Thâm nhập thị trường "cho thuê tử cung" ở Ấn Độ

Hara Nguyen - Economist Thứ hai, ngày 12/09/2016 06:55 AM (GMT+7)
Trải qua một thời gian rất thịnh hành, nghề "đẻ mướn" đang bị chính quyền Ấn Độ siết lại.
Bình luận 0

img

Tại một phòng cho người chờ đẻ ở Ấn Độ

Kokila, một thiếu phụ trẻ thư giãn trên ghế, cười phá lên khi được hỏi rằng công việc đẻ thuê có nặng nhọc không. "Rất thư giãn là đằng khác, dễ hơn nhiều so với làm đồng", cô trả lời với tiếng Gujarati và Hindi lẫn lộn. Trước kia, cô sống với mức lương 100 rupees/ngày. Nay, sau mỗi ca đẻ thuê, cô thu về những 450.000 rupees (khoảng 150 triệu VND)

Ở tầng trên phòng khám, Bharti Dali và chồng vẫn hân hoan khi được gặp con gái thứ hai 10 ngày trước. Cô bé được đặt tên Saina, theo tên người chị gái đã qua đời ở tuổi 18 vì tai nạn giao thông.

Họ coi Saina là một phép màu, nhưng "phép màu" ấy sắp là hành vi bất hợp pháp nếu đạo luật mới trình lên hôm 24.8 được thông qua. Luật này đề xuất cấm hoàn toàn đẻ thuê.

Ngành nghề "cho thuê tử cung" xuất hiện ở Ấn Độ năm 2002, khi một cặp đôi người Anh tới thuê ca đầu tiên. Các phòng khám hiếm muộn khắp nơi nhanh chóng tham gia và dàn xếp đẻ thuê cho người nước ngoài lẫn công dân Ấn Độ. 

img

Vào thời điểm thịnh hành, mỗi năm nghề này đem về 2 tỷ USD, nhưng không được quản lý và hoạt động theo kiểu luật rừng khá hỗn loạn. Tới cuối tháng 11.2015, chính phủ bất ngờ cấm người nước ngoài "thuê tử cung", và dự thảo luật cấm hoàn toàn việc đẻ thuê.

Đây là thông tin sốc đối với Anand, nơi đã trở thành thủ phủ đẻ thuê của Ấn Độ nhờ vào phòng khám Akanksha. Chủ phòng khám Nayana Patel đã cho ra lò 1122 em bé bằng việc mang thai hộ. Các bậc cha mẹ khát con phải trả khoản phí khoảng 27.000USD cho mỗi em bé, và chỉ gần 1/3 khoản này tới tay người mang thai.

Phòng khám của cô trông như một phi thuyền bằng kim loại và kính nằm giữa cánh đồng khoai tây xanh mướt, nhằm thu hút các khách hàng phương Tây khó tính. Tuy nhiên giờ chẳng còn ai nữa. Em bé nước ngoài cuối cùng được sinh ra hồi tháng 7.

Phe cánh tả và nhóm hoạt động nữ quyền tại Ấn Độ đã lên tiếng phản đối việc mang thai hộ từ rất lâu. Mang thai ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, và người mang thai phải cấy nhiều phôi một lúc để tăng khả năng mang thai. Họ dễ dàng chấp nhận đẻ mổ vì đa số đều mù chữ và không hề ý thức được về quyền lợi cá nhân.

img
Bác sĩ Patel trong phòng khám 

Bác sĩ Patel phủ nhận việc các phòng khám và khách hàng đang lợi dụng các phụ nữ cho thuê tử cung. Họ đều được trả tiền, ở trong kí túc xá tiện nghi. Hầu hết đều thấy hài lòng và thậm chí tự hào với công việc của mình. Kokila nói rằng mình rất may mắn vì đã kiếm được khá nhiều từ đẻ thuê trước khi bị cấm hoàn toàn. Số tiền kiếm được sẽ giúp cô nuôi hai con ăn học.

Sushma Swaraj, ngoại trưởng Ấn Độ than phiền khá nhiều về những người nổi tiếng tìm cách có thêm con theo kiểu nhàn nhã bằng việc tìm người mang thai hộ, như Aamir Khan và Shah Rukh Khan. Hai diễn viên này cũng công kích lại rằng chính quyền không tôn trọng sự tự do.

Swaraj phản bác rằng mong muốn cơ bản là có con không thể bị biến thành thú vui theo cách các bậc cha mẹ đang làm. Theo bà, chỉ phụ nữ tầm 23-30 tuổi và nam giới từ 26-55 đã kết hôn quá 5 năm được phép yêu cầu chính quyền cho mang thai hộ, không tính phí. Ngoài ra, người mang thai hộ phải có quan hệ họ hàng với người mẹ.

Patel ước tính chỉ có khoảng 25 trên 1.122 em bé được mang thai hộ đạt tiêu chuẩn theo luật. Còn lại là những phụ nữ như Dali đã hơn 50 tuổi, sẽ tiếp tục "vượt rào" để có con bằng mọi cách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem