Tái tạo nguồn lợi thủy sản giúp cân bằng hệ sinh thái, phát triển ngành thủy sản bền vững
Tái tạo nguồn lợi thủy sản giúp cân bằng hệ sinh thái, phát triển ngành thủy sản bền vững
Tuấn Anh
Thứ sáu, ngày 10/11/2023 10:42 AM (GMT+7)
Ngành Thủy sản đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển và ven biển, nguyên nhân chủ yếu là do khai thác thuỷ sản thiếu tính chọn lọc, mang tính huỷ diệt và môi trường sống của nhiều đối tượng thuỷ sản bị ô nhiễm nặng nề.
Bên cạnh các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản như quy định khu bảo tồn biển, khu vảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, quy định nghề cấm, ngư cụ cấm … thì việc thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản vào các thủy vực tự nhiên là rất cấp thiết.
Thả giống tái tạo nhằm phát triển nguồn lợi thủy sản
Công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở nước ta bắt đầu vào những năm 1960, cá giống được thả vào các hồ chứa nhằm tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong hồ và được thực hiện bởi Nhà nước, các loài thả chính bao gồm mè trắng, mè hoa, trắm cỏ, và cá chép, cá rô phi và Trôi Ấn. Giai đoạn 1970 – 2000 công tác thả giống tái tạo nguồn lợi chủ yếu thực hiện ở các hồ chứa và ít được quan tâm. Đến năm 2004, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 131/2004/QĐ-TTg về chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010 các hoạt động phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản mới thực sự được quan tâm và triển khai rộng khắp.
Tiếp nối Chương trình 131, thực hiện Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình tái tạo nguồn lợi thủy sản sử dụng kinh phí Nhà nước đã được đa số các địa phương triển khai từ năm 2012. Sau 11 năm triển khai thực hiện Chương trình, trên cả nước tổng số giống thủy sản thả xuống các thủy vực tự nhiên là gần 301 triệu con giống, trung bình 47 triệu con/năm. Các thủy vực được thả cũng rất đa dạng: hệ thống sông, hồ và vùng ven biển. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các loài thủy sản bản địa, có giá trị kinh tế như cá mè, trôi, trắm, chép, lóc, trê, rô phi (loài nước ngọt), tôm sú, cá vược, ghẹ, cua xanh (loài nước mặn). Một số loài thủy sản quý hiếm cũng được các địa phương thả như cá song, , cá chiên, lăng, thát lát… nhưng số lượng không nhiều.
Luật Thủy sản 2017 cũng đã quy định về Hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản gồm: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái tạo nguồn lợi thủy sản; Thả bổ sung loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài thủy sản bản địa; loài thủy sản đặc hữu vào vùng nước tự nhiên.
Luật Thủy sản cũng quy định, bên cạnh việc thả các loài thủy sản thì tái tạo còn bao gồm hoạt động Quản lý khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi, nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao nhất của công tác tái tạo. Đồng thời cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản.
Hợp tác trong tái tạo nguồn lợi thủy sản
Để thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản thống nhất trên phạm vi toàn quốc, năm 2017, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký bản ghi nhớ hợp tác giữa trong lĩnh vực phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bản ghi nhớ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử trong hoạt động phóng sinh các giống loài thủy sản.
Đến nay đã có 44/52 tỉnh, thành phố ký kết và tổ chức triển khai thực hiện bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn với Giáo hội Phật giáo tỉnh. Một số địa phương đã triển khai và huy động được sự tham gia tích cực của các tăng ni, phật tử trong hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản như Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Quảng Ninh. Một số tỉnh đã chủ động triển khai phối hợp với các tổ chức tôn giáo khác như An Giang (Giáo phái Hòa Hảo).
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động thả giống phóng sinh là hoạt động thường xuyên, liên tục của phật tử.
Việc ký kết phối hợp giữa Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực phóng sinh tái tạo nguồn thủy sản là hoạt động sáng tạo, có sự lan tỏa tốt, đi vào chiều sâu, vừa gìn giữ được truyền thống phóng sinh cầu an, vừa góp phần tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong quá trình hợp tác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của Tổng cục Thủy sản, qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua hoạt động thả giống phóng sinh, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai gây hại hay những loài không phù hợp ra môi trường.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Thông tin-Truyền thông của Giáo hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố làm tốt hơn công tác phối hợp, có thể xây dựng chuyên mục chuyên sâu về phóng sinh trên kênh Truyền hình An Viên của Giáo hội để lan tỏa rộng rãi hoạt động này, đáp ứng được niềm tin tâm linh, thực hành lòng từ bi của đạo Phật, đồng thời làm tốt hơn việc tái tạo, làm phong phú nguồn lợi thủy sản.
Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản với các tổ chức tôn giáo đã góp phần không nhỏ huy động nguồn lực của người dân vào công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tuyên truyền để các tăng ni, phật tử và người dân không phóng sinh các giống loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Năm 2018, Tổng cục Thủy sản tiếp tục xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn quy trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản để các địa phương áp dụng. Trong đó đưa ra hướng dẫn về chọn loài, khu vực thả, kỹ thuật vận chuyển, thả giống và các công tác đánh giá hiệu quả sau khi thả giống.
Như vậy có thể thấy, tái tạo thủy sản là hoạt động có tính chất dài hơi, liên tục và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, thậm chí cả hợp tác quốc tế. Do đó, bên cạnh những giải pháp mà chúng ta đã thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua, rất cần nâng cao ý thức cộng đồng bằng cách tuyên truyền, vận động để ngày càng có nhiều người quan tâm và tham gia hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, có như thế nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên mới phát triển bền vững và ổn định lâu dài.
Qua khảo sát thực tế và theo số liệu thống kê của các địa phương, hàng năm nếu thả ra 13 hệ thống sông chính và 100 hồ, đầm diện tích vừa và lớn thì cần khoảng 300 triệu giống thủy sản cỡ lớn để thả vào thủy vực tự nhiên với 16 loài, chủ yếu là các loài cá có giá trị kinh tế, đặc biệt là các loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao. Đây là vấn đề rất lớn bởi phạm vi rộng, số lượng giống lớn và phải có nguồn kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điều này đòi hỏi phải có sự chung tay của cộng đồng địa phương, các cá nhân, tổ chức xã hội nhằm đảm bảo từng bước "xã hội hóa" công tác thả giống cũng như đảm bảo hoạt động bảo vệ nguồn lợi sau thả có hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.