Tây Ninh khó hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội
Tây Ninh: Sau 2 năm rưỡi, khả năng hoàn thành loạt chỉ tiêu kinh tế xã hội vẫn là thách thức rất lớn
Trần Khánh
Thứ ba, ngày 19/09/2023 19:18 PM (GMT+7)
Với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc Tây Ninh hoàn thành 15/24 chỉ tiêu kinh tế xã hội còn lại trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025 là một thách thức lớn
Ngày 19/9, Tỉnh uỷ tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Báo cáo đánh giá kết quả 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Tây Ninh cho thấy, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Từ năm 2020-2021, GRDP tăng lần lượt 3,23% và 0,88%.
Riêng năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, GRDP đạt mức tăng trưởng 9,2%. 6 tháng đầu năm 2023, GRDP Tây Ninh đạt 4,07%.
Ngành du lịch Tây Ninh có bước tăng trưởng và phát triển nhanh, tạo ấn tượng mạnh mẽ. Đặc biệt là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, đã tạo ra những sản phẩm du lịch tâm linh đặc sắc. Tây Ninh đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đẳng cấp mang tầm quốc gia.
Thu hút đầu tư trong và ngoài nước ở Tây Ninh đạt khá. Tỉnh thu hút mới 167 dự án và 114 dự án điều chỉnh vốn. Tổng vốn thu hút đầu tư (cả trong và ngoài nước) đạt 37.968 tỷ đồng và hơn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc hoàn thành 15/24 chỉ tiêu kinh tế xã hội còn lại là một thách thức lớn, nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra.
Theo đó, kinh tế Tây Ninh tuy có phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng chưa bền vững. Cơ cấu lại kinh tế còn chậm; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) và một số chỉ tiêu có khả năng không đạt Nghị quyết đề ra.
Đóng góp của ngành du lịch Tây Ninh trong GRDP chưa nhiều, sản phẩm du lịch thiếu tính đa dạng. Việc kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch và phát triển các dịch vụ nhằm tăng chi tiêu của khách vẫn chưa như kỳ vọng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù là ngành chủ lực song yếu tố đầu vào cho sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chưa lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt thấp.
Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, PAPI sụt giảm đáng kể. Trong đó, chỉ số PCI của Tây Ninh năm 2021 xếp hạng 37/63 tỉnh thành thì sang năm 2022 xếp hạng 55 trên cả nước. Chỉ số PAPI năm 2021 của tỉnh xếp thứ 31 thì sang năm 2022 xếp hạng 60/61 tỉnh, thành.
Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội
Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh cho biết, nguồn lực đầu tư xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu không đáp ứng yêu cầu, khả năng khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Tây Ninh triển khai khá chậm và chưa hiệu quả. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia chuỗi liên kết vẫn chưa đa dạng.
Thêm nữa, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh được thiết kế "khá an toàn" cho cơ quan quản lý nhà nước. Điều này khiến các đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận.
Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, những yếu kém nội tại của tỉnh chậm được khắc phục, như chất lượng nguồn nhân lực, vốn phát triển kết cấu hạ tầng không đủ đáp ứng nhu cầu hoàn thiện. Những "điểm nghẽn" trong quản lý nhà nước nếu chậm khắc phục sẽ là lực cản đối với sự phát triển.
Để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, Tỉnh ủy Tây Ninh đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Trong việc đẩy mạnh kết nối vùng, Tây Ninh sẽ tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tranh thủ sự phát triển lan toả của TP.HCM, khi TP.HCM thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển đặc thù.
Mặt khác, Tây Ninh đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư trọng điểm đã và đang triển khai, nhất là hạ tầng giao thông kết nối mang tính động lực như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đô thị kết nối với tỉnh Bình Dương.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tây Ninh lưu ý đến việc cho phép các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất chuyển đổi từ cao su, mía, mì sang các loại cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, khẫn trương kêu gọi đầu tư hình thành các vùng nông nghiệp cao, nhất là vùng đất công (từ các công ty mía đường và cao su) đã bàn giao về địa phương.
"Tây Ninh tập trung cải thiện các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh. Cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng, phải được triển khai mạnh mẽ, thường xuyên, đồng bộ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả", Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.