Trong bối cảnh hải quân thiệt hại nặng nề trong những tháng cuối Thế Chiến II, Nhật Bản cố tìm phương thức ngăn chặn một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn của quân Đồng minh. Dự án chế tạo hàng trăm tàu ngầm tự sát cỡ nhỏ mang tên Kairyu được đề xuất nhằm đánh chìm các tàu chiến và tàu vận tải của đối phương trước khi chúng kịp tiếp cận bờ biển Nhật.
Năm 1945, Mỹ dùng chiến thuật "nhảy cóc qua các đảo" nhằm đẩy lùi quân Nhật từ Hawaii cho đến sát đất liền nước này. Trước nguy cơ thất bại, Tokyo đã áp dụng chiến thuật tấn công tự sát bằng máy bay với tên gọi Kamikaze (Thần phong), trước khi phát triển dự án Kairyu để tung đòn tự sát dưới lòng biển.
Mỗi tàu ngầm Kairyu dài hơn 17 m, rộng 1,2 m, có lượng giãn nước 19 tấn và thủy thủ đoàn hai người. Nó có tầm hoạt động 725 km và tốc độ 10 km/h khi nổi, có thể di chuyển liên tục 61 km với tốc độ 5,5 km/h khi lặn.
Các tàu Kairyu được trang bị hai ống phóng ngư lôi ngoài thân và một khối thuốc nổ ở mũi. Giống các phi công Kamikaze, thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Kairyu sẵn sàng liều chết để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo kế hoạch, những chiếc Kairyu sẽ tấn công, đánh chìm tàu chiến quân Đồng minh khi chúng áp sát đất liền Nhật Bản. Chúng sẽ ẩn sâu dưới biển, sau đó bất ngờ xuất hiện giữa đội hình đối phương và phóng ngư lôi, ngăn tàu vận tải đổ quân và thiết bị phục vụ chiến dịch đổ bộ. Sau khi phóng ngư lôi, tàu ngầm Nhật sẽ lao thẳng vào mục tiêu khác để kích hoạt khối nổ ở mũi tàu, tăng tối đa thiệt hại cho đối phương.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ sau đó quyết định ném bom hạt nhân xuống Nhật Bản thay vì tiến hành chiến dịch đổ bộ để hạn chế thương vong. Nhật Bản đầu hàng trước khi hạm đội tàu ngầm Kairyu được đưa vào sử dụng. Sau chiến tranh, quân Đồng minh tịch thu những tàu ngầm này để nghiên cứu, nhưng không có nước nào chế tạo mẫu vũ khí tương tự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.