Tâm sự chuyện nghề của những nam phóng viên thời sự

Nhật Hà Thứ ba, ngày 18/06/2024 07:00 AM (GMT+7)
Nghề báo được biết tới là một là nghề nhiều nhọc nhằn, vất vả, thậm chí nguy hiểm song những ai đã trót mang trong mình nghiệp làm báo đều luôn sẵn sàng dấn thân với nghề. Họ đã nói gì về nghề của mình?
Bình luận 0

Quang Hùng – phóng viên báo Công Luận: Mỗi lần tác nghiệp hiện trường đều để lại trong tôi nhiều cảm xúc

Tâm sự chuyện nghề của những nam phóng viên thời sự - Ảnh 1.

Phóng viên Quang Hùng trong chuyến công tác tại Trường Sa tháng Tư vừa qua. Ảnh: NVCC

Công việc của một phóng viên vốn nhiều thử thách, nhưng ở vị trí phóng phóng viên ảnh, phụ trách mảng thời sự xã hội thì lại áp lực càng lớn hơn hơn bởi khi tin nóng xảy ra, tôi cần tác nghiệp "3 trong 1" nghĩa là vừa chụp ảnh, quay phim, và viết.

Nhiều khi công việc đến bất chợt, 24/24h điện thoại luôn trong tình trạng phải liên lạc được. Việc ăn uống lệch giờ, có nhiều lúc đang ăn dở bát cơm, tôi phải bỏ vội để đi ghi nhận một vụ cháy nổ hay thiên tai, hoặc đêm muộn 1-2h vẫn vác máy đến hiện trường là điều rất đỗi bình thường của một phóng viên thời sự. Hy vọng trong tương lai, tôi có thể gặp được một người bạn gái thông cảm cho công việc của mình.

Ra khỏi nhà, tôi luôn lỉnh kỉnh ba lô, túi xách, máy móc, thiết bị rất nặng trên vai. Đến cơ quan, đặt túi xuống bàn, động tác quen thuộc của tôi là quờ tay, bật ngay máy tính. Chỉ cần có tin nóng là PV xin ý kiến lãnh đạo phòng, đăng ký tin, và lên đường ngay lập tức. Nhiều sự kiện "nóng" kéo dài tới đêm, tôi phải bám sát thông tin, cán bộ trực vì thế cũng phải chờ tin.

Trong gần 10 năm làm báo, tôi có rất nhiều kỷ niệm tác nghiệp và tất cả đều để lại dấu ấn cho hành trình công việc. Dấu ấn đó, không thể không kể đến những năm xảy ra dịch Covid-19, lệnh cấm đường toàn thành phố Hà Nội hay như trận mưa bão lịch sử, gây sạt lở đất làm chết người ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Tâm sự chuyện nghề của những nam phóng viên thời sự - Ảnh 2.

Mỗi lần tác nghiệp đều để lại trong lòng Phóng viên Quang Hùng nhiều cảm xúc. Ảnh: NVCC

Thời điểm năm 2021, Hà Nội thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội, nhằm giảm sự lây lan dịch bệnh Covid-19. Với vai trò là 1 PV hiện trường, không hiểu sao lúc đó tôi không hề cảm thấy run, sợ hay lo lắng khi đi tác nghiệp ở các chốt kiểm dịch, bệnh viện, nơi phát hiện ca nhiễm mới.

Tôi vẫn nhớ như in lần công tác ghi nhận tình hình thực tế tại trận lũ quét xảy ra vào sáng 2/10/2022 ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là nơi ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 (năm 2022) có tên gọi là Noru, cơn bão được đánh giá mạnh nhất 20 năm qua đổ bộ vào khu vực miền Trung.

