Kết nối tạo sức mạnh để hỗ trợ nạn nhân
Trước đó, trong cuộc hội thảo kết nối mạng lưới các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa tổ chức, bà Phạm Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình (BLGĐ). Hạn chế đầu tiên đến từ yếu tố chủ quan, nhiều nạn nhân e dè không dám chia sẻ việc bị bạo lực. Tiếp theo là sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị còn hạn chế, không ít những cán bộ, ban ngành thiếu ý thức, hiểu biết, đổ lỗi cho nạn nhân thay vì hỗ trợ.
Phụ nữ được tư vấn hỗ trợ phòng chống bạo lực gia đình tại Nam Định. Ảnh: Thùy Anh
Hơn một nửa phụ nữ tại Việt Nam đều có nguy cơ bị bạo lực tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. 32% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực thể chất trong cuộc đời và 6% đã trải qua bạo lực thể chất trong vòng 12 tháng qua. Tỷ lệ bạo lực tinh thần ở mức cao: Có 54% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tinh thần trong cuộc đời và 25% bị bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua” - báo cáo của Liên Hợp Quốc về bạo lực gia đình ở Việt Nam năm 2010. |
Bà Giang cũng cho biết, tính từ năm 2007 đến nay, Ngôi nhà Bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) đã hỗ trợ 68 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực; hỗ trợ 350 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán; truyền thông, tham vấn cho gần 30.000 chị em.
Cụ thể, Ngôi nhà Bình yên cung cấp chỗ ăn ở an toàn cho phụ nữ, trẻ em và nạn nhân của bạo lực giới, được nhân viên bảo vệ 24/24 giờ và địa điểm được bí mật. Thời gian tạm lánh có thể linh hoạt, thường là 3 tháng với nạn nhân bị bạo lực giới, 6 tháng với phụ nữ trẻ em bị mua bán. Ngôi nhà Bình yên cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đơn vị hỗ trợ tâm lý chuyên biệt với Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để giúp đỡ, tư vấn tâm lý cho các nạn nhân.
Theo bà Giang: “Kết nối mạng lưới làm công tác phòng ngừa BLGĐ là việc cần làm sớm nhằm đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân cũng như là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho nạn nhân. Qua đây cũng là kênh để kết nối các cơ quan, tổ chức nhằm phát huy thế mạnh để bảo vệ trẻ em và phụ nữ, phòng tránh BLGĐ, bạo lực giới”.
Địa phương cần được “tăng lực”
Bà Trần Thị Sâm - Phó Ban Chính sách pháp luật (Hội LHPN tỉnh Nam Định) cho biết, thời gian qua, Nam Định cũng nỗ lực hết mình bảo vệ và phòng chống bạo lực giới nói chung BLGĐ nói riêng.
Trong năm 2017, các cấp hội phụ nữ chủ động nghiên cứu giải quyết kịp thời đơn thư thuộc thẩm quyền, kiến nghị đề xuất các cơ quan chức năng xem xét giải quyết đơn thư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
“Bên cạnh việc phát tờ rơi phổ biến pháp luật và kiến thức phòng tránh, xử lý khi bị BLGĐ, chúng tôi còn phối hợp với các ngành chức năng kịp thời giải quyết đơn thư tố cáo về vấn đề có liên quan tới bạo lực theo đúng quy định. Các cấp Hội trong tỉnh đẩy mạnh việc tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, giải quyết dứt điểm các đơn thư thuộc thẩm quyền của Hội” - bà Sâm nói.
Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức rà soát, kiện toàn lại đội ngũ mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, duy trì thường xuyên việc tư vấn cho hội viên phụ nữ. “Hiện tại ở Nam Định đã thành lập được 461 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, bao gồm nhà tạm lánh do các đơn vị như công an, Hội Phụ nữ... tổ chức nhằm hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ khi họ cần địa chỉ để lánh nạn” - bà Sâm chia sẻ thông tin.
Là người trực tiếp triển khai hoạt động tư vấn phòng ngừa tại địa phương, bà Sâm mong muốn được Trung ương Hội LHPN tăng cường hỗ trợ tập huấn kiến thức tư vấn, phòng ngừa BLGĐ cho tư vấn viên và phụ nữ. Thêm vào đó, Trung ương Hội cũng nên có kênh để liên kết các đơn vị, cơ sở cùng làm công tác phòng chống BLGĐ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.