Sáng 11.9, trước khi tuyên bố kết thúc thẩm vấn các bị cáo và người liên quan trong vụ án Hà Văn Thắm, thẩm phán Trương Việt Toàn dành thời gian cho đại diện viện kiểm sát (VKS) đặt câu hỏi với đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Đại diện PVN: Không ép các đơn vị sử dụng dịch vụ của Oceanbank Sáng 11.9, trả lời câu hỏi của đại diện VKS, đại diện PVN khẳng định tập đoàn không có văn bản hành chính bắt buộc các đơn vị sử dụng dịch vụ của Oceanbank.
Theo đại diện cơ quan giữ quyền công tố, tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện từ năm 2009-2010, PVN có văn bản yêu cầu các tổng công ty, công ty con, tổ chức liên quan đến tập đoàn và toàn thể công nhân giao dịch qua tài khoản tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) trong đó có cả tiền gửi. "Tôi muốn hỏi ông cơ sở nào để tập đoàn ra văn bản như vậy?”, đại diện VKS nêu.
Thực hiện thỏa thuận khi PVN trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank thì một trong những nghĩa vụ của tập đoàn là hỗ trợ hoạt động kinh doanh - đại diện PVN trình bày.
Đại diện Tập đoàn dầu khí Việt Nam trả lời HĐXX trong sáng 11.9. Ảnh chụp màn hình: Việt Hùng
"Với tư cách đại diện Tập đoàn Dầu khí, tôi khẳng định tập đoàn dầu khí không có văn bản nào mang tính ép buộc đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Đại Dương. Việc này mang tính đề nghị, không mang tính ép buộc", người đại diện PVN nói và cho biết căn cứ để đưa ra các đề nghị này là thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Vị đại diện VKS nói có trong tay văn bản ngày 22.6.2009 của Tổng giám đốc PVN trong đó có yêu cầu gửi tiền vào Oceanbank. Cơ quan này hiểu văn bản hành chính trên như yêu cầu bắt buộc.
"Việc yêu cầu bắt buộc tập trung mọi nguồn vốn vào tổ chức tín dụng như vậy có cản trở tính tự chủ hoạt động các doanh nghiệp tập đoàn và có tiềm ẩn nguy cơ rủi ro hay không?", VKS đặt câu hỏi.
Đại diện PVN một lần nữa khẳng định tập đoàn không có văn bản hành chính bắt buộc các đơn vị sử dụng dịch vụ của Oceanbank. “Vì mang tính khuyến nghị và đề nghị các đơn vị thành viên nên quyền tự chủ hoàn toàn thuộc các đơn vị thành viên. Họ sử dụng hay không sử dụng đó là quyền tự quyết của các đơn vị thành viên”.
Thẩm phán Trương Việt Toàn. Ảnh: Việt Hùng
Liên quan đến các câu hỏi mà vị đại diện VKS nêu ra, thẩm phán Toàn cho rằng văn bản gửi các đơn vị thành viên đề nghị gửi tiền tại Oceanbank là công văn. “Công văn không phải văn bản pháp luật, nó chỉ có tính hướng dẫn. Công văn có chữ đề nghị. Nội dung không thuộc phạm vi vụ án mà đó thuộc về nội bộ Tập đoàn Dầu khí. Tuy nhiên, lưu ý ông truyền đạt lại với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí về một "nguyên tắc trứng không bao giờ để cùng một giỏ", thẩm phán nói.
Lý giải ví von "trứng không bao giờ để cùng một giỏ" của thẩm phán, đại diện PVN nói theo quy chế vốn, một đơn vị phải sử dụng ít nhất 5 ngân hàng chứ không bao giờ đổ toàn bộ tiền, vốn nhàn rỗi vào Oceanbank.
Cắt lời, vị thẩm phán nhấn mạnh rằng HĐXX không xem xét việc PVN góp vốn. "Nếu xem xét công văn đó dưới dạng pháp luật thì cần đối chiếu luật cạnh tranh lành mạnh để xem nó có vi phạm luật cạnh tranh không”, thẩm phán Toàn giải thích trước khi tuyên bố kết thúc phần thẩm vấn.
Trước đó, sáng cùng ngày, khi được mời lên thẩm vấn về việc Nguyễn Minh Thu (Tổng giám đốc Oceanbank) tố đưa 19 tỷ đồng tiền "chăm sóc", 4 người đến từ Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã đồng loạt phủ nhận lời khai trên và cho rằng đó chỉ là lời khai một phía.
Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Hai ngày tới (12 và 13.9) tòa tạm nghỉ làm việc. Ngày 14.9 (thứ Năm), dự kiến phiên xét xử thứ 12 đại án Hà Văn Thắm sẽ tiếp tục với phần tranh tụng.
Nhóm phóng viên (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.