Sau khi có thông tin lũ quét xảy ra, ngay trong đêm tôi đã di chuyển về Nghệ An để ghi nhận thực tế. Do tỉnh này vẫn đang chịu hoàn lưu cơn bão, mưa ngập khắp khu vực, từ thành phố lên đến huyện biên giới xảy ra sạt lở đất, hầu hết đường sá đều đã bị sạt trượt, gần như không có phương tiện di chuyển đến hiện trường. Phải sau 1 ngày xảy ra vụ việc, và ngồi xe khách từ 9h đến 19h, tôi mới đặt chân được đến thị trấn Mường Xén (Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Sau gần 1 tuần ghi nhận hiện trường, chứng kiến nhiều nhà cửa bị nước lũ cuốn trôi, nhiều gia đình trắng tay chỉ sau một đêm, đâu đâu cũng thấy mênh mông nước, người dân dầm mưa dọn dẹp, hoặc chứng kiến nhiều người dân đi bộ hàng chục km từ bản xa ra trung tâm thị trấn nhận từng thùng mì, chai nước cứu trợ… đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó tả.

Vất vả, gian nan, hiểm nguy nhưng nghề báo luôn đi kèm với vinh quang. Chuyến đi ghi nhận lũ quét ở Nghệ An với hàng loạt bài ảnh về hiện trường, giúp tôi giành được giải nhất, giải ảnh báo chí của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia năm 2022.

Theo nghề báo, tôi phải đánh đổi rất nhiều thứ như thời gian, công sức và thậm chí là sức khỏe, nhiều lúc tưởng chừng nản chí. Nhưng để được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề báo bởi đằng sau tôi còn là cả một Toà soạn - nơi ấy với tôi như một gia đình, có những người lãnh đạo thấu hiểu, động viên, có những đồng nghiệp thân tình chia sẻ. Đặc biệt, nghề đã cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá.

Đức Mạnh - Phóng viên Tạp chí Vận tải Ô tô: Làm báo không đơn thuần là đam mê mà còn là trách nhiệm với từng con chữ viết ra

Tâm sự chuyện nghề của những nam phóng viên thời sự - Ảnh 3.

Phóng viên Đức Mạnh luôn sẵn sàng làm việc mọi khung giờ. Ảnh: NVCC

Khoa Văn học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) là nơi chắp cánh những mơ ước về nghề báo của tôi. Ở nơi đây, tôi có những cơ hội được tiếp xúc với các phóng viên, nhà báo là các anh chị trưởng thành từ khoa, tôi may mắn được các anh chị dìu dắt.

Trong một buổi giao hữu bóng đá giữa sinh viên và cựu sinh viên của khoa, tôi may mắn được nhà báo Đinh Công Giáp tin tưởng và dìu dắt vào nghề. Trong quá trình công tác, tôi cũng không quên trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đồng nghiệp công tác tại các báo khác để tích luỹ kinh nghiệm và làm giàu thêm chút "vốn" riêng cho bản thân mình.

Làm báo, có nhiều lúc đêm muộn1-2h tôi mới từ hiện trường về đến nhà, thế nhưng sáng sớm 4-5h đã dậy kiểm tra tin để đưa tới bạn đọc những thông tin nhanh chóng và chuẩn xác, chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc vào mọi khung giờ.

Kỷ niệm đáng nhớ với tôi vẫn là những lần mưa bão, những lần vào miền Trung nơi thường xuyên phải chịu những tổn hại do mưa bão gây ra.

Tháng 10 năm 2023, tôi cùng đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam từ Đà Nẵng vào Tây Nguyên, trên đường từ Quảng Nam sang Kon Tum, đoàn chúng tôi gặp cảnh sạt lở, giao thông chia cắt. Tại đây, tôi bắt gặp 2 người đàn ông dân tộc thiểu số ăn vội miếng cơm rồi lao vào thông đường, bám tuyến, đảm bảo giao thông.

Tâm sự chuyện nghề của những nam phóng viên thời sự - Ảnh 4.

Dù vất vả nhưng nghề báo cho phóng viên Đức Mạnh những trải nghiệm quý giá. Ảnh: NVCC

Ở hiện trường, tôi mở máy tính, đổ những chiếc ảnh vừa chụp được để đăng tin nhanh chóng, kịp thời cảnh báo cho các phương tiện.

Về đến Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũng hơn 22h, ai cũng cảm thấy đói nhưng chúng tôi đều phấn khởi vì điểm ùn tắc do sạt lở đã được khắc phục, đảm bảo giao thông cho người dân.

Công việc nào cũng có những vất vả riêng, nghề báo cũng vậy, nhưng bù lại tôi có những trải nghiệm, những bài học đáng quý.

Làm nghề, cũng như các đồng nghiệp, tôi đã cố gắng vượt lên những khó khăn, thậm chí hiểm nguy trên từng nẻo đường tác nghiệp, rồi lại miệt mài, đau đáu với từng con chữ để mang tới độc giả những tin tức và hình ảnh sâu sắc, đúng đắn, và sống động nhất.

Thi thoảng, tôi có nghe thấy đâu đó nói "nhà văn nói láo, nhà báo nói phét", những khi đó, tôi có chút buồn, rồi nhanh chóng bỏ qua, bởi người nói điều đó, thực chất họ không hiểu vấn đề. Chúng tôi, những người làm báo thường phải kiểm tra rất kỹ nguồn tin để đưa thông tin nhanh chóng, khách quan và chính xác tới bạn đọc chứ không tự ý, xuề xoà với bản thân trong việc đưa tin được.

Với tôi, làm báo không đơn thuần chỉ là đam mê, nhiệt huyết mà còn là trách nhiệm với từng con chữ viết ra, trách nhiệm với xã hội, và cao hơn cả là cái tâm của người cầm bút.

Hồng Quang – Phóng viên báo Tuổi trẻ: Giá trị của báo chí so với mạng xã hội nằm ở tính xác tín và khách quan

Tâm sự chuyện nghề của những nam phóng viên thời sự - Ảnh 5.

Phóng viên Hồng Quang trong lần tác nghiệp hiện trường. Ảnh: NVCC

Là phóng viên theo dõi tin tức thời sự, an toàn giao thông, đô thị, đời sống dân sinh …, nghề báo đến với tôi như một chữ duyên. Đó là, vào năm 2019, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - một sự kiện Quốc tế rất quan trọng, được tổ chức tại Việt Nam. Thời điểm này, tôi đang làm cho một tập đoàn về thiết bị y tế. Mỗi chiều đi làm về, tôi đi ngang qua khu vực gần khách sạn Metropole hay hồ Gươm đều thấy rất đông các phóng viên tác nghiệp. Và rồi, tôi đã khát khao được theo công việc này.

Tình cờ hơn nữa một người bạn của tôi công tác tại báo ở TP. HCM cũng ra Hà Nội tác nghiệp. Anh ấy có nhờ tôi đi hỗ trợ ghi nhận một vài điểm trên đường, nơi đoàn xe của nhà lãnh đạo Triều Tiên đi qua. Cảm giác lần đầu được cầm máy ảnh tác nghiệp vừa hồi hộp (vì sợ lỡ khoảnh khắc, tôi sẽ rất áy náy với bạn), vừa hạnh phúc và xen lẫn chút tự hào khi đất nước mình được chọn làm tâm điểm của truyền thông thế giới khi đó.

Quãng thời gian làm nghề đến nay đã hơn 5 năm, không quá dài nhưng cho tôi nhiều kỷ niệm. Nhưng khó quên nhất vẫn là những tháng ngày cả nước chống dịch Covid-19. Đó là những tháng ngày chưa từng có tiền lệ. Tôi đã đến những tâm dịch đầu tiên của cả nước, trực tiếp ở lại và cảm nhận đời sống của người dân nơi đó. Tuy vất vả, một chút nguy hiểm nhưng bản thân tôi nhìn nhận rõ nhất về giá trị của cuộc sống và về sự cống hiến của mình cho xã hội.

