Thanh Hóa hỗ trợ lao động sau dịch Covid-19: Thêm 185.000 người có việc làm

Vũ Thượng Thứ hai, ngày 30/10/2023 08:40 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19, khiến nhiều người lao động quê tỉnh Thanh Hóa mất việc làm từ các vùng dịch trong cả nước phải trở về quê hương. Qua đó, ước giai đoạn từ năm 2021-2023, tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm cho hơn 185.000 lao động.
Bình luận 0

Người lao động gặp bất lợi sau Covid-19

Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào, đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) với hơn 3,7 triệu người. Đặc biệt, dân số trong độ tuổi lao động hơn 2,2 triệu người, trong đó lao động nông thôn chiếm khoảng 78,5%.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Ngoài ra, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng.

Thanh Hóa hỗ trợ lao động sau dịch Covid-19: Thêm 185.000 người có việc làm - Ảnh 1.

Huyện Hà Trung (Thanh Hóa) tổ chức ngày hội việc làm năm 2023 với gần 1.000 lượt người tham gia. Ảnh; P.V

Đồng thời, còn gặp rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu dẫn đến giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Cũng như kéo theo tình hình cắt giảm lao động, mất việc làm gia tăng là những yếu tố tác động bất lợi đến thị trường lao động.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cùng với sự tham gia tích cực của người dân, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thanh Hóa hỗ trợ lao động sau dịch Covid-19: Thêm 185.000 người có việc làm - Ảnh 2.

Nghề nón lá tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa thu hút nhiều lao động tham gia.

Địa điểm làm việc của người lao động phân bổ tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, Khu công nghiệp Hoàng Long, Khu công nghiệp Lễ Môn và cụm công nghiệp ở các huyện…

Tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ưu tiên những người trở về từ vùng dịch vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tự tạo việc làm.

Cũng như tạo công việc phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp người lao động trở về vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.

Lo việc làm cho người lao động

Thanh Hóa hỗ trợ lao động sau dịch Covid-19: Thêm 185.000 người có việc làm - Ảnh 3.

Ước giai đoạn từ năm 2021-2023, tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm cho hơn 185.000 lao động.

Ông Nguyễn Văn Bình-Trưởng phòng Lao động-Việc làm (thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Ước giai đoạn từ năm 2021-2023, tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm cho hơn 185.000 lao động. Trong đó, có hơn 42.300 lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài trở về địa phương do đại dịch Covid-19 được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh".

"Bên cạnh đó, hơn 26.000 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn thực hiện hỗ trợ cho trên 10.000 dự án vay vốn giải quyết việc làm, giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 20.000 lao động; lao động nông thôn chiếm trên 80%"- ông Bình cho biết thêm.

Qua tìm hiểu, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tỉnh Thanh Hóa giảm từ 6,1% xuống 5,8%. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm 8,8%; công nghiệp-xây dựng tăng 6,7% và Dịch vụ tăng 2,1%.

Tỉnh Thanh Hóa có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 32 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Cũng trong giai đoạn từ năm 2021-2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo hơn 228.000 người (cụ thể, cao đẳng 6.600 người; trung cấp 20.600; sơ cấp và dưới 3 tháng là 200.800 người). Trong đó, có hơn 2.400 lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài trở về địa phương do đại dịch Covid-19 được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh Thanh Hóa tăng từ 70% lên 73. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 25,1% lên 27,9%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem