Tàu sân bay thứ hai của Ấn Độ sắp ra khơi, đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ năm, ngày 01/07/2021 05:55 AM (GMT+7)
Hải quân Ấn Độ sẽ đưa tàu sân bay thứ hai ra biển thử nghiệm trong tháng 7, thúc đẩy mục tiêu tăng cường đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Đây cũng là tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự đóng mới hoàn toàn.
Bình luận 0

img

Tàu sân bay thứ hai của Ấn Độ sẽ ra biển thử nghiệm trong tháng 7.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thông báo tàu sân bay INS Vikrant sẽ ra biển thử nghiệm trong tháng 7. Tàu sẽ chính thức hoạt động trong biên chế hải quân Ấn Độ vào nửa đầu năm 2022, theo SCMP.

Các chuyên gia nhận định, sự xuất hiện của tàu sân bay mới giúp Ấn Độ củng cố sức mạnh ở Ấn Độ Dương, nơi có những quốc gia ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hồi tháng 5, Kenya khánh thành một cảng biển do Trung Quốc xây dựng trên đảo Lamu, vùng bờ biển Ấn Độ Dương. Tuần trước, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan thông báo cân nhắc kế hoạch cho phép Trung Quốc xây dựng cảng biển trị giá 10 tỉ USD ở Bagamoyo.

INS Vikrant là tàu sân bay thứ hai của Ấn Độ và là tàu sân bay đầu tiên Ấn Độ tự đóng mới hoàn toàn. Tàu sân bay đầu tiên, INS Vikramaditya, đến nay đã 35 năm tuổi, từng phục vụ trong hải quân Nga với tên gọi Đô đốc Gorshkov.

img

MiG-29 là tiêm kích chủ lực trên tàu sân bay Ấn Độ.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang sở hữu hai tàu sân bay, gồm tàu Liêu Ninh và Sơn Đông. Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ ba, dự kiến hạ thủy trong năm nay.

Chính phủ Ấn Độ gọi tàu sân bay mới là “tài sản uy lực nhất trên biển” của nước này và là “tài sản quân sự không thể so bì”.

MiG-29K do Nga sản xuất sẽ là tiêm kích chủ lực trên tàu sân bay mới của Ấn Độ, cùng trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, trực thăng đa năng MH-60R do Mỹ sản xuất và trực thăng hạng nhẹ do Ấn Độ tự sản xuất.

Ben Ho, nhà phân tích hàng hải ở Singapore, nói tàu sân bay mới giúp Ấn Độ “có thêm lựa chọn đối phó Trung Quốc”.

“Ấn Độ sẽ tự tin hơn với các phương án mới, đối phó ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”, ông Ben Ho nói.

Yogesh Joshi, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, nói “năng lực chiến đấu và tiềm lực hải quân Ấn Độ được gia tăng đáng kể nhờ tàu sân bay mới”.

“Ấn Độ củng cố kiểm soát vùng biển Ấn Độ Dương, có thể huy động tàu sân bay phong tỏa kinh tế, ngăn chặn các tàu chở hàng tới Trung Quốc trong trường hợp khủng hoảng xảy ra”, ông Joshi nói.

RS Vasan, giám đốc trung tâm Chenna, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nói hai tàu sân bay đáp ứng chiến lược của Ấn Độ. “Một tàu tập trung đối phó Pakistan ở phía tây, tàu còn lại đối phó Trung Quốc ở phía đông thuộc Ấn Độ Dương”, ông Vasan, cựu quan chức hải quân, nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem