Trở thành Tổng Biên tập tạp chí nổi tiếng của người Việt tại Đức - Tạp chí Hương Việt từ khi 21 tuổi, Phạm Khánh Nam được cộng đồng người Việt yêu mến gọi tên “người xây cầu nối quê hương trên đất khách”.
Nhiều năm xa quê, nhưng anh Phạm Khánh Nam luôn đau đáu nỗi nhớ Việt Nam. Anh chia sẻ, nỗi nhớ đó cứ đong đầy, da diết mỗi khi Tết về.
Anh Phạm Khánh Nam cho biết: “Không giống ở quê nhà Việt Nam, không khí Tết ở Đức không ngập tràn trong sắc đào hồng thắm, sắc mai vàng rực rỡ nhuộm nắng cả mùa xuân, không có những nụ hoa đủ mọi sắc màu của những nhánh tầm xuân, không có cái sặc sỡ của các loài hoa, cây cảnh và màu sắc của đủ loại hàng hóa trang hoàng ngày giáp Tết. Lúc này đây, ngoài trời tuyết vẫn rơi trắng xóa trên khắp các nẻo đường, mọi người vẫn phải tiếp tục lo lắng, bận rộn với công việc hàng ngày của mình. Tuy vậy, cứ những lúc này, trong lòng mỗi người con xa quê đều cảm thấy nhớ mong, khao khát, dù chỉ một chút thôi cái không khí, dư vị của ngày Tết nơi quê hương…”
Anh Phạm Khánh Nam bên cành đào được gửi từ Việt Nam sang.
Để bù đắp lại những khao khát, nỗi nhớ và không khí đón Tết ở quê nhà, dù đã mấy chục năm sinh sống tại Đức, anh Nam cho biết, năm nào cũng vậy, bố mẹ anh luôn cố gắng tạm gác lại công việc để chuẩn bị rất chu đáo, với mong muốn dù xa quê hương nhưng cả nhà vẫn có thể đón một cái Tết nơi đất khách trọn vẹn, đầy đủ và ấm áp nhất. Gia đình anh Nam sống ở vùng Tây nước Đức – nơi không tập trung nhiều người Việt sinh sống, nên việc đón Tết với cộng đồng Việt tại Đức là rất hiếm.
Anh Phạm Khánh Nam trải lòng: “Mỗi năm Tết đến, mâm ngũ quả để cúng tất niên cùng những lọ hoa tươi thắm luôn được bố tôi quan tâm và chuẩn bị chu đáo, mong muốn cho một năm mới nhiều sức khỏe và niềm vui cho gia đình. Tục lệ gói bánh chưng cho ngày Tết cổ truyền cũng được mẹ tôi duy trì, gìn giữ hàng năm nơi đất khách. Cứ 30 Tết hàng năm, mẹ tôi lại bắt đầu tất vật với các công việc chuẩn bị gói một nồi bánh chưng cho ngày Tết. Thứ nhất là để cúng tổ tiên, sau là làm quà Tết tặng những gia đình người Việt khác ở vùng lân cận khi họ không có điều kiện gói bánh hoặc không mua được.
Những ngày này, anh em chúng tôi cũng lăng xăng giúp mẹ rửa lá dong, dọn dẹp và trang trí lại nhà cửa, ban thờ tổ tiên, để có một không khí thật đầm ấm nơi đất khách. Năm mới đến, như thường lệ, bố tôi thường sáng tác những câu đối, để treo lên tường nhà hoặc tặng bạn bè cùng đón Tết xa quê...
Giao thừa nơi phương xa, chúng tôi đón vào lúc 18h, tức là đúng 24h ở quê hương Việt Nam. Theo truyền thống gia đình, gia đình tôi cùng thành kính thắp những nén nhang thơm lên ban thờ tổ tiên”.
Cũng giống như các gia đình truyền thống ở Việt Nam, thời khắc giao thừa qua đi cũng là lúc tất cả mọi người trong gia đình anh Nam cùng sum vầy bên nhau, trao cho nhau những phong bao lì xì đỏ cùng những lời chúc mừng năm mới sức khỏe, an khang, thịnh vượng. “Ngồi quây quần cùng nhau bên đĩa bánh kẹo, hoa quả nhâm nhi ngày Tết, trong ngào ngạt mùi khói hương, nghe Bà kể lại những câu chuyện đón Tết xưa nơi quê nhà, làm tôi nao nao nhớ cái se lạnh còn sót lại của tuổi thơ khi mùa đông quây quần bên bếp lửa hồng… Khi ngoài kia – nhìn qua khung cửa sổ - nơi xứ người tuyết vẫn rơi trắng xóa…”, anh Phạm Khánh Nam chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.