Xác xơ vì vỡ nợ
Sau 2 năm kể từ ngày vỡ nợ cà phê, nhiều nông dân ở xã Cư Dilê Mnông, huyện Cư Mgar, Đăk Lăk vẫn chưa gượng dậy được. Phần lớn các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như tiệm bán xe máy, điện thoại di động, shop thời trang, quán ăn... đã đóng cửa do sức mua của nông dân giảm hẳn.
|
Người trồng cà phê xếp hàng đòi nợ doanh nghiệp Lan Diệu. |
Ông Phạm Trung Kiên ở thôn 2 cho biết: “Sau khi bị đại lý Nga Sơn giật mấy tấn cà phê nhân, vợ chồng tôi phải giật gấu vá vai, rồi lâm nợ chồng chất. Với chúng tôi bây giờ, trừ ăn uống, học hành, chữa bệnh thì mọi thứ đều là xa xỉ, đến điện thoại cũng không dám xài”.
Không chỉ ông Kiên mà hơn một nửa số hộ ở thôn 2 đều không lấy được tiền bán cà phê, không trả được nợ ngân hàng, phải vay nóng lãi cao nên ai cũng nợ đầm đìa. Trong khi đó, đại lý cà phê Nga Sơn đã đóng cửa từ lâu, thỉnh thoảng ông Phan Văn Sơn và bà Lê Thị Nga mới tạt về để khỏi mang tiếng bỏ trốn.
Ngoài Nga Sơn, trên địa bàn huyện Cư Mgar còn nhiều đại lý cà phê khác vỡ nợ như Lý Nhung (thị trấn Quảng Phú), Hiền Tâm (xã Ea Kpam), Quang Trâm và Long Nhung (xã Ea Hding)... Theo cơ quan chức năng, các đại lý này đã nhận ký gửi hơn 500 tấn cà phê nhân của 314 hộ dân, sau đó lần lượt tuyên bố vỡ nợ.
Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Ea Hleo, trên địa bàn huyện này cũng có tới 10 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cà phê vỡ nợ, trong đó 6 cơ sở đóng cửa, 4 cơ sở bị cơ quan thuế thu hồi hóa đơn. Các cơ sở này đang nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ dân khoảng 100 tỷ đồng.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nguyễn Xuân Hương cho biết, trong số này có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nhưng cũng có doanh nghiệp làm ăn gian dối, có biểu hiện lừa đảo. Đại lý cà phê Trang Hoàn ở tổ dân phố 8, thị trấn Ea Đrăng, nợ dân 123 tấn cà phê nhân, tại thời điểm kiểm tra, chủ đại lý đã tẩu tán hàng trăm tấn khiến nông dân hốt hoảng, bức xúc gây rối trật tự.
Theo phản ánh của nhiều nông dân với đoàn kiểm tra của huyện, khi giá cà phê lên 38.000 - 40.000 đồng/kg nhưng Doanh nghiệp tư nhân Hải Kiểm ở tổ dân phố 1, thị trấn Ea Đrăng chỉ thanh toán 25.000 - 28.000 đồng/kg.
Những “cơn bão” mới
Ở Đăk Lăk, sau khi 43 doanh nghiệp, đại lý vỡ nợ khoảng 300 tỷ đồng và 3.000 tấn cà phê nhân, gần đây nông dân không còn dám ký gửi cà phê cho các đại lý nữa. Trong khi đó, vỡ nợ lại xảy ra dồn dập trong vòng nửa tháng qua tại tỉnh Đăk Nông, mà địa bàn huyện Đăk Mil là “tâm bão”.
Tại xã Thuận An, các đại lý cà phê Thu Điền, Lan Diệu vỡ nợ cách nhau vài ngày, còn đại lý Lan Thông thì dân tụ tập đòi nhưng bà chủ nói còn nhiều đất đai để cấn nợ chứ chưa đổ bể. Chị Phan Thị Hà (thôn Thuận Hạnh) - nói trong nước mắt: “4 tấn cà phê nhân trị giá 200 triệu đồng gửi cho đại lý Lan Diệu chưa biết bao giờ đòi được, còn khoản vay 50 triệu đồng tại Phòng giao dịch Sacombank Đăk Mil thì đã đến hạn trả rồi, tôi hết đường xoay xở”.
“ Không vỡ nợ thì rớt giá, không rớt giá lại vỡ nợ, vì vậy người trồng cà phê cứ mãi trong vòng luẩn quẩn”.
Ông Nguyễn Trọng Đình - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An
Tôi hỏi gần đây vỡ nợ nhiều, sao còn gửi cà phê cho đại lý, chị Hà mếu máo: “Đầu vụ giá cà phê thấp quá nên không bán được, nhà bằng gỗ ọp ẹp, lại sợ mất trộm nên phải ký gửi thôi”.
Còn chị Võ Thị Hòa, thôn Thuận Thành, xã Thuận An - thì có lý do khác: “Vụ thu hoạch cà phê ở Đăk Mil thường gặp mưa nên bà con không phơi được, lại không có máy sấy. Vì vậy chúng tôi phải đưa cà phê tươi cho đại lý sấy, sau đó quy ra cà phê khô ký gửi, lúc nào giá cao mới chốt bán”. Lan Diệu vỡ nợ, chị Hòa mất 2,3 tấn cà phê, trong khi ngân hàng cũng đã gửi giấy đòi nợ 100 triệu đồng.
Hiện chưa có thống kê về thiệt hại do những “cơn bão” vỡ nợ cà phê ở tỉnh Đăk Nông, cán bộ địa phương chỉ ước khoảng hàng trăm tỷ đồng.
Kiên Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.