Thảm kịch “nấm mồ titan” khổng lồ của hải quân Nga

Đăng Nguyễn - NI Thứ hai, ngày 31/10/2016 19:55 PM (GMT+7)
Tàu ngầm hạt nhân lặn sâu nhất thế giới trở thành cỗ quan tài titan khổng lồ, nhấn chìm các thủy thủ dưới biển sâu cùng với hai lò phản ứng hạt nhân và ngư lôi hạt nhân, chỉ vì một sự cố nhỏ.
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa.

Theo National Interest, trong giai đoạn những năm 1980, Liên Xô đã chế tạo siêu tàu ngầm không giống với bất kỳ loại nào khác lúc bấy giờ. Tàu ngầm Komsomolets K-278 được giới thiệu năm 1984 với tốc độ nhanh và khả năng lặn sâu nhất thế giới. Tàu được kỳ vọng là hướng đi mới cho hải quân Liên Xô.

Tàu ngầm lặn sâu nhất thế giới

Câu chuyện về tàu ngầm Komsomolets bắt đầu từ năm 1966. Nhóm nghiên cứu tại Cục Thiết kế Rubin do N. A. Klimov và Y. N. Kormilitsin dẫn đầu được yêu cầu phát triển Dự án 685, chế tạo tàu ngầm lặn xuống độ sâu không tưởng. Quá trình nghiên cứu kéo dài 8 năm không có kết quả vì thiếu kim loại có thể chịu được áp lực khổng lồ. Năm 1974, hợp kim titan được chọn làm thân tàu và thiết kế hai lớp vỏ cũng hoàn tất.

Tàu ngầm Komsomolets dài 122 m, cao 11,2 m, lượng giãn nước 8.000 tấn. Tàu được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân và có phần vỏ chịu lực bên trong làm bằng titan, giúp tàu có thể lặn sâu tới 914,4 m. Tàu ngầm Mỹ khi đó chưa từng đạt đến độ sâu này.

Tàu được chia làm 7 phần với hai khu vực được gia cố để làm nơi an toàn cho các thủy thủ. Kén thoát hiểm đặc biệt giúp cho các thủy thủ có thể rời tàu trong tình huống Komsomolets chìm xuống độ sâu 1.500 mét.

Vũ khí trên tàu bao gồm 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, bao gồm 24 ngư lôi Type 53 và ngư lôi chống tàu ngầm Shkval. Con tàu gia nhập Hạm đội Phương Bắc vào tháng 1.1984 và bắt đầu một loạt những thử nghiệm lặn sâu. Dưới sự chỉ huy của hạm trưởng Yuri Zelensky, tàu ngầm đạt kỷ lục lặn sâu hơn 1.000 m, vượt xa các tàu ngầm USS Los Angeles của Mỹ, vốn chỉ lặn sâu 449 mét.

img

Tàu ngầm Komsomolets K-278.

Hải quân Liên Xô coi tàu ngầm K-278 “bất khả chiến bại”. Vì ở độ sâu hơn 1.000 m, tàu ngầm đối phương khó có thể theo dõi cũng như phóng ngư lôi tấn công. Ngư lôi Mark 48 của Mỹ cũng chỉ đạt đến độ sâu khoảng 800 m. Dù là nguyên mẫu thử nghiệm nhưng con tàu chính thức đi vào hoạt động tuần tra năm 1988.

Hỏa hoạn không thể kiểm soát

Ngày 7.4.1989, trong khi hoạt động ở độ sâu 381 m, tàu ngầm Komsomolets đã gặp sự cố, cách đất liền Na Uy 514,9 km về phía bắc. Nhóm thủy thủ điều khiển tàu là nhóm thứ hai và chỉ mới hoàn thành khóa đào tạo.

Lúc 11 giờ trưa, thủy thủ Nodari Bukhnikashvili báo cáo mọi thứ vẫn ổn trong khoang số 7, vốn là khoang lái nằm gần phía đuôi tàu. Nhưng chỉ một lúc sau, đoạn đường ống dẫn khí áp suất cao kết nối với các bể dằn ở khoang số 7 bất ngờ bị bục. Một tia dầu đã xịt vào bề mặt nóng trong khoang, làm bùng lên ngọn lửa khi trong khoang tràn ngập oxy áp suất cao.

Igor Kalinim, một kỹ sư thủy âm trên tàu ngầm sau này hồi tưởng lại: "Khi tôi đang nghỉ ngơi trong cabin thì còi báo động vang lên. Tôi lao tới vị trí và cùng tham gia cứu con tàu với các thành viên khác".

Kỹ sư trưởng Valentin Babenko đề xuất với hạm trưởng Vanin về phương án dập lửa bằng khí Freon 7. Đây là loại khí làm lạnh không bắt cháy nhưng có thể gây chết người. Hạm trưởng sau đó miễn cưỡng ra lệnh xả khí freon vào khoang số 7 và Bukhnikashvili là thủy thủ đầu tiên hy sinh.

Tuy nhiên khí freon đã không dập tắt được ngọn lửa, bởi đường ống khí nén bị thủng liên tục cấp oxy áp suất cao. Thất bại trong việc dập lửa, hệ thống khẩn cấp bảo vệ các lò phản ứng hạt nhân khỏi bị quá tải được kích hoạt và chân vịt ngừng quay. Lo sợ lò phản ứng nóng chảy, sĩ quan điều hành quyết định cắt nguồn điện chính của tàu ngầm.

Andrey Makhota, một kỹ sư điều khiển từ xa nhớ lại: "Tôi ở gần ngay lò phản ứng và nghe được tiếng hệ thống khẩn cấp kích hoạt. Hệ thống được ngắt hoàn toàn để ngăn chặn khả năng rò rỉ phóng xạ".

img

Tàu ngầm Komsomolets ký hiệu K-278 của Liên Xô.

Tàu ngầm mất khả năng kiểm soát hệ thống thủy lực đồng nghĩa với việc hạm trưởng Vanin phải ra lệnh cho nổ các bể nước dằn để tạo phản lực đẩy tàu lên. Đây là quy trình khẩn cấp mà các thủy thủ luôn ghi nhớ trong khóa huấn luyện.

Chết vì giá lạnh

Nổi lên được mặt nước nhưng tàu Komsomolets vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm. Lúc 11h21, ngọn lửa đã theo hệ thống dây cáp lan đến tất cả các khoang, khiến nhiệt độ trong tàu tăng lên hơn 1.000 độ C. Lớp cao su bọc bên ngoài thân tàu bong ra thành từng mảng.

6 tiếng chiến đấu với ngọn lửa đáng sợ không thành công, hạm trưởng Vanin ra lệnh rời tàu. Lúc 17h, hai xuồng cứu hộ được bơm hơi và giải phóng ở mũi tàu để các thủy thủ trèo lên. Trong khi đó, Vanin trở lại tàu để tìm kiếm những người chưa biết đến mệnh lệnh.

"Khi tàu ngầm vẫn còn nổi, hạm trưởng trèo lên boong và có thể dễ dàng nhảy xuống nước như chúng tôi. Nhưng ông ấy nhìn lên trời và trèo xuống trở lại để hỗ trợ những người vẫn còn mắc kẹt trong con tàu đang chìm", Igor Kalinin nhớ lại.

Vanin và nhóm tìm kiếm không thể tiến sâu vào tàu ngầm vì khi đó con tàu đã nghiêng tới 80 độ, nhưng họ cũng không quay trở lại được vì tàu ngầm đang chìm rất nhanh. Những người mắc kẹt vẫn còn tia hy vọng cuối cùng, đó là các kén thoát hiểm có thể giúp họ thoát ra và nổi lên mặt nước.

Vanin dẫn những người còn lại tới khoang đựng kén thoát hiểm. Sau một vụ nổ trong khoang, những chiếc kén này được giải phóng, vọt lên phía trên. Khi lên tới mặt nước, áp suất thay đổi đột ngột khiến cho nắp kén bung ra, thổi bay 2 người ra ngoài. Chiếc kén nhanh chóng bị ngập nước, kéo theo Vanin và những người còn lại xuống biển sâu.

img

Tàu ngầm Komsomolets trong một chuyến ra biển.

Chỉ có 4 người thiệt mạng lien quan trực tiếp đến sự cố tàu ngầm Komsomolets nhưng sau khi tàu ngầm chìm, nhiều thủy thủ không thể vượt qua cái lạnh khi nhiệt độ mặt nước chỉ khoảng 2 độ C.

Trên chiếc xuồng lớn, bàn tay của các người thủy thủ dần tê cóng. Nhiều người phải dùng răng cắn chặt vào dây thừng ở mạn xuồng để khỏi bị cuốn trôi. Một số thành công nhưng hơn nửa số thủy thủ dần bị hạ thân nhiệt và chìm xuống biển.

Một giờ sau đó, tàu cá Alexi Khlobystov and Oma mới xuất hiện giải cứu 30 người, một số tử vong sau đó vì vết thương quá nặng. Tổng cộng 69 thủy thủ trên tàu, 42 người thiệt mạng, bao gồm cả hạm trưởng Vanin.

Tàu ngầm Komsomolets được xác định chìm sâu 1.600 mét dưới mặt nước với hai lò phản ứng hạt nhân và hai ngư lôi hạt nhân Shkval. 7 cuộc thám hiểm trong giai đoạn 1989-1998 đảm bảo rằng phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân không rò rỉ ra bên ngoài cũng như bịt kín các ống phóng ngư lôi.

Nguồn tin của Nga cho biết, trong các chuyến thăm này, nhóm thám hiểm đã tìm thấy bằng chứng “về sự can thiệp vào tàu ngầm một cách bất hợp pháp của các điệp viên nước ngoài”.

Một trong những tàu ngầm hiện đại nhất thời Chiến tranh Lạnh cuối cùng đã trở thành nấm mồ titan khổng lồ cùng với 42 thủy thủ. Sau này, Nga có kế hoạch trục vớt tàu Komsomolets, nhưng phải từ bỏ do lo ngại khả năng tàu va chạm vào đáy biển, dẫn đến thảm họa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem