Võ thuật Bình Định bao gồm nhiều môn võ cổ truyền có xuất xứ ở Bình Định hoặc đã từng phổ biến tại đây rồi sau đó mới được truyền bá rộng rãi khắp nơi.
Không ngẫu nhiên mà Bình Định nổi tiếng đến thế. Đặc điểm lớn nhất của võ thuật Bình Định chính là tính đa dạng; cái đa dạng ở đây có thể kể đến từ những dòng võ cho đến sự khác biệt trong kỹ thuật của các hệ phái mang tên Bình Định hoặc Tây Sơn.
Rồi trong chính những môn phái đó cũng sở hữu rất nhiều bài quyền, bài tập cho các loại binh khí đa dạng khác nhau.
Nguyễn An Pha - một trong những nhà nghiên cứu lâu năm về võ thuật Bình Định đã dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn "Thập bát ban binh khí" - nét độc đáo nhất còn được lưu giữ cho tới tận ngày nay.
"Thập bát ban binh khí" bao gồm: Côn, Đao, Thương, Kiếm, Bồ Cào, Xà Mâu, Thiết Lĩnh, Kích, Giáo, Lăng Khiên, Cung Tên, Đinh Ba, Thái Long Câu, Dây Xích, Dải Lụa Đào, Giản, Búa, Chùy.
Ông Pha cho biết, không chỉ may mắn được sinh ra tại Bình Định mà ông còn có cơ hội gặp được nhiều võ sư già rất giỏi, họ trao đổi, biểu diễn, đánh quyền lại giúp ông ghi hình và thu thập được nhiều thông tin quý báu. Ông cũng là số ít những người có nghiên cứu cấp tỉnh về đề tài khoa học: Nghiên cứu, bảo tồn Thập bát ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định.
Lão sư quá cố Phan Thọ. Võ sư hiếm hoi của đất võ Bình Định tinh thông “thập bát ban binh khí”
Nói về sự độc đáo của Thập bát ban binh khí, người ta phải nhắc đến câu: "Bài tháo ở đâu thì bài thiệu ở đó". Chứ đối với các môn võ ở nhiều địa phương khác, có nơi có bài tháo nhưng thiếu bài thiệu và ngược lại.
Để dễ hiểu, bài tháo chính là các chiêu thức đấu pháp võ thuật trong một bài võ mô phỏng các thế võ của binh khí. Còn bài thiệu là các chiêu thức, đấu pháp võ thuật được thể hiện dưới loại hình văn vần cho dễ nhớ, kèm theo bài tháo, minh họa cho bài tháo.
Như vậy, người luyện võ có quên một thế tháo nào thì đọc bài thiệu của môn binh khí đó sẽ hiểu ngay chiêu thức tiếp theo của thế võ họ đang luyện tập.
Thực tế, mỗi võ đường nhiều thì cũng chỉ lưu giữ 7-8 ban binh khí, chỉ có tập trung tâm huyết, sưu tầm nhiều nơi, ông Pha mới có thể biết được nhiều hơn về Thập bát ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định.
Cũng tại nơi đây, võ sư Hồ Sỹ là thế hệ thứ 5 trong gia đình họ Hồ theo đuổi nghề võ ngay tại mảnh đất quê hương. Võ đường Hồ Sừng cũng là nơi lưu giữ được hơn 10 ban võ thuật trong Thập bát ban binh khí. Trong đó nổi bật như côn, đinh ba, lăng khiên.
Ông Hồ Sỹ cho biết, ban đầu muốn tập binh khí thì phải tập quyền trước bởi các thế đánh và cách di chuyển trong bài tháo rất khó, phải nhuần nhuyễn căn cơ thân pháp thủ pháp mới tập được binh khí.
Ở Bình Định, Thập bát ban binh khí được chia làm ba nhóm chính: Binh khí ngắn, binh khí dài và binh khí mềm.
+ Binh khí dài gồm: côn, thương, đại đao, giác, mác, trường kiếm, chỉa ba, xà mâu.
+ Binh khí ngắn gồm: dao, rựa, đoản kiếm, búa, lưỡi lê, mã tấu, cung.
+ Binh khí mềm gồm: khăn, dây xích.
Trong đó, nếu là học sinh mới, bắt buộc phải bắt đầu bằng học quyền, sau đó tới binh khí ngắn, binh khí dài rồi mới tới binh khí mềm. Bởi các loại binh khí mềm rất khó sử dụng, đòi hỏi kỹ thuật cực cao.
Tính cho tới hiện tại, trong số Thập bát ban binh khí thì có bốn ban binh khí được hình thành và phát triển dưới triều đại nhà Tây Sơn: Bồ cào, thái long câu, dải lụa đào và nhuyễn tiên. Đây được xem là hóa thân của các loại dụng cụ lao động trong đời sống để đưa vào võ thuật. Mục đích là để khi cần có thể biến thành vũ khí chiến đấu với kẻ địch một cách nhanh chóng.
Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Trong đó, yếu tố tiên quyết là tậm trung xử lý mối quan hệ giữa quyền thuật và các môn binh khí. Người giỏi võ phải là người biết phối hợp nhuận nhuyễn hai yếu tố trên và sử dụng chúng trên từng hoàn cảnh cụ thể.
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.