Phản ứng cũng như nhiều câu hỏi của những cổ đông này này tại đại hội cho thấy ban lãnh đạo TH1 cần xem xét lại nhiều vấn đề.
Quang cảnh phiên họp Đại hội cổ đông 2013.
Theo công bố của Chủ tọa đại hội, tính đến thời điểm khai mạc đại hội có 322 cổ đông đại diện cho quyền sở hữu 8.243.021 cổ phần, tương ứng 65,45% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty. Nhóm cổ đông lớn đại diện cho 34,004% chưa đăng ký tham gia đại hội.
Tại đại hội, trước khi các nội dung làm việc được bắt đầu, ông Toàn - Chủ tịch KCN Chơn Thành - cổ đông lớn của TH1 đặt câu hỏi “Công tác tiếp nhận, đăng ký đại biểu tham gia đại hội, thẩm tra việc ủy quyền tham dự đại hội có chính xác hay không vì đây là Doanh Nghiệp Niêm Yết, cổ đông rất phân tán, rất khó tập trung được số lượng cổ đông gần như tuyệt đối
(65.45% + 33.76% = 99.21%).
Đặc biệt cần lưu ý, trong nhóm cổ đông đại diện cho gần 34% cổ phần, có nhiều người không nhận được giấy mời dự họp”. Tuy nhiên, chủ tọa đã bác đề nghị xem xét lại tính hợp lý các phiếu ủy quyền dự họp của cổ đông để tiếp tục tiến hành phiên họp. Trên thực tế hiếm có doanh nghiệp niêm yết nào tổ chức đại hội có tỷ lệ tham gia tới 99,21% như ĐHCĐ của TH1 vừa qua.
Đáng chú ý công tác tổ chức và lấy ý kiến cổ đông tại đại hội có những điểm vi phạm Luật Doanh nghiệp. Đơn cử, Điểm 5. Điều 103 Luật Doanh nghiệp quy định: Đại hội đồng cổ đông thảo luận và biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình. Việc biểu quyết được tiến hành bằng cách thu thẻ biểu quyết tán thành nghị quyết, sau đó thu thẻ biểu quyết không tán thành, cuối cùng kiểm phiếu tập hợp số phiếu biểu quyết tán thành, không tán thành, không có ý kiến. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ ngày 28.6 vừa qua của TH1, Ban chủ tọa chỉ đưa ra hình thức biểu quyết tán thành, không tán thành; không có hình thức: không có ý kiến như Luật quy định. Như vậy cách thức tổ chức này trái Luật Doanh nghiệp. Kể cả trong trường hợp ĐHĐCĐ đồng ý phương án: tán thành, không tán thành, tổ chức ĐH như vậy vẫn sai Luật và phải sửa theo Luật.
Cũng tại đại hội, cổ đông bức xúc với kết quả kinh doanh đi xuống của doanh nghiệp. Liên tục 3-4 năm gần đây, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh hàng năm. Năm 2012, lợi nhuận của Công ty chỉ đạt 11 tỷ đồng, thấp hơn 49% so với kế hoạch, tương đương 34 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2012, riêng cổ tức từ khoản mục đầu tư cổ phiếu Eximbank đã đạt 24 tỷ đồng, lợi nhuận từ cho thuê tòa nhà 59 Quang Trung là 8 tỷ đồng. Tổng 2 khoản này là 32 tỷ đồng, vậy mà cuối cùng lợi nhuận sau thuế chỉ được 11 tỷ đồng.
Như vậy là các hoạt động kinh doanh khác, trong đó có hoạt động kinh doanh chính không hiệu quả. “Tại sao lợi nhuận lại thấp như vậy, cổ đông cần được giải đáp về những số liệu và kết quả kinh doanh của từng mảng hoạt động”, một cổ đông chất vấn nhưng được chủ tọa khất “sẽ cung cấp bằng văn bản sau”.
Kết quả kinh doanh giảm mạnh có nguyên nhân từ việc điều hành, điều này không hẳn không có cơ sở khi cổ đông có ý kiến về tính minh bạch của Ban lãnh đạo DN. Hiện nay HĐQT có 5 người thì có tới 4 người trực tiếp điều hành. Chủ tịch kiêm luôn tổng giám đốc. Ban Kiểm soát có 3 người thì 1 người trong công ty, 1 người của Công ty liên kết. Việc kiêm nhiệm này làm giảm tính minh bạch trong hoạt động điều hành. “Thông lệ quản trị hiện đại là phải tách bạch HĐQT với Ban điều hành, phải có thành viên HĐQT độc lập như trong khuyến nghị của cơ quan quản lý với DNNY”, cổ đông mang mã số 250 đề nghị.
13h30 ĐHCĐ 2013 của TH1 kết thúc với sự phản đối của nhóm cổ đông lớn ở hầu hết các nội dung. Diễn biến căng thẳng của đại hội cũng cho thấy cổ đông đang rất bức xúc với nhiều vấn đề tại doanh nghiệp và những câu hỏi được đặt ra từ đại hội này đang chờ sự giải đáp của Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng như sự can thiệp của các cơ quan quản lý thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhóm cổ đông thiểu số trong doanh nghiệp.
Hoàng Quân (Hoàng Quân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.