Thảm kịch cha già sát hại con khuyết tật sau 39 năm chăm sóc
Thảm kịch cha già sát hại con khuyết tật sau 39 năm chăm sóc
Trọng Hà (Theo Korea Times)
Thứ hai, ngày 16/12/2024 15:41 PM (GMT+7)
Suốt 39 năm, người cha đã không ngừng hy sinh vì con, nhưng gánh nặng đó ngày càng làm ông kiệt quệ tinh thần và thể chất. Vụ án đặc biệt này khiến cho cả xã hội Hàn Quốc rúng động.
Tối ngày 24/10 năm ngoái, tại một ngôi nhà ở quận Nam, thành phố Daegu, Hàn Quốc, một người cha 63 tuổi đã tận tay chuẩn bị bữa tối cho người con trai 39 tuổi của mình. Người con bẩm sinh khuyết tật, khiến anh hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc từ cha để duy trì cuộc sống hàng ngày. Suốt 39 năm, ông đã không ngừng hy sinh vì con, nhưng gánh nặng đó ngày càng làm ông kiệt quệ tinh thần và thể chất.
Người con, sống cả đời với cảm giác bất lực và những tổn thương tâm lý sâu sắc, dần rơi vào trạng thái tuyệt vọng, trầm cảm. Vào tối định mệnh đó, anh đá con chó ra khỏi bàn ăn và liên tục thúc giục cha mình: “Chúng ta cùng chết đi. Hãy đến nơi không có ác quỷ, thiên đường với các thiên thần". Những lời thúc giục ấy như giọt nước tràn ly, đẩy người cha vào trạng thái suy sụp hoàn toàn. Trong cơn tuyệt vọng, ông uống hết một tháng thuốc chống trầm cảm cùng rượu vodka và soju, sau đó dùng dao sát hại con trai trong phòng tắm trước khi cố gắng tự tử.
Thảm kịch cha già sát hại con khuyết tật sau 39 năm chăm sóc
Khi vợ ông trở về nhà vài giờ sau đó, bà phát hiện con trai đã tử vong còn chồng nằm bất tỉnh trong vũng máu. Đội cấp cứu đã kịp thời cứu sống người cha, nhưng ông phải đối mặt với cáo buộc giết người. Vào ngày 25/10, Tòa án quận Daegu tuyên phạt ông 3 năm tù, đồng thời ghi nhận sự hy sinh và áp lực mà ông đã chịu đựng suốt 39 năm. Tuy nhiên, tòa cũng nhấn mạnh: “Dù hoàn cảnh thế nào, việc tước đi mạng sống của con mình là không thể biện minh".
Câu chuyện của người cha và con trai không chỉ là bi kịch gia đình, mà còn phản ánh một thực trạng khắc nghiệt trong xã hội. Người con trai vốn mắc khuyết tật nặng nề, tình hình lại càng trở nên tồi tệ hơn sau một cơn xuất huyết não năm 2014, dẫn đến chẩn đoán khuyết tật não cấp độ 1. Người cha quyết định từ bỏ công việc để dành toàn bộ thời gian chăm sóc con, trong khi vợ ông làm việc xa nhà để duy trì kinh tế gia đình. Mặc dù nhiều người khuyên ông nên đưa con vào cơ sở chăm sóc, ông không nỡ làm điều đó.
Thời gian trôi qua, gánh nặng chăm sóc ngày càng đè nặng. Tình trạng của người con không hề cải thiện, trong khi sức khỏe người cha ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Năm 2021, ông gặp tai nạn xe hơi, khiến ông bị cắt cụt một phần ngón chân. Đến tháng 8/2022, công ty bảo hiểm ngừng hỗ trợ chi trả viện phí, đẩy gia đình ông vào cảnh túng thiếu. Trong tình cảnh đó, người con trai bắt đầu nài nỉ cha rằng cả hai nên kết thúc cuộc đời cùng nhau, một lời cầu xin mà anh lặp lại mỗi ngày.
Gia đình người cha cùng các tổ chức bảo vệ người khuyết tật đã kêu gọi tòa án khoan hồng. Vợ ông làm chứng, bày tỏ sự hối lỗi vì đã để chồng một mình gánh chịu toàn bộ trách nhiệm. Người con trai thứ hai cũng lên tiếng bảo vệ cha, nhấn mạnh những hy sinh mà ông đã dành cho gia đình. Các nhóm vận động và cha mẹ có con khuyết tật gửi đơn kiến nghị, cho rằng tội ác này xuất phát từ khủng hoảng cá nhân và sự thiếu hỗ trợ từ hệ thống xã hội. Liên minh Công dân Phúc lợi Hàn Quốc khẳng định: “Trường hợp này phản ánh một thực tế quá khắc nghiệt mà một cá nhân và gia đình không thể gánh vác. Chính phủ và xã hội phải chịu trách nhiệm vì không cung cấp đủ hỗ trợ.”
Trong phán quyết của mình, Tòa án quận Daegu đã phải đối mặt với bài toán khó khăn giữa sự bi thảm của hoàn cảnh gia đình và tính nghiêm trọng của tội ác. Dù các đánh giá tâm lý cho thấy người cha bị áp lực tinh thần nặng nề, nhưng ông vẫn đủ khả năng nhận thức pháp luật tại thời điểm phạm tội. Tòa nhấn mạnh: “Dù hoàn cảnh đáng thương đến đâu, việc tước đi mạng sống không bao giờ được chấp nhận.”
Tuy nhiên, bản án 3 năm tù đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Một số người cho rằng mức án quá nhẹ, trong khi những người khác lại đặt câu hỏi liệu mức phạt này có phù hợp với những gánh nặng mà người cha đã phải chịu. Nhóm luật sư của ông đã nộp đơn kháng cáo vào ngày 4/11, yêu cầu xem xét lại phán quyết.
Bi kịch này được truyền thông Hàn Quốc không chỉ coi là tiếng chuông cảnh tỉnh về áp lực chăm sóc người khuyết tật, mà còn đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của chính phủ và xã hội trong việc hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn. Trong khi tòa án đang cân nhắc lại vụ án, dư luận tiếp tục tranh luận về sự công bằng và trách nhiệm của cả hệ thống xã hội trong việc ngăn chặn những bi kịch tương tự xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.