Các tác phẩm trang trí trên tường khắp thành phố. Ảnh: Planedia
Nền văn minh Inca là một trong những nền văn minh tiền Colombo (theo tên Christophe Colombus, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha tìm ra châu Mỹ) đáng chú ý nhất từng tồn tại ở Peru. Tuy nhiên, trước đó còn có nhiều nền văn minh nổi bật khác, điển hình là nền văn minh của vương quốc Chimor.
Theo Ancient Origins, đây là nền văn minh lớn nhất Peru trước khi bị người Inca da đỏ xâm chiếm. Kinh đô của vương quốc, thành phố Chan Chan, là một trong những thành phố ấn tượng nhất thời tiền Colombo Nam Mỹ.
Chan Chan có nghĩa là Mặt Trời, cách thành phố Trujillo phía bắc Peru khoảng 5 km. Thành phố được xây dựng vào năm 850 và bị đế quốc Inca xâm chiếm năm 1470.
Chan Chan không những là thủ phủ của vương quốc Chimor, mà còn là thành phố lớn nhất thời tiền Colombo ở Nam Mỹ. Điểm nổi bật nhất của nó, là tổ hợp công trình bằng gạch bùn lớn nhất thế giới. Chan Chan có diện tích khoảng 20 km2 với khoảng 100.000 dân trong thời kỳ hoàng kim vào năm 1200. Toàn bộ thành phố, từ những ngôi đền hùng vĩ nhất cho tới những ngôi nhà dân khiêm tốn nhất đều được xây bằng gạch bùn phơi khô. Các bức tường của thành phố được trang trí bằng những tác phẩm điêu khắc, phù điêu và chạm khắc nổi.
Chan Chan thể hiện cấu trúc chính trị và xã hội chặt chẽ của vương quốc Chimor. Điều này được thể hiện rõ trong cách xây dựng thành phố. Trung tâm của thành phố là 9 khối công trình hình chữ nhật, hay còn gọi là các thành, được bao quanh bằng những bức tường đất cao và dày.
Trong mỗi tòa thành, các tòa nhà như đền thờ, nhà ở và kho chứa được bố trí theo không gian mở. Các hồ chứa nước và khu chôn cất cũng được xây dựng ở trong thành. Ngoài 9 thành chính còn có 32 khu khác quy mô nhỏ hơn và 4 khu sản xuất với các hoạt động dệt may, kỹ nghệ sắt và chế biến gỗ.
Các vùng ở xa hơn về phía bắc, đông và tây của thành phố là vùng nông nghiệp rộng lớn và các dấu vết của hệ thống thủy lợi còn sót lại. Điều này cho thấy thành phố Chan Chan có một sự phân cấp rõ ràng. Đô thị trung tâm được cung cấp các sản phẩm công nghiệp từ ngoại thành và các sản phẩm nông nghiệp từ các vùng trồng trọt ở xa hơn.
Sơ đồ bố trí một tổ hợp công trình trong thành phố. Ảnh: Lizardo Tavers
Người châu Âu đầu tiên có mặt ở Chan Chan là Francisco Pizarro, một tướng viễn chinh người Tây Ban Nha. Ông và quân lính của mình đến đây vào khoảng năm 1532. Kể từ đó, thành phố luôn bị cướp bóc bởi các thợ săn kho báu Tây Ban Nha và các "huaqueros" (kẻ cướp mộ).
Trong các báo cáo của Pizzaro, trên các bức tường và các công trình kiến trúc khác ở Chan Chan đều được trang trí bằng kim loại quý. Pedro Pizarro, một trong những người họ hàng của Francisco, đã tìm thấy một ô cửa phủ bạc, ước tính trị giá hơn 2 triệu USD theo thời giá hiện nay. Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy điện thoại cổ nhất thế giới 1.200 tuổi ở Chan Chan.
Tuy nhiên, mối đe dọa nguy hiểm nhất với Chan Chan không phải các thợ săn kho báu, mà là thời tiết. Mưa lớn, lũ lụt và gió mạnh có thể làm nhão các kết cấu bằng bùn khô của thành phố. Trong suốt thời gian tồn tại của vương quốc Chimor, hiện tượng El Nino, xảy ra theo chu kỳ 25-50 năm, gây ra thiệt hại lớn nhất cho thành phố.
Ngày nay, El Nino xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, đe dọa tàn phá những di tích còn sót lại của thành phố này. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để bảo vệ khu di tích, như sử dụng lều bạt che mưa. Một số gờ tường trang trí họa tiết cũng được làm cứng lại bằng dung dịch nước cất pha nhựa xương rồng, những chỗ khác thì được chụp hình và che phủ lại để bảo vệ.
Che bạt để bảo vệ di tích. Ảnh: Martin Garcia
Nguyễn Thành Minh (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.