Bầu khí quyển sao Kim được cho là tồn tại khí phosphine, là dấu hiệu có thể tồn tại sự sống.
Theo Sputnik, tàu vũ trụ BepiColombo hiện đang thực hiện sứ mệnh chung của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản.
Tàu có nhiệm vụ thu thập dữ liệu về thành phần, địa vật lý, khí quyển, từ quyển và lịch sử hình thành Sao Thủy.
Trong khi dự án khám phá sao Thủy dự kiến kéo dài tới vài năm, tàu BepiColombo có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về sao Kim, hàng xóm gần nhất của Trái đất.
Tàu BepiColombo sẽ phải bay vào quỹ đạo quanh sao Kim hai lần để tận dụng lực hấp dẫn của hành tinh này và tiếp tục hành trình đến sao Thủy.
Theo ESA, tàu sẽ tiếp cận sao Kim vào ngày 15.10 tới và lần tiếp cận thứ hai sẽ chỉ diễn ra vào năm 2021. ESA xác nhận tàu có đủ năng lực để tìm hiểu về bầu khí quyển và tầng điện ly của sao Kim.
“Đó là thời điểm hoàn hảo”, Jorn Helbert, thành viên Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức, người giúp quản lý các thiết bị trên tàu BepiColombo, nói với Forbes. “Chúng tôi đang kiểm tra xem liệu các cảm biến có đủ nhạy để thu thập dữ liệu về bầu khí quyển của sao Kim hay không”.
Helbert nói thiết bị chuyên dụng trên tàu có thể xác nhận rằng bầu khí quyển sao Kim thực sự có tồn tại khí gas phosphine (PH3) hay không.
Trong một nghiên cứu công bố gần đây, các nhà khoa học quan sát sao Kim bằng kính viễn vọng đã nhận thấy dấu hiệu của khí phosphine trong bầu khí quyển sao Kim. Phosphine là bằng chứng về sự tồn tại của các vi sinh vật, hay nói cách khác là sự sống có thể tồn tại trong bầu khí quyển sao Kim.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.