Càn Khôn Đại Na Di, một trong số những tuyệt kỹ võ công huyền bí nhất trong tiểu thuyết Kim Dung, luôn là đề tài thu hút sự tò mò của độc giả. Bộ võ công này không chỉ sở hữu sức mạnh phi thường mà còn ẩn chứa nhiều bí ẩn.
Nguồn gốc Càn Khôn Đại Na Di
Càn Khôn Đại Na Di vốn là trấn phái thần công của Minh Giáo ở Ba Tư - Bộ võ công do sư tổ Minh Giáo đời đầu sáng tạo nên. Tuy nhiên, một điều kỳ lạ là tâm pháp này lại bị thất truyền ở Minh Giáo Ba Tư, trong khi ở Trung Nguyên vẫn còn được lưu giữ.
Sau này, khi Tiểu Chiêu trở thành Thánh Nữ Minh Giáo Ba Tư và trở về Ba Tư, nàng đã mang theo khẩu quyết tâm pháp Càn Khôn Đại Na Di trở lại, giúp khôi phục lại một phần vinh quang cho Minh Giáo Ba Tư.
Những điểm nổi bật của Càn Khôn Đại Na Di
Tính linh hoạt: Càn Khôn Đại Na Di là một môn võ công thiên về nội công, có khả năng chuyển hóa nội lực, giảm sát thương và thậm chí phản đòn khiến Càn Khôn Đại Na Di trở thành một môn võ công phòng thủ cực kỳ hiệu quả.
Tính công phá: Khi kết hợp với nội công thâm hậu, Càn Khôn Đại Na Di cũng có thể tạo ra những đòn tấn công cực mạnh.
Tính biến hóa: Môn võ này có thể ứng dụng trong nhiều tình huống khác nhau, từ phòng thủ đến tấn công, từ đơn đấu đến quần chiến với số đông.
Những khó khăn trong quá trình tu luyện
Càn Khôn Đại Na Di là một bộ võ công vô cùng khó luyện, gồm 7 tầng. Việc tu luyện từng tầng đều đòi hỏi người luyện phải có nội công thâm hậu, kiên nhẫn và sự thông minh. Mỗi tầng đều có những thử thách riêng và nếu không vượt qua được, người luyện rất dễ bị tẩu hỏa nhập ma.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký có nói, người có ngộ tính tu tập cao phải mất 7 năm để luyện thành, kẻ chậm hiểu phải mất 14 năm. Tầng thứ 2 độ khó tăng lên gấp đôi, người giỏi cũng mất 7 năm mới luyện thành, kẻ tệ nhất nếu luyện tới 21 năm mà vẫn không thành, sẽ không thể luyện được tầng thứ 3. Nếu cố luyện sẽ bị tẩu hỏa nhập ma.
Những nhân vật tiêu biểu đã luyện Càn Khôn Đại Na Di
Ngoài người tạo ra Càn Khôn Đại Na Di, chỉ có giáo chủ đời thứ 8 luyện Càn Khôn Đại Na Di đến tầng thứ 5 nhưng sau đó cũng tẩu hỏa nhập ma mà chết.
Trong khi đó, giáo chủ Minh Giáo ở Trung Nguyên đời thứ 33 là Dương Đỉnh Thiên dù mới luyện Càn Khôn Đại Na Di đến tầng thứ 3, nhưng đã uy trấn giang hồ, khiến nhiều người khiếp sợ, ngay cả các cao thủ của Thiếu Lâm cũng bị đánh bại và ôm hận. Tuy nhiên, khi đang luyện tầng thứ 4 thì bị tẩu hỏa nhập ma do thấy phu nhân của ông và Thành Côn dan díu, dẫn đến cái chết.
Còn Dương Tiêu là sứ giả của Minh Giáo, chỉ mới luyện đến tầng thứ 2, những cũng được xếp vào hàng cao thủ võ lâm.
Trương Vô Kỵ không phải là người của Minh Giáo, nhưng trong một lần tình cờ đang đuổi theo Thành Côn đã tìm ra bí kíp võ học này. Nhờ tinh thông y thuật và nội công thâm hậu của Cửu Dương Thần Công hỗ trợ mới luyện được 5 tầng Càn Khôn Đại Na Di trong thời gian ngắn. Nhưng đến tầng thứ 6 phải mất rất nhiều thời gian để luyện thành. Tuy nhiên khi Vô Kỵ luyện tới tầng 7 thấy không ổn nên dừng lại.
Bí ẩn về tầng thứ 7 của Càn Khôn Đại Na Di
Tầng thứ 7 của Càn Khôn Đại Na Di luôn là một bí ẩn lớn. Theo nhà văn Kim Dung từng chia sẻ, tầng này được sáng tạo ra dựa trên trí tưởng tượng của người sáng tạo ra bộ võ công này, nguyên do là khi xưa lúc vị cao nhân chế ra tâm pháp Càn Khôn Đại Na Di, mặc dù nội công cao cường nhưng không có Cửu Dương Thần Công hỗ trợ nên chỉ luyện đến tầng thứ 6, ông viết thêm tầng thứ 7 nhưng ngay chính bản thân ông cũng không thể luyện thành, chẳng qua là ông ấy đã dựa vào trí thông minh của mình mà tưởng tượng ra.
Về sau khi giao chiến với giáo đồ Minh Giáo Ba Tư, qua những lần giao đấu với Thánh Hỏa Lệnh và may mắn học được tâm pháp Càn Khôn Đại Na Di khắc trên đó, Vô Kỵ đã vô tình hoàn thành 7 tầng của tuyệt học này.
Có thể thấy, Càn Khôn Đại Na Di là một tuyệt kỹ võ công độc đáo và đầy bí ẩn. Bộ võ công này không chỉ là một công cụ để chiến đấu và phòng thủ mà còn là một thử thách đối với bản thân người luyện tập. Đòi hỏi người luyện phải phải có thiên bẩm, sự kiên trì để vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.