Tâm sự chuyện nghề của những nam phóng viên thời sự - Ảnh 6.

Hồng Quang luôn có trách nhiệm với công việc mình làm. Ảnh: NVCC

Mỗi lần tác nghiệp đều là một bài học và là một trải nghiệm đáng quý với tôi. Làm phóng viên thời sự, bạn sẽ tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau trong xã hội. Tiếp xúc với họ, tôi cảm thấy trân quý những thứ mình đang có, khát khao cống hiến và cố gắng học hỏi thêm nhiều điều nữa để mở rộng vốn kiến thức của mình.

Ngoài những vất vả với nghề, hiện nay báo chí còn vấp phải một cạnh tranh rất lớn với mạng xã hội. Tuy nhiên, theo Quang, mạng xã hội là một phần quan trọng. Nó như tấm gương phản ánh cuộc sống. Ở đó, mọi người đều có thể chia sẻ mọi cung bậc cảm xúc và những thông tin họ bắt gặp được hàng ngày. Với lợi thế người dùng đông đảo, phủ rộng mọi nơi, mạng xã hội chiếm ưu thế hơn về tốc độ và nhất là nguồn tin phong phú hơn bất cứ một tờ báo nào.

Tuy nhiên, các thông tin trên mạng xã hội không bao giờ có thể làm mất đi vai trò của người làm báo. Độc giả chắc chắn vẫn cần tới báo chí để xác minh tính chính xác và giải đáp cho họ những câu hỏi "Vì sao?" và "Như thế nào?". Do đó, giá trị của báo chí so với mạng xã hội nằm ở chính sự giải đáp, xác tín và tính khách quan.

Trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (Hà Nội) hôm 24-5 tại, trong khi các nhà báo vẫn đang miệt mài tìm kiếm những nhân chứng, những câu chuyện ở hiện trường để tường thuật lại thông tin vụ việc thì đoạn clip một nam thanh niên bám vào tường nhà, dùng búa cứu người đã được chia sẻ và gây cảm xúc đối với bất kỳ ai xem được. Hay như gần đây nhất trong đợt mưa lớn ở Hà Giang, hình ảnh một Thượng úy Công an băng qua dòng lũ dữ, cứu 2 người đang bị lũ cuốn đi cũng nhanh chóng có trên mạng xã hội chỉ sau khi diễn ra sự việc được chừng 10 phút.

Rõ ràng đây là những hình ảnh rất nhân văn, truyền cảm hứng tới bất kỳ ai đọc được. Tuy nhiên những thông tin trên mạng ban đầu chỉ là những hình ảnh thuật lại sự việc trong vài chục giây ngắn ngủi.

Với nhiệm vụ của một người làm báo, tôi luôn đặt ra câu hỏi "mình cần làm gì để có một bản tin có giá trị, tiếp tục lan tỏa những hình ảnh tích cực này?". Từ đó, tôi tự gắn trách nhiệm cho mình cần xác tín sự việc, truyền tải những câu chuyện phía sau, giải thích sự việc vì sao diễn tiến như vậy và thuật lại những cảm xúc của chính người trong cuộc.

Do đó, thay vì cố cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ, tôi cho rằng nên coi đó là một kho tàng không giới hạn về nguồn tin. Mạng xã hội như tấm gương phản ánh cuộc sống, vì thế nhà báo có thể có những đề tài gần gũi, được độc giả quan tâm hơn nếu biết chọn lọc thông tin, đề tài trên những nền tảng này.

Cuối cùng, điều đáng quý nhất của nghề báo mà tôi đã học được là phẩm chất "văn minh". Văn minh trong cách nhìn nhận vấn đề sao cho đa chiều; tôn trọng sự thật và bản chất sự việc. Văn minh trong cách truyền tải ngôn từ đến độc giả. Vì thế, tôi sẽ luôn cố gắng hơn nữa để có thể làm tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem