Tết đầu ở nhà chồng: “Ngồi hát karaoke với mẹ chồng đêm giao thừa“

Ngọc Nguyễn - Sơn Bình Thứ năm, ngày 19/02/2015 00:00 AM (GMT+7)
Dù đã trải qua nhiều cái Tết ở nhà chồng, những người phụ nữ, những người vợ, người mẹ vẫn không thể quên được cảm xúc năm đầu tiên làm dâu với nhiều nỗi buồn, niềm vui và những sự lo lắng.
Bình luận 0

Chị Ngọc Hà: Đêm giao thừa hát karaoke với mẹ chồng

img

 

Là con gái tỉnh lẻ về làm dâu đất Hà thành, chị Ngọc Hà đã phải học tập mọi nề nếp, gia phong từ mẹ chồng. Lần đầu tiên ăn Tết với nhà chồng chị đã rất lo lắng. Chị kể: "Mình thì từ khi học đại học đã ở Hà Nội rồi. Những món ngon, chỗ mua sắm gì hay cũng đều biết nhưng chuyện lễ nghĩa và phong tục ăn Tết ở đây như thế nào thì mình lại không tường tận. Điều này làm mình cứ lo lắng mãi".

Thế rồi gia đình chồng đã để lại trong chị một kí ức đẹp về ngày Tết thủ đô. "Đêm giao thừa, sau khi thắp hương và mọi người mừng tuổi, chúc Tết nhau xong thì cả nhà ngồi ăn bánh kẹo. Bỗng mẹ chồng mình hỏi: "Thế ở quê con đêm giao thừa mọi người hay làm gì?

Mình trả lời: "Dạ, ở quê con đêm giao thừa mọi người hay qua nhà nhau chúc Tết rồi hát hò đến sáng luôn ạ! Mọi người quan niệm là đầu năm phải vui vẻ thì cả năm mới vui được ạ!"

Cả nhà nghe mình nói vậy thì thấy rất lạ, rồi mẹ mình bảo: "Ở đây thì mọi người không đi chúc Tết nhau đêm giao thừa nên mình cũng đành chịu. Nhưng hát karaoke thì mẹ nghĩ là cũng hay đấy! Nào, cả nhà mình vào phòng hát đi".

Sau khi nghe mẹ nói không chỉ mình mà cả nhà đều ngỡ ngàng. Rồi mẹ đi vào trước, vậy là cả nhà theo sau. Thật không ngờ là cả nhà đón năm mới trong phòng hát karaoke đến tận 5h sáng mùng 1 mới ai về phòng đấy để nghỉ ngơi. Sau mấy tiếng hát hò đầy hào hứng thì ai cũng mệt nên bình minh ngày đầu tiên của năm mới ở nhà chồng mình là 10h sáng". Chị Hà vừa cười vừa kể.

Sau này chị mới biết hóa ra mẹ chồng muốn tạo cho chị tâm lý thoải mái như ở nhà nên mới làm như vậy. Và theo chia sẻ của chị thì: "Chồng mình đến giờ vẫn nhắc lại kỉ lục chiều con dâu của mẹ chồng và lần đón năm mới kì lạ của cả nhà".

Chị Đặng Thị Thanh Mai: “Khóc vì nhớ nhà”

img

 

Chị Thanh Mai chia sẻ, Tết đầu tiên chị làm dâu là Tết Nhâm Thìn 2013. Thời điểm đó, chị mới sinh em bé được 9 ngày, công việc chăm sóc cho cậu con trai nhỏ khá vất vả nên chị không thể cảm nhận được cái Tết nhiều lo toan của một cô dâu mới: “Mẹ chồng mình khá cầu kỳ trong việc chuẩn bị Tết cho cả gia đình, nhưng bản thân mình cũng không quá lo lắng vì khá tự tin về những gì mà mình biết, từ công việc bếp núc cho tới giao tiếp, ứng xử. Lúc đó, mình mới sinh em bé, đi lại không tiện nên đưa tiền cho mẹ chồng nhờ mẹ sắm sửa. Quê mình ở Thái Bình, nhưng lại sinh sống ở TP.HCM cùng nhà chồng.

Mình thấy Tết trong Nam đơn giản hơn nhiều so với ngoài miền Bắc, bản thân mình không cảm thấy vất vả vì chuyện ăn Tết, nhưng thật sự cảm xúc thì rất buồn. Nhớ lúc đó, đêm giao thừa, cả nhà cùng lên sân thượng xem pháo hoa,  mình bế em bé mới chỉ được hơn 10 ngày tuổi lên với gia đình, cảm xúc khó tả lắm. Vì đây là cái Tết đầu tiên mình ở nhà chồng, xa gia đình, không được đón Tết cùng bố mẹ, thêm nữa, lại nhớ không khí se lạnh của miền Bắc, tiếng rì rầm lúc mẹ thắp hương, bất giác, lúc đó mình đứng khóc như một đứa trẻ”.

Mỗi năm, vợ chồng chị sẽ luân phiên về ăn Tết tại quê nội hoặc quê ngoại. Tết năm nay, gia đình chị Mai đón Tết ở TP.HCM. “Dự định cả nhà sẽ đi Vũng Tàu chơi, bù cho thời gian bận bịu trong năm. Cũng may, năm nay con trai mình đã 2 tuổi, nên bố mẹ đi đâu cũng thoải mái. Cũng đã có 2 năm chuẩn bị tinh thần, nên mình cũng không buồn quá nhiều như năm đầu tiên. Bản thân đã vui vẻ và quen với nhịp sống ở Sài Gòn rồi”, chị Thanh Mai chia sẻ.

Chị Bùi Thị Hồng Nhung: “Tự tin với tài bếp núc”

img

 

Năm đầu tiên chị Hồng Nhung đón Tết cùng gia đình chồng là năm 2011. Hai vợ chồng chị sinh sống tại TP.HCM, còn quê chồng ở tỉnh Hòa Bình. Chính vì thế, năm nào hai vợ chồng chị cũng cố gắng thu xếp công việc về quê vào ngày 22 Âm lịch để chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo và vào lại Sài Gòn vào ngày mùng 6 Tết.

“Khi lập gia đình, lúc đó mình còn trẻ, mới 23 tuổi thôi, vẫn còn vụng về lắm. Khi hai vợ chồng về Hòa Bình, mình dậy sớm cùng mẹ chồng đi chợ để chọn thịt gà, cá, đồ ngon chuẩn bị cho mấy ngày Tết. Bà ngoại mình trước đấy nấu ăn ngon lắm, nên những món chính trong những ngày Tết bà đều dạy con cháu trong nhà làm rất thuần thục, có lẽ vì thế mà về khoản bếp núc mình khá tự tin. Nhìn thấy mọi người trong gia đình chồng ăn ngon lành những món ăn mình nấu là vui lắm rồi.

Một may mắn nữa cho bản thân mình là việc bố mẹ chồng khá dễ tính và hiện đại, không xét nét con dâu, Tết đến mình rất thoải mái khi về nhà chồng”, chị Hồng Nhung cho hay.

Giống như nhiều cô dâu trẻ khác, năm đầu tiên đón Tết ở nhà chồng với chị Hồng Nhung là những cảm xúc buồn. “Nhưng có lẽ suy nghĩ lấy chồng thì chu toàn việc nhà chồng đã ăn sâu vào nếp sống của con gái Bắc hay sao, mà mình cũng thường tự an ủi bản thân. Khi công việc trong nhà chồng đã chu đáo, đối nội, đối ngoại chu toàn mình mới xin bố mẹ về bên ngoại”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem