"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", câu ca dao xưa, nay ở thời đại công nghiệp hóa nông thôn, trở nên lỗi thời. Giờ cày, bừa có máy, đất để ải từ đầu Chạp, ăn Tết xong, mới mồng 6 là cấy mạ luôn. Người đô thị bận rộn công việc. Tháng ăn chơi theo Nguyệt lịch (nông lịch, lịch nhà nông theo chu kỳ Mặt trăng) ngắn lại chỉ còn 3 ngày.
Người Việt xa xứ bận bươn chải, sống theo Công (dương) lịch (lịch Mặt trời), họ đã hưởng đợt nghỉ từ dịp Noel đến năm mới cùng dân bản xứ, nên Tết Nguyên đán phải theo lịch tây, như ngày thường. Tuy nhiên, niềm khắc khoải nhớ nhà và phong tục tập quán văn hóa đã hằn sâu trong tâm thức.
Tháng Giêng đúng là tháng ăn chơi với kiều bào. Hầu như các ngày cuối tuần và tối trong tuần của tháng 2 này, các hội đoàn tổ chức gặp mặt vui đón năm mới. Nước Pháp luôn ủng hộ sự đa dạng văn hóa và tôn trọng phong tục văn hóa mang tính chất giải trí lành mạnh, đem lại niềm vui hòa bình tất cả. Hằng năm, Tòa Thị chính Paris thường kết hợp với các Đại sứ quán, hội đoàn tổ chức đón năm mới âm lịch cho kiều bào Việt Nam và cộng đồng châu Á.
Do đặc thù điều kiện, việc tổ chức thường vào buổi tối, từ 18 giờ. Trời vẫn lạnh. Không khí ẩm ướt. Mưa lất phất, có khi tuyết rơi. Trời đất, nói theo thành ngữ Pháp "nửa dơi nửa chuột", không biết tối hay ngày. Ban ngày mọi người đi làm, vội vã rời công sở sớm hơn để tham dự ngày đón năm mới.
Năm nay, Hội đồng vùng Iles de France (Paris và các thành phố vệ tinh) tổ chức đón năm mới cho cộng đồng châu Á (chủ yếu Trung Quốc và Đông Dương). Các Hội người Lào, Campuchia dù đón Xuân muộn vào tháng 4 cũng đến tham dự. Chủ tịch hội đồng - bà Valerie Pécresse lên chúc mừng năm mới. Bà cổ vũ sự đa dạng ngôn ngữ và khuyến khích giữ gìn ngôn ngữ bản sắc dân tộc. Bà cảm ơn các hội đoàn châu Á tại Paris đã làm cầu nối tuyệt vời giữa Pháp và các nước châu Á. Bà nhắc đến Hà Nội, Việt Nam, nơi bà đã từng giúp để thành lập trường đại học quốc tế. Bà cũng mong tiếng Việt và các ngôn ngữ khác sẽ có mặt trong các trường đại học quốc tế ở Paris.
Sự đa dạng văn hóa là hình thức thăng hoa của một dân tộc biết trân trọng các nền văn hóa đẹp. Do cuộc vui chung của nhiều nước, nên ban tổ chức không thể làm được các món ăn dân tộc. Phong cách tổ chức nửa Tây nửa Á. Rượu vang đỏ, nước cam đóng hộp, các bánh ngọt của Pháp, nho cắm pho mát… dường như nhắc khéo: "Các bạn nhớ quê hương, nhưng các bạn đang ở Pháp - một đất nước nổi tiếng rượu nho và pho mát rộng lòng đón bạn bè năm châu, nước Pháp là quê hương thứ hai của các bạn". Tiếng trống vang lên. Màn múa lân quen thuộc điêu luyện của các nghệ sĩ đầy hấp dẫn mở đầu khai mạc.
Bà Valerie Pécressec - Chủ tịch, cố vấn Hội đồng đang diễn văn chúc mừng năm mới
Sau bài diễn văn và lời cảm ơn của đại diện châu Á, ba thiếu nữ Lào múa Apsara cung đình và màn múa nón của các thiếu nữ Việt với trang phục dân tộc làm tôn vinh thêm sự đa dạng văn hóa đã thu hút khán giả. Buổi lễ kết thúc bằng các bài hát của các ca sĩ nghiệp dư và nhảy ngẫu hứng của khách tham dự. Tốp thiếu nữ sinh viên hôm trước mới tham gia biểu diễn ở nhà Baltard phục vụ cộng đồng Việt, nay lại có mặt tại Têt của cộng đồng châu Á, thể hiện sự nhiệt tình truyền bá văn hóa Việt, trên đất Pháp.
Múa nón Việt
Múa Apsara Lào
Các nghệ sĩ trống và thanh la
Cuộc vui rồi cũng tàn. Lang thang trở về, đèn nhấp nháy quyến rũ chiếu trên mặt tiền Đại Cung điện hoàng tráng. Ghé vào thăm triển lãm tranh nghệ thuật, tình cờ thấy một hình ảnh mẹ Kh'mer vấn khăn rằn của họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Alahay. Nụ cười tươi của người má không xóa được những nếp nhăn đau khổ bôn ba cả đời. Mẹ Kh'mer, như bao mẹ Việt khác từng tần tảo trồng lúa nuôi con, đào hầm dưới tầng đại bác… Dấu vết chiến tranh vẫn còn hằn trên gương mặt mẹ. Góc khác xa xa thấp thoáng những dải nilon màu sắp đặt nghệ thuật của họa sĩ Marc Lager dùng bao rác phế thải chảy dài, tôi lileen tưởng những dòng sông quê Nam Bộ lục bình trôi mãi, những bờ sông sạt lở, nước dâng. Bao vết gợn trên nilon, màu đen xanh lẫn lộn tạo cảm giác nhọc nhằn cuộc sống.
Tác giả cùng họa sĩ Marc Lager trước tác phẩm của sắp đặt của ông
Hình ảnh quê hương lại hiện về làm nỗi nhớ trĩu nặng. Tôi lặng lẽ khoác áo dày ra về, trời lạnh. Bật mạng điện thoại, thấy quê hương bình minh hứng nắng chan hòa. Chạnh lòng nhớ và khao khát được đón hơi ấm thực sự mùa Xuân cùng gia đình bạn bè giữa quê hương trong khói hương trầm thiêng liêng và hơi ấm tình thân bên nồi bánh chưng thơm phức.
Tháng Giêng ở Paris đâu chỉ là tháng ăn chơi. Tháng Giêng là tháng nhớ nhung quê nhà.
Bạn bè chụp ảnh kỷ niệm cùng ông Nguyễn Thiệp - Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Ảnh: Trần Thu Dung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.