin rằng biểu tượng thiêng liêng của cây lô hội treo trên cánh cửa sẽ bảo vệ gia đình khỏi những điều xấu xa. Người Ai Cập từng sử dụng vỏ cây Lô hội trong sản xuất giấy cói và cũng coi nó như một phương pháp điều trị bệnh lao.

Tài liệu về Lô hội được tìm thấy trên bảng đất sét Nippur có niên đại từ 2.200 TCN. Vào thời điểm này, cư dân của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại đã sử dụng Lô hội như một chất giúp giải độc cơ thể, xua tan ma quỷ.

img

Lô hội được dùng trong cả hoạt động ướp xác các Pharaoh Ai Cập nhờ đặc tính chống khuẩn và nấm tuyệt vời.

Trong thời đại Alexander Đại đế, Lô hội cũng được sử dụng như một liệu pháp chữa bệnh. Truyền thuyết kể rằng, Alexander đã sử dụng nước ép Lô hội để chữa lành vết thương cho các chiến binh của ông. Nhiều ghi chép cho thấy, chính Aristotle đã khuyên Alexander chiếm Đảo Socotra bởi thời đó đây là “thiên đường” của cây Lô hội.

Trong triều đại Nero, vào thế kỷ thứ nhất, chuyên gia hóa dược nổi tiếng Dioscorides được cho là luôn sát cánh cùng quân đội La Mã để tìm kiếm những phương pháp chữa bệnh mới. Ở cuốn sách đầu tiên của mình, "De Materia Medica" (viết từ năm 41-46), trong một chương về liệu pháp thực vật, Dioscoridest mô tả Lô hội là một trong những dược liệu được ông ưa thích nhất.

Dioscoridest viết rằng nước ép của Lô hội có tác dụng với nhiều chứng rối loạn về thể chất, giúp điều trị vết thương, khó chịu đường tiêu hóa, viêm nướu, đau khớp, kích ứng da, mụn trứng cá, rụng tóc…  Gaius Plinius Secundus, một nhà tự nhiên học La Mã (23-79) mở rộng giá trị của cây Lô hội qua việc xác nhận nó có khả năng chữa lành các vết loét, trị phong…

Trong văn hóa Trung Hoa, Lô hội được xem như là 1 thành phần y học quan trọng kể từ nửa sau những năm 1200, trùng khớp với truyền thuyết Marco Polo du hành tới Trung Quốc. Dù vậy, nước ép khô của một loại cây được gọi là "Lu-hui” từng xuất hiện trong 1 số ghi chép cổ của người Trung Quốc từ thế kỉ 11. 

Tại Nhật Bản, Lô hội được gọi là "Cây Hoàng gia". Nước ép từ Lô hội được sử dụng để chữa lành vết thương của những samurai.

Vào thế kỷ thứ 16, các tu sĩ Do Thái Tây Ban Nha đã sớm biết gieo trồng và thu hoạch Lô hội. Họ được coi là những người góp công lớn trong việc phát triển loại cây này cho nhiều vùng đất khác trên Thế giới.

img

Lô hội còn được những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Thế giới như Alexander Đại đế hay nhà thám hiểm Columbus sử dụng để trị thương.

Nhà thám hiểm nổi tiếng Christopher Columbus thậm chí còn trồng Lô hội trong những chậu cây trên tàu của mình. Ông thường sử dụng chất nhựa từ cây này để chữa lành vết thương cho những thuyền viên.

Sinh thời, Columbus từng nói: “Bốn loại rau quả không thể thiếu cho con người: Lúa mì, nho, ô liu và lô hội. Thứ nhất có giá trị sinh dưỡng, thứ hai làm tăng tinh thần, thứ ba mang lại sự hài hòa và thứ tư có tác dụng trị bệnh”.

Lô hội thậm chí còn được coi là 1 trong 16 cây thánh của nhiều bộ lạc cổ tại châu Mỹ. Nước ép lô hội pha loãng thường được người da đỏ bôi lên da để chống lại côn trùng, hoặc quét lên gỗ và các vật liệu có giá trị để bảo quản.

Trong các cuộc thập tự chinh, các Hiệp sĩ dòng Đền đã tạo ra một thức uống pha trộn giữa rượu cọ, lô hội, bột giấy và cây gai dầu - có tên là "Nước Thánh của Jerusalem" – thứ mà họ tin rằng sẽ giúp chống lại bách bệnh, trẻ mãi không già.

Các hồ sơ từ thế kỷ 17 cho thấy Tây Ấn đã trở thành một khu vực thương mại quan trọng của Lô hội, từ đó cung cấp cho thị trường châu Âu. Các đồn điền Lô Hội cũng được thành lập ở Hà Lan, Barbados, Curacao, Aruba và Bonaire cuối thế kỉ 17- đầu 18...

img

Lô hội - cây bất tử trong truyền thuyết và là dược liệu có nhiều công dụng giá trị thời hiện đại.

Từ đó đến nay, Lô hội là một trong những loại cây thuốc quen thuộc và quan trọng nhất trong cuộc sống con người, nhờ vô vàn tác dụng có ích của nó. Từ việc làm thực phẩm, thức uống đến trị các bệnh ngoài da, làm lành vết thương, giúp kháng khuẩn, nhuận tràng, trị viêm loét dạ dày, điều hòa huyết áp hay là thành phần chính trong đủ loại mỹ phẩm…

Ở Việt Nam, Lô hội - Nha đam mọc tự nhiên khá nhiều ở các vùng Phan Thiết, Phan Rang, Phan Rí thuộc các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Khi ăn nha đam tươi, chúng ta cần làm sạch lớp nhựa mủ màu vàng kế bên lớp thạch nha đam để tránh ngộ độc bằng cách gọt vỏ, sau đó rửa/ ngâm bằng nước sạch cho đến khi hết nhớt.

Chọn nha đam nên chọn những bẹ nhỏ, xanh nhạt. Không nên để lâu ngoài không khí, nếu cần thì bảo quản nha đam trong tủ lạnh.

Nha đam nên cắt nhỏ trước khi sử dụng, để ăn sống, xay nước hoặc nấu chè đều tốt. Liều dùng lá tươi mỗi ngày chỉ nên từ 10 – 20g.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem