Tăng quyền điều tra cho Viện Kiểm sát

Lương Kết Thứ ba, ngày 28/10/2014 06:42 AM (GMT+7)
“Tôi tán thành cao với việc giao cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) điều tra những vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp” - đại biểu Quốc hội Hà Công Long (Gia Lai) phát biểu.
Bình luận 0

Được điều tra tội phạm tham nhũng

Chiều 27.10, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi). Một trong những điểm mới đáng chú ý là mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND. Trong báo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nêu:

Để bảo đảm chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp có hiệu quả, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, dự thảo luật đã điều chỉnh cho rõ hơn về thẩm quyền điều tra của Viện KSND Tối cao.

“Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao, cơ quan điều tra của Viện KS quân sự T.Ư điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp".

img

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Hà Công Long phát biểu ý kiến tại phiên họp.    TTXVN

Thảo luận vấn đề này, ĐB Hà Công Long cho rằng trong thực tiễn hoạt động tư pháp thấy đã xảy ra nhiều vụ cán bộ các cơ quan tư pháp làm lộ bí mật công tác như thông tin bắt tạm giam, khám xét, kê biên dẫn đến người phạm tội chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, điển hình là vụ Dương Chí Dũng ở Vinalines đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn rất nhiều những hành vi như môi giới hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tư pháp để chiếm đoạt tài sản mà xã hội chúng ta thường gọi là “chạy án”.

"Đây là những tội phạm thật sự xâm phạm đến trật tự hoạt động tư pháp. Nếu cơ quan điều tra của Viện KS không được giao thẩm quyền điều tra những tội phạm nêu trên thì khó có thể bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố" - ĐB Long bày tỏ.

Thẩm phán phải thi tuyển

Quan điểm

Ông Nguyễn Bá ThuyềnĐBQH tỉnh Lâm Đồng
 Một thứ trưởng bên ngành công an phạm tội, sau đó vụ việc lại được giao cho cơ quan điều tra của bộ này thì liệu có đảm bảo khách quan? Nếu vụ việc được giao cho Viện KS thì sẽ đảm bảo khách quan hơn trong hoạt động tư pháp.  
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), quy định về tiêu chuẩn thẩm phán như trong dự thảo luật còn không ít bất cập, chung chung. Luật quy định trách nhiệm của thẩm phán là tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.

“Tôi cho rằng quy định thế này mang tính khẩu hiệu, trên thực tế rất khó mà xem xét có thẩm phán nào hội tụ đủ các tiêu chuẩn trên. Chỉ nên quy định là thẩm phán phải có trách nhiệm tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân là đủ”- ĐB Học góp ý.

Theo quy định của dự thảo luật, thẩm phán không được tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền quyết định không đúng nơi quy định. “Thế nào là đúng nơi quy định và thế nào là không nơi quy định?” - ĐB Học đặt vấn đề.

Cũng có ý kiến về quy định thẩm phán, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng) đề nghị cần quy định thẩm phán trước khi được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn phải trải qua kỳ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh.

“Tôi cũng đề nghị đối với các điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên cũng thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh nhằm đảm bảo tính thống nhất về hệ thống pháp luật, đảm bảo tính tương đồng trong bổ nhiệm chức danh của bộ máy nhà nước” - ĐB Nghĩa nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem