Vào lúc chiến tranh kết thúc, Liên Xô đã không ký hiệp ước hòa bình chính thức với Nhật. Thay vào đó, năm 1956, họ ký một tuyên bố chung mà về mặt kỹ thuật cũng là “kết thúc giai đoạn chiến tranh”, nhưng quan hệ hai nước vẫn chưa bao giờ thoải mái.
Tranh chấp
Nga kiểm soát các lãnh thổ mà họ gọi là đảo Kuril nhưng Nhật tuyên bố chủ quyền với những đảo này và gọi chúng là “Lãnh thổ phương Bắc”.
Stephen Nagy, giáo sư cao cấp tại Đại học Cơ đốc Quốc tế ở Tokyo nói: “Vào lúc kết thúc chiến tranh Thế giới thứ 2, Liên Xô đã xâm lược các lãnh thổ là một phần của Đế quốc Nhật Bản và chiếm đóng thêm 4 đảo nữa. Những đảo này là nơi các cộng đồng người Nhật đã sinh sống, có các cộng đồng ngư nghiệp, cộng đồng nông nghiệp và người dân đã xây dựng cuộc sống của họ. Nếu bạn đến đó ngày nay, bạn sẽ thấy những tàn tích mồ mả, miếu thờ và đền đài. Chúng đã đổ nát nhưng chúng vẫn là những biểu tượng đại diện cho cộng đồng người Nhật”.
Quần đảo Kuril nằm giữa Nhật và Nga.
Hai nước Nga-Nhật đã ký một thỏa thuận đình chính - giống như Hàn Quốc và Triều Tiên - nhưng nó không phải hiệp ước hòa bình. Điều đó khiến các cuộc đàm phán địa chính trị trong khu vực vô cùng nhạy cảm và phức tạp.
Giáo sư Nagy nói: “Nhật Bản cần đàm phán tinh tế để thúc đẩy các lợi ích và hiệp ước hòa bình, nhưng đồng thời việc duy trì quan hệ mạnh mẽ với Mỹ và có một số quan hệ xấu với Nga sẽ khiến rất khó thỏa hiệp để người Nhật tiến bộ được trong vấn đề này”.
Vấn đề vì sao?
Gác sang một bên quan hệ văn hóa và lịch sử, các đảo tranh chấp có giá trị chiến lược.
Giáo sư Nagy nói: “Đó là nơi các đơn vị Hải quân cũng như tàu ngầm của Nga phải đi qua. Nó rất quan trọng đối với Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, đối với chiến lược Thái Bình Dương của họ và đối với hoạt động của họ ở Thái Bình Dương. Tôi nghĩ họ rất thận trọng trong việc hướng về hiệp định hòa bình bởi vì điều đó có nghĩa là người Nhật cùng với các đối tác đồng minh của Nhật có thể mở rộng khả năng giám sát trong những vùng phía Bắc Nhật Bản. Họ có thể giám sát người Nga đang di chuyển hạm đội của mình vào và ra Thái Bình Dương như thế nào và điều này đặt Nga vào một vị trí đặc biệt phức tạp”.
Thủ tướng Medvedev trong một chuyến thăm đến quần đảo Kuril.
Trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường hiện diện quân sự trên các đảo đó. Năm 2016, Nga đặt các hệ thống tên lửa chống tàu và tên lửa đánh chặn lên những đảo này. Đầu năm nay, họ triển khai 2 máy bay chiến đấu đến hòn đảo lớn nhất trong số 4 đảo.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đưa ra phản đối chính thức về việc triển khai máy bay lên đảo.
Tại sao hai nước muốn quan hệ tốt hơn?
Sau cuộc gặp Tổng thống Nga Putin ở Vladivostok, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ra dấu rằng các cuộc đàm phán với Nga đang đi đúng hướng. Ông nói: “Cách tiếp cận mới của chúng ta đã thay đổi hợp tác Nga - Nhật. Bất chấp sự xâm phạm chủ quyền của mỗi bên, chúng tôi đang làm hết sức với ông Putin để đạt mục tiêu chung là ký hiệp định hòa bình. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi nỗ lực để làm điều đó trong thế hệ mình”.
Lý do mà hai bên muốn có quan hệ tốt hơn chủ yếu là vì lợi ích kinh tế.
Giáo sư Nagy nhận xét: “Nó sẽ mở ra cánh cửa cho đầu tư ở vùng Viễn Đông của Nga và có thể mở cửa cho công dân Nhật thăm lại đất cũ nơi tổ tiên họ sinh sống - đó là một điều rất quan trọng đối với người Nhật. Tôi nghĩ nó sẽ có thể mở ra hợp tác rộng lớn hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng lòng tin giữa hai nước”.
Một tàu Cảnh sát biển Nhật được nhìn thấy từ phía Nam đảo Kuril.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Đông Á đã thúc đẩy Nhật nhìn vào Nga như một đồng minh khu vực mới. Vậy còn tranh chấp với Triều Tiên đóng vai trò như thế nào trong tác động vào quan hệ Nga-Nhật?
Nhật Bản dễ bị tổn thương trước các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng nên muốn quá trình giải trừ hạt nhân diễn ra nhanh hơn và trôi chảy hơn. Nhưng điều đó không phải vấn đề ưu tiên của Nga.
Giáo sư Nagy nói: “Ưu tiên của họ (Nga) là thông qua Triều Tiên xuất khẩu tài nguyên năng lượng vào Hàn Quốc và có tiềm năng vào cả Nhật Bản. Họ muốn xây dựng cơ sở hạ tầng năng lược xuyên Triều Tiên để tăng tối đa xuất khẩu tài nguyên năng lượng vào đông bắc Á - một khu vực động lực thực sự của tăng trưởng toàn cầu”.
Nhưng ông Putin là một nhà đàm phán cứng rắn và quan hệ sẽ cần phải tiến bộ quan trọng nếu muốn tranh chấp này được giải quyết “trong thế hệ này” như ông Abe muốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.