Tay vợt Nguyễn Thùy Linh kể chuyện “một mình 3 va li” du đấu châu Âu giành vé dự Olympic Paris 2024

Song Minh Thứ hai, ngày 29/04/2024 18:10 PM (GMT+7)
Tại Olympic Paris 2024, tay vợt Nguyễn Thùy Linh (hạng 24 thế giới) là một trong những niềm hy vọng có thể giúp Thể thao Việt Nam ghi dấu ấn tại Thế vận hội. Nguyễn Thùy Linh chia sẻ: “Tôi hy vọng lá thăm may mắn sẽ giúp tôi vào nhánh đấu “dễ chịu” một chút để có thể tiến xa…".
Bình luận 0

Nguyễn Thùy Linh: "Tôi chấp nhận "đơn độc" như một phần của hành trình"

Trở lại thời điểm cách đây ba năm, tại Olympic Tokyo 2020, Nguyễn Thùy Linh đã có màn thể hiện tương đối ấn tượng trong lần đầu tiên góp mặt tại Thế vận hội.

Trong ba trận đấu ở vòng bảng, Thùy Linh chỉ chịu thua một trận duy nhất với tỷ số 0-2 (16-21, 11-21) trước thần tượng của chính mình, tay vợt số 1 thế giới thời điểm đó là Tai Tzu-ying (Đài Bắc Trung Hoa).

Hai trận còn lại, Nguyễn Thùy Linh thắng tay vợt Pháp gốc Trung Quốc Qi Xuefei 2-0 (21-11, 21-11); thắng Sabrina Jaquet (Thuỵ Sĩ) 2-0 (21-8, 21-17).

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh kể chuyện “một mình 3 va li” du đấu châu Âu giành vé dự Olympic Paris 2024- Ảnh 1.

Nguyễn Thùy Linh đã thi đấu khá tốt tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

"Olympic Tokyo 2020, lá thăm đưa tôi vào bảng đấu có Tai Tzu-ying và quá khó để có thể tranh vị trí nhất bảng giành tấm vé duy nhất đi tiếp vào vòng trong. Tôi hy vọng tới Olympic Paris 2024, lá thăm sẽ may mắn và "yêu thương" tôi hơn", Nguyễn Thùy Linh bộc bạch trong thời điểm đang tích cực rèn giũa hướng tới Olympic Paris 2024.

Trở lại hành trình tích điểm giành vé dự Thế vận hội, trong tháng 3 "chạy đua nước rút", Nguyễn Thùy Linh đã di chuyển, thi đấu liên tục tại châu Âu với 5 giải đấu ở Đức, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha.

Với điều kiện kinh phí hạn hẹp và để Thùy Linh có thể thi đấu nhiều giải tích điểm nhất có thể, cô không có HLV đồng hành mà phải "một mình 3 va li" chinh chiến.

"Có lúc gặp khó khăn ở châu Âu tôi cũng hơi tủi thân nhưng tự bản thân đã xác định việc đi thi đấu một mình là một phần quan trọng của hành trình. Tôi phải chấp nhận, thích nghi như một lẽ hiển nhiên", Nguyễn Thùy Linh tâm sự.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh kể chuyện “một mình 3 va li” du đấu châu Âu giành vé dự Olympic Paris 2024- Ảnh 2.

Nguyễn Thùy Linh lọt vào chung kết giải cầu lông Đức mở rộng 2024 thuộc cấp độ Super 300 - thành tích tốt nhất của cô tính tới lúc này. Ảnh: FBNV

Kể lại tour du đấu một tháng ở châu Âu, Thùy Linh chia sẻ: "Đây là tour du đấu dài nhất trong sự nghiệp của tôi tính tới lúc này. Tôi bắt buộc phải thi đấu với lịch trình dày đặc để chắc chắn có vé chính thức dự Olympic 2024. Việc vào đến chung kết giải Super 300 tại Đức cũng là thành tích tốt nhất của tôi, đó có thể coi là một thành công.

Trong quá trình di chuyển qua các nước thi đấu, tôi chỉ cố gắng xử lý mọi tình huống một cách tốt nhất. Đến giờ khi mọi chuyện đã qua, nhìn lại, tôi mới thấy thực sự khó khăn.

Ở châu Âu, tôi phải đi bộ rất nhiều, một mình 3 va li, hành lý nặng. Ở châu Âu cũng không có cơm, trong khi tôi chỉ quen ăn cơm. Cũng may là đi đến đâu cũng có sự hỗ trợ, động viên của người hâm mộ, kiều bào, điều đó giúp tôi có thêm động lực thi đấu".

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Thùy Linh có lẽ là hành trình tới Paris thi đấu giải Pháp mở rộng thuộc hệ thống Super 750.

"Trận ra quân tôi gặp tay vợt Đài Bắc Trung Hoa Wen Chi Hsu (hạng 27 thế giới) – người mà tôi từng thắng hai lần trước đó trong quá khứ.

Chứng kiến tôi thua nhanh 0-2 (16-21, 12-21) chắc không ít người cảm thấy thất vọng. Nhưng thực sự, tôi chỉ ngủ được một chút trước khi bước vào trận đấu đó.

Sau khi thi đấu xong trận chung kết giải Đức mở rộng, tôi bay sang Pháp, phải transit hai chặng. Lúc xuống sân bay ở Paris thì là 1 giờ sáng, tôi bị thất lạc hành lý.

Tôi cứ nói tiếng Anh còn nhân viên ở sân bay lại chỉ nói tiếng Pháp. Trao đổi một hồi không có kết quả, tôi chỉ biết gọi điện về Việt Nam nhờ sự giúp đỡ, gọi cho Ban tổ chức báo việc mình bị thất lạc hành lý và họ bảo tôi cứ về khách sạn, hành lý sẽ tới sau.

15 giờ chiều hôm đó hành lý tới và 17 giờ tôi đi tập. 21 giờ tôi về khách sạn ngủ một chút và sáng hôm sau đánh luôn trận đầu, có thể nói là rất vất vả".

Sau tour du dấu châu Âu trở về Việt Nam chuẩn bị cho giải vô địch châu Á 2024 diễn ra tại Trung Quốc vào trung tuần tháng 4 vừa qua.

Trước tay vợt người Nhật Bản hạng 13 thế giới Aya Ohori – người Thùy Linh từng lội ngược dòng thắng 2-1 (12-21, 21-19, 21-11) tại giải vô dịch thế giới 2022 (Tokyo, Nhật Bản), Nguyễn Thùy Linh đã thua nhanh 0-2 (14-21, 5-21) ngay ở trận ra quân.

"Từ châu Âu về, tôi không quen múi giờ và không ngủ được, thể trạng không ổn và đã không có kết quả tốt tại giải châu Á.

Thời gian tới, tôi có lịch trình cũng khá dày đặc trong tháng 5 và tháng 6 thi đấu một tour châu Á bắt đầu bằng giải Thái Lan mở rộng (14-19/5), Malaysia Masters (21-26/5)…sau đó đến giải Mỹ mở rộng, Canada mở rộng, rồi tới Olympic Paris 2024.

Tôi sẽ phải tính toán lịch di chuyển, thi đấu sao cho hợp lý nhất để có nhiều thời gian tập luyện, cải thiện khả năng với chuyên gia, thay vì di chuyển, thi đấu quá nhiều. Thi đấu ở châu Âu luôn khó khăn nhưng thành tích của tôi lại tốt. Hy vọng lại Olympic Paris 2024, tôi có thể giành kết quả tốt nhất".

"Ông ngoại truyền cảm hứng, đam mê cho tôi"

Nói thì nhanh nhưng để có một Nguyễn Thùy Linh ở tuổi 27 vững vàng, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức và coi đó như một phần của hành trình mà mình phải đi qua, là 16 năm miệt mài, khổ luyện với quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê của cô gái quê Phú Thọ.

Trở lại những ngày đầu tiên chập chững cầm vợt, Nguyễn Thùy Linh tới tới "người thầy đầu tiên" đã khơi dậy niềm đam mê cầu lông trong cô là ông ngoại. Linh bảo chính ông ngoại đã truyền cảm hứng, động lực, thuyết phục gia đình cho cô được sống trọn vẹn với đam mê.

Năm 11 tuổi, Thùy Linh bắt đầu cuộc sống xa nhà lên Hà Nội tập luyện. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, Nguyễn Thùy Linh đã có bước thăng tiến mạnh mẽ trên bảng xếp hạng Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF). Tháng 11/2022, Linh lần đầu lọt vào tốp 50 thế giới. Một năm sau, tháng 10/2023, Linh xác lập mốc son với tư cách tay vợt nữ Việt Nam đầu tiên lọt vào tốp 20 thế giới.

Vị thế ấy giúp Nguyễn Thùy Linh đã có cơ hội so tài với những tay vợt đẳng cấp nhất nằm trong tốp 5 thế giới là như An Se Young (số 1 thế giới người Hàn Quốc), Chen Yu Fei (Trung Quốc, số 2 thế giới), Akane Yamaguchi (Nhật Bản, hạng 3 thế giới), Tai Tzu Ying (Đài Bắc Trung Hoa, hạng 4 thế giới), Carolina Marin (Tây Ban Nha, hạng 5 thế giới)…

Cú "sốc" lớn nhất trong năm 2023 được Nguyễn Thùy Linh tạo ra vào ngày 22/11, hai ngày sau khi cô kỷ niệm sinh nhật lần thứ 26 tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Tại vòng 1 giải super 750 China Masters 2023, lá thăm rất… không may đã đưa cô gặp ngay tay vợt người Tây Ban Nha Carolina Marin – người từng 3 lần vô địch thế giới, 6 lần vô địch châu Âu, HCV Olympic Rio 2016.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh kể chuyện “một mình 3 va li” du đấu châu Âu giành vé dự Olympic Paris 2024- Ảnh 5.

Nguyễn Thùy Linh hy vọng có thể đạt thành tích tốt nhất tại Olympic Paris 2024. Ảnh: FBNV

Và cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của Nguyễn Thùy Linh sau 69 phút thắng Marin 2-1 (10-21, 21-19, 21-15) đã được trang chủ BWF nhận định là "gây xôn xao" đấu trường quốc tế.

Bản thân cựu vô địch thế giới và Olympic Carolina Marin cũng đã bày tỏ sự khâm phục ý chí kiên cường của tay vợt nữ số 1 Việt Nam khi trả lời phỏng vấn BWF: "Tôi nghĩ cô ấy chơi hay hơn tôi rất nhiều. Cô ấy đã chiến đấu liên tục, ở mọi thời điểm của trận đấu".

Nói về "chìa khoá" giúp mình có được những thành công ban đầu hiện nay, Thùy Linh chia sẻ: "Tôi nghĩ đó chính là sự kiên nhẫn và không bỏ cuộc. Mỗi khi thi đấu, tôi chỉ nghĩ hãy đánh hết sức có thể và làm hết những gì mình có mặc cho kết quả có ra sao đi nữa"…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem