Tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước tác động của Covid-19: Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ được khoảng 12.800 tỷ
Tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước tác động của Covid-19: Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ được khoảng 12.800 tỷ
Quang Dân
Thứ hai, ngày 23/03/2020 13:55 PM (GMT+7)
Việt Nam hiện có khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, như vậy tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp thì số tiền tạm ngừng đóng là 12.800 tỷ đồng.
Mới đây, trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) gửi Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, về chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐTBXH đề xuất 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020.
Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng. Trong trường miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp, đề xuất của Bộ LĐTB&XH hướng tới các doanh nghiệp và lao động ngừng việc, không tham gia sản xuất.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng nhận định, đây là chủ trương rất lớn khi Việt Nam hiện có khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, như vậy số tiền tạm ngừng đóng là 12.800 tỷ đồng. Đồng thời, khoảng thời gian miễn đóng trên được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động.
Doanh nghiệp và người lao động ủng hộ
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, đại diện công ty Aproximec cho biết, tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời điểm hiện tại giúp doanh nghiệp và người lao động giải quyết được nhiều vấn đề.
"Trước hết sẽ tăng thêm nguồn thu trực tiếp cho người lao động, về phần của doanh nghiệp, với chính sách này của chính phủ doanh nghiệp có thêm khoản vốn để duy trì hoạt động kinh doanh", vị này cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc công ty TNHH Donexpro Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19, ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. "Bản thân công ty ông và những doanh nghiệp khác ngoài việc tìm kiếm những giải pháp để khắc phục khó khăn như tìm thị trường mới, tìm nguồn nguyên liệu mới thì vẫn mong đợi vào những biện pháp bảo vệ, kích thích kinh tế từ các cấp chính quyền".
Theo ông Thái, chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất… hiện cũng chỉ giúp đỡ được một phần nào đó cho chi phí đầu ra của doanh nghiệp. Nguồn thu đầu vào không có, không đủ để có thể duy trì hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp khó có thể cầm cự được trong thời gian tới.
"Tùy thuộc vào chính sách của nhà nước, tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp không giải quyết được nhiều vấn đề vì thực chất chi phí cũng ít", ông Thái nói.
Đánh giá rất cao những đề xuất, giải pháp để bảo vệ kinh tế trước tác động của Covid-19 của chính phủ và các bộ nghành trong thời gian qua sau chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp rất thích hợp để giúp người lao động cũng như một số doanh nghiệp hiện tại đang trong tình trạng khủng hoảng do dịch Covid-19.
Trước mắt, nó sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa của đất nước. Tuy nhiên, trong lúc này vấn đề cứu vớt doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động sẽ ưu tiên hơn. Khi doanh nhiệp đóng cửa, người lao động thất nghiệp thì nhà nước cũng không có nguồn thu để nộp vào ngân sách.
Các chính sách ưu tiên cho sản xuất kinh doanh để giúp các doanh nghiệp qua mùa dịch hết sức cần thiết. Khi nền kinh tế khôi phục, Chính phủ có thể thu hồi lại khoản miễn giảm này trong tương lai.
"Với những người đang thất nghiệp, việc chi trả bảo hiểm cho nhóm đối tượng này là bắt buộc, không thể dừng được. Mình chỉ dừng lại đóng bảo thiểm thất nghiệp cho những người hiện tại vẫn đang làm việc, hoãn lại một thời gian. Còn những người đã thất nghiệp rồi phải được hưởng chế độ mặc dù ngân sách lúc này rất là khó khăn," ông Hiếu cho hay.
PGS.TS Ngô Trí Long hiện nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng đồng ý với chính sách trên. Ông nhận định, tùy vào quy mô của từng doanh nghiệp mà số tiền bảo hiểm sẽ nhiều hay ít. Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế hiện tại, thay vì doanh nghiệp phải đi xoay xở, đi vay ngân hàng để có tiền nộp bảo hiểm, bây giờ nhà nước tạm dừng không phải đóng khoản bảo hiểm này, doanh nghiệp sẽ đỡ được khoản chi phí, dồn sức cho sản xuất kinh doanh.
Ông Long cho rằng, với chính sách này doanh nghiệp sẽ là đối tượng được lợi chính, khi doanh nghiệp hồi phục được kinh tế thì sẽ đủ điều kiện để trả nợ lương, thưởng cho người lao động. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trước đại dịch Covid-19.
Trước đó, Ngày 20/3, Cục Việc làm có văn bản gửi các địa phương về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trước tình hình dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Cục Việc làm yêu cầu các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở LĐTB&XH các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình chi trả BHTN tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh nhất, đúng quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tập trung về quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia và hưởng chế độ BHTN theo quy định, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện BHTN.
Các trung tâm dịch vụ việc làm cũng phải chủ động nắm bắt thị trường lao động trên địa bàn, đặc biệt là tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động để đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, xây dựng và triển khai các phương án sắp xếp, bố trí, tăng cường nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị,... phù hợp để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động trong việc hưởng BHTN nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch, tránh trục lợi chính sách.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động giao dịch, kết nối, tuyển dụng, tránh tập trung đông người để phòng chống Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.