"Thành phố Thủ Đức" tương lai cần có Thị trưởng?

V.D Chủ nhật, ngày 06/09/2020 12:00 PM (GMT+7)
Để phát triển "Thành phố Thủ Đức" (thuộc TP.HCM) trong tương lai, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có một Thị trưởng, một ê kíp điều hành, quản lý cho TP này.
Bình luận 0

Thành phố bền vững, đáng sống

Để hiện thực hóa việc thành lập "Thành phố Thủ Đức", UBND TP.HCM cho rằng cần phải đặt ra mục tiêu phát triển khu vực này bền vững, đáng sống.

Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố nổi tiếng về sự năng động, sáng tạo, phát triển và là đầu tàu kinh tế, có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo,…

Tuy nhiên, thành phố đang đứng trước những thách thức không nhỏ để tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu vốn có của mình cũng như đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

Do đó, việc đặt mục tiêu lớn nhất xây dựng một đô thị năng động, sáng tạo, thông minh, tương tác cao là tạo ra môi trường sống tốt nhất cho người dân thành phố, tạo ra những động lực phát triển để cho nền kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Thủ Đức

"Thành phố Thủ Đức" sẽ giúp TP.HCM duy trì vai trò đầu tàu của cả nước. Ảnh: V.D

"Thành phố Thủ Đức" là khu vực có vị trí hết sức đặc biệt, nằm lõi giữa một chuỗi các đô thị. Về khoa học, hiện tại đã và đang có khu đô thị đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM, có Khu công nghệ cao và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dựa trên lợi thế hiện nay, rõ ràng khu đất với trên 212 km2, tạm gọi "Thành phố Thủ Đức" là nơi có thể đặt kỳ vọng. Nguồn lực để phát triển khu này từ nhà nước, xã hội, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài. Nguồn lực đó sẽ đến được nếu như TP.HCM có lộ trình, kế hoạch tốt, hợp lý.

"Khi chúng ta trình bày với Chính phủ, với thế giới một kế hoạch tốt thì tôi tin chắc các nguồn lực sẽ đến. Với sự thông minh, sáng tạo và năng lực vốn có của người dân TP.HCM, chúng tôi kỳ vọng rằng những gì chúng ta mong muốn sẽ sớm thành hiện thực", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.

Phó Chủ tịch TP.HCM cũng cho biết, hiện nay, TP.HCM đang thực hiện đề án với quyết tâm cao nhất vì thành phố cần tìm những giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thành phố, tiếp tục tạo ra sự phát triển bền vững cũng như tiếp tục nâng cao khả năng đóng góp cho sự phát triển của cả nước.

Cần có Thị trưởng cho "Thành phố Thủ Đức"

Để phát triển "Thành phố Thủ Đức", nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có một Thị trưởng, một ê kíp điều hành, quản lý cho TP này.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (thuộc Bộ Xây dựng) cho rằng, "Thành phố Thủ Đức" cần có một Thị trưởng, một ê kíp điều hành, quản lý thành phố và đặc biệt phải có quyền quyết định thì mới bắt kịp cơ hội. Nếu không được, theo ông Hải, TP.HCM phải đề xuất với Quốc hội thành lập một khu kinh tế đặc biệt nằm trong TP.HCM hoặc xác lập một thành phố chính quyền đô thị độc lập.

Còn ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, trong tương lai thành phố sẽ theo chế độ Thị trưởng được tự quyết ngân sách.

Thủ Đức

Các chuyên gia cho rằng "thành phố Thủ Đức" cần có một Thị trưởng.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, hiện nay ngân sách cho TP.HCM còn rất ít dù liên tục có kiến nghị tăng ngân sách giữ lại.

Nếu cứ theo kiến nghị cũ là tăng ngân sách giữ lại sẽ rất khó, nhân cơ hội này nên thay đổi mô hình ngân sách từ tập trung sang phi tập trung bằng cách khoán ngân sách, sau khi hoàn thành chỉ tiêu sẽ được giữ lại để đầu tư cho hạ tầng.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo, trong quá trình xây dựng đề án, TP.HCM cần lưu ý về quy hoạch chung, nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng "Thành phố Thủ Đức" (có thể thực hiện qua hình thức họp trực tuyến). Mục tiêu nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng... để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của thành phố.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần làm việc với các bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới. "Thành phố Thủ Đức" tương lai có thể là nơi tập trung đông dân cư đến từ nhiều tỉnh, thành, quốc gia khác nhau, đặc biệt, phải thu hút đầu tư vào "Thành phố Thủ Đức".

Ngoài ra, bên cạnh các yếu tố kinh tế, tài chính, cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, đáng sống, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. TP.HCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, không chỉ so sánh với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem