Thấy gì từ quốc gia ĐNA tuyên bố "sống chung với Covid-19"?

Nguyễn Thái - Al Jazeera Thứ hai, ngày 20/09/2021 14:55 PM (GMT+7)
Kể từ đầu đại dịch Covid-19 đến nay, Singapore mới ghi nhận 60 ca tử vong vì Covid-19. Hiện tại, 82% dân số của quốc gia Đông Nam Á này đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ vắc xin Covid-19.
Bình luận 0

img

Singapore tuyên bố hướng tới chiến lược "sống chung với Covid-19". Ảnh: AA

Vào tháng 6, chính phủ Singapore tuyên bố sẽ hướng tới chiến lược "sống chung với Covid-19", tập trung vào việc theo dõi, xử lý các ổ dịch Covid-19 bằng tiêm chủng và nhập viện mà không cần phong tỏa, đóng cửa biên giới hay làm việc ở nhà.

Cũng trong tháng 6, Singapore bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, thách thức đã ập tới vào những tuần sau đó. 

Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đã khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Các kế hoạch mở cửa trở lại đã bị trì hoãn. Một số biện pháp hạn chế được áp dụng lại. 

Sau nhiều tháng chỉ ghi nhận số ca Covid-19 trong ngày ở mức thấp, cuối tuần qua, Singapore có số ca nhiễm mới trong ngày vượt con số 1.000 - mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.  

Cụ thể, quan chức y tế Singapore cho biết, nước này ghi nhận 1.012 ca nhiễm mới hôm 19/9. Trước đó một ngày, số ca nhiễm mới là 1.009. Số ca bệnh nhập viện hôm 19/9 là 873 (một ngày trước là 863 ca), với 118 ca nghiêm trọng cần thở oxy (một ngày trước là 105 ca), và 21 ca trong tình trạng nguy kịch, cần chăm sóc tích cực (một ngày trước là 18 ca).

Chính phủ Singapore đã gọi sự gia tăng này là "dấu hiệu của sự chuyển đổi" khi quốc gia Đông Nam Á lựa chọn "sống chung với Covid-19" và các biến chủng. 

"Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi sang một cuộc sống bình thường mới với Covid-19", Bộ trưởng Y tế Singapore, Ong Ye Kung, nói trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 17/9. "Đó là một hành trình đầy khó khăn và phức tạp".

Các bệnh viện công dù tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến nhưng đại đa số (hơn 98%) các ca bệnh không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Vì vậy, các quan chức y tế Singapore khuyến khích người dân tới các bác sĩ đa khoa hoặc phòng khám tư nhân để giảm tải áp lực cho các bệnh viện công và để nhường chỗ cho các ca nhiễm nặng hơn. 

Hôm 18/9, giới chức y tế Singapore đã tăng cường việc điều trị tại nhà như một mô hình quản lý chăm sóc cho các ca nhiễm đột phá (người bị nhiễm Covid-19 dù đã tiêm chủng đầy đủ), tuổi từ 12 đến 69 và không có triệu chứng nặng. 

Khoảng 7/10 bệnh nhân dự kiến có đủ điều kiện để hồi phục tại nhà theo kế hoạch mới - được đưa ra để giảm áp lực cho các bệnh viện và đơn vị chăm sóc tích cực, trong cuộc chiến lâu dài với Covid-19. 

Tiến sĩ Ong Eu Jin Roy, một bác sĩ gia đình ở Singapore, cho rằng, các nhân viên y tế của nước này gần như đã bị vắt kiệt sức lực. 

"Chúng tôi đã rất cố gắng và bền bỉ, nhưng cần phải có một đích đến để chúng tôi thấy được mục tiêu", tiến sĩ Ong Eu Jin Ro nói. "Khi chính phủ muốn chúng tôi chấp nhận sống chung với Covid-19, tôi nghĩ điều đó thật tuyệt, vì thực sự chúng tôi đã cạn kiệt sức lực".

“Làm cách nào để sống chung với Covid-19?”

img

Singapore đã nới lỏng các hạn chế kể từ tháng 6 và có hơn 80% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: EPA

Ngoài việc tăng cường năng lực của các dịch vụ y tế để đối phó với số lượng ca nhiễm tăng, tiến sĩ Steven Tucker cho biết, Singapore đang mở rộng thêm các dịch vụ để giúp người dân đối phó với các vấn đề sức khỏe tinh thần và căng thẳng do Covid-19 gây ra: từ lo lắng về an toàn của bản thân cho tới vấn đề lương thực, thực phẩm do bị phong tỏa. 

"Các yếu tố gây căng thẳng đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người, có thể thay đổi tùy theo mức độ, ví dụ: Tôi cảm thấy không được khỏe. Liệu các thành viên trong gia đình có bị lây bệnh không? Tôi có cần phải đi cách ly không? Tôi có quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc hay không?", tiến sĩ Tucker, người từng được đào tạo ở Mỹ, nói với trang Al Jazeera. 

"Tất cả những thắc mắc này dẫn đến căng thẳng về tinh thần. Singapore đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này", tiến sĩ Tucker nói thêm. 

Bộ trưởng Y tế Singapore, Ong Ye Kung, cho biết, quốc gia 5,7 triệu dân vẫn chưa đạt tới giai đoạn "Endemic" (Tạm dịch: Bệnh đặc hữu) - khi Covid-19 được xem như bệnh năm nào cũng có, giống cúm mùa. 

"Tôi sẽ nói rằng chúng ta sẽ ở giai đoạn Endemic khi một nửa số bạn bè của chúng ta bị nhiễm hoặc từng nhiễm. Hiện tại, mới chỉ có 1/10 hoặc 1/20 người bị nhiễm. Như trường hợp của tôi, chỉ một số người thân bị nhiễm. Bạn bè tôi chưa ai bị nhiễm", ông Ong Ye Kung nói với Al Jazeera.  

Nhưng ngay cả khi virus chỉ gây ra những vấn đề nghiêm trọng với người dễ bị tổn thương và chưa được tiêm chủng, sống chung với Covid-19 không có nghĩa là người dân Singapore bỏ qua những việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, làm việc tại nhà, ăn uống tại nhà hay giới hạn nhập cảnh. Những thứ đó vẫn phải tuân thủ, theo Bộ trưởng Y tế Singapore. 

Ông Ong Ye Kung cũng cho rằng, việc tiêm phòng tăng cường có tác dụng nhất định trong chiến lược sống chung với Covid-19 của Singapore khi có nhiều biến chủng xuất hiện. Ngoài ra, việc xét nghiệm nhanh hàng ngày, hàng tuần tại nơi làm việc cũng là cần thiết, cho tới khi đại dịch được kiểm soát trên thế giới và virus mất dần độc lực. 

"Singapore đã làm tương đối tốt việc xét nghiệm diện rộng, truy vết, tiêm chủng và tuân thủ các chính sách của chính phủ", Jeannette Ickovics, nữ giáo sư tâm lý và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Yale-NUS (Singapore), nói với Al Jazeera. 

Bà Jeannette nói thêm: "Làm cách nào để sống chung với Covid-19? Hãy ghi nhớ những vấn đề cơ bản sau: Rửa tay sạch, đeo khẩu trang,  giãn cách xã hội, nếu cảm thấy không khỏe nên ở nhà. Cố gắng sắp xếp công việc của bạn hợp lý, đánh giá và nêu rõ những gì bạn cần để hoàn thành công việc và đặc biệt cần phải linh hoạt". 

Tuân thủ quy định

img

Người dân Singapore tuân thủ các quy định phòng dịch. Ảnh: EPA

Juliana Chan, một doanh nhân trong lĩnh vực truyền thông, cho biết, bà