"Tàu địa ngục" của phát xít Nhật khiến tù binh sống không bằng chết

Hạ Vy Thứ hai, ngày 26/04/2021 19:31 PM (GMT+7)
Ngoài điều kiện sống khủng khiếp trên các tàu địa ngục, tù binh Đồng minh còn đối mặt nguy cơ bị chính đồng đội tấn công bất cứ lúc nào.
Bình luận 0

Từ mùa hè 1942, sau nhiều trận giao tranh lớn với phe Đồng minh, phát xít Nhật bắt đầu chuyển tù binh về nước trên những chiếc tàu vận tải cỡ lớn để biến họ thành nô lệ lao động cưỡng bức. Chúng được gọi là "tàu địa ngục" bởi điều kiện sống khổ cực mà các tù binh trên những tàu này phải chịu đựng suốt hành trình dài.

Hàng nghìn tù binh bị nhồi nhét trong các khoang chở hàng bẩn thỉu, ngột ngạt và đầy bệnh tật. Những chuyến đi tới Nhật Bản thường kéo dài nhiều ngày, thậm chí hàng tuần liền, trong khi thức ăn và nước uống cực kỳ khan hiếm. Rất nhiều tù binh đã chết trên hành trình, nguyên nhân chính thường do chết đói hoặc ngạt thở. Những người sống sót bị mất trí do nhiệt độ cao và suy dinh dưỡng.

Không chỉ chịu điều kiện sống như địa ngục, các tù binh còn phải đối mặt với tử thần luôn luôn rình rập, đến từ chính máy bay và tàu chiến của phe Đồng minh.

"Tàu địa ngục" của phát xít Nhật khiến tù binh sống không bằng chết - Ảnh 1.

Lisbon Maru, một trong những tàu địa ngục đầu tiên của Nhật bị đánh chìm. Ảnh: War History.

Khoảng 20.000 tù binh đã chết khi những con tàu địa ngục của phát xít Nhật rơi vào tầm ngắm quân Đồng minh. Các chiến đấu cơ và tàu ngầm Mỹ khi phát hiện tàu chiến Nhật di chuyển trên biển đã quyết định khai hỏa tấn công mà không biết rằng họ đang nhắm vào chính đồng đội của mình.

Một trong những tàu địa ngục đầu tiên bị tấn công là Rakuyo Maru, chở tù binh Anh và Australia từ Singapore tới đảo Đài Loan. Tàu ngầm USS Sealion đã phóng ngư lôi vào con tàu này mà không biết có hàng nghìn tù binh Đồng minh trên đó.

Hơn 1.000 tù binh trên tàu Rakyuo Maru thiệt mạng, bao gồm 300 người trên xuồng cứu sinh. Họ trốn thoát và bắt đầu chèo vào bờ nhưng bị tàu chiến Nhật đuổi kịp và tàn sát.

Ba ngày sau, tàu ngầm Đồng minh quay lại địa điểm xảy ra cuộc tấn công và cứu được 63 tù binh đang bám vào các mảnh vỡ. Có thêm 4 người tử vong sau khi vào bờ. Cùng ngày hôm đó, hơn 400 tù binh khác thiệt mạng khi tàu ngầm USS Pampanito đánh đắm tàu Kachidoki Maru.

Không lâu sau đó, tàu địa ngục Lisbon Maru bị tàu ngầm USS Grouper tấn công bằng ngư lôi khi chở khoảng 2.000 tù binh Anh từ Hong Kong tới Nhật Bản vào tháng 10/1942. Khi tù binh tìm cách thoát khỏi buồng giam trên con tàu đang chìm dần, họ bị lính gác bắn chết. Khoảng 800 tù binh Anh thiệt mạng khi Lisbon Maru chìm.

"Tàu địa ngục" của phát xít Nhật khiến tù binh sống không bằng chết - Ảnh 2.

Tàu ngầm USS Sealion trong Thế chiến II. Ảnh: War History.

Một trong những vụ tấn công khiến toàn bộ tù binh thiệt mạng là khi tàu ngầm USS Bonefish đánh đắm tàu chở hàng cỡ lớn Suez Maru, chứa khoảng 500 tù binh, đa phần là người Anh. Tất cả tù binh trên tàu đều rất yếu do vừa rời trại lao động khổ sai. Một vài người trốn thoát khỏi khoang giam giữ lúc tàu chìm, nhưng cũng bị lính gác bắn chết.

Một trong những vụ tấn công bi kịch nhất diễn ra vào tháng 12/1944, khi các chiến đấu cơ của hải quân Mỹ đánh chìm tàu Oryoku Maru đang vận chuyển hơn 1.500 tù binh từ Manila tới vịnh Subic ở Philippines. Đa số tù binh trên tàu là lính Mỹ, một số ít là lính Czech, cùng vài dân thường người Nhật.

Phần lớn tù binh trên tàu chết đuối hoặc bị trúng đạn trong vụ tấn công. Những người sống sót cho biết nhiều người đã chết trước đó vì đói khát, khi họ phải ngồi trong bóng tối suốt hành trình mà không được ăn uống đầy đủ.

Một số tù binh đã dùng dao găm giết những người xung quanh, với hy vọng có thể uống máu nạn nhân nhằm làm dịu cơn khát. Một số người đổ đầy nước tiểu vào bi đông và dùng chúng làm vũ khí để tấn công đồng đội trong buồng giam. Mỹ sau đó đã cho dựng đài tưởng niệm Tàu Địa ngục ngay tại vịnh Subic.

Ngay cả người Nhật cũng bị sốc khi chứng kiến điều kiện sống khắc nghiệt trên những con tàu địa ngục. Khi tàu Brazil Maru chở một nhóm tù binh phe Đồng minh đến Moji vào năm 1945, lực lượng quân y Nhật đã rất kinh hãi với những gì mà các tù binh phải chịu đựng. Họ đã làm mọi cách để cứu sống các tù binh trên con tàu.

Hơn 100 tù binh được chuyển đến chữa trị tại các bệnh viện dã chiến, nhưng phần lớn đều tử vong ngay sau đó. Những người sống sót sau đó được đưa đến trại tù binh chiến tranh, nơi họ được giải phóng sau khi Thế chiến II kết thúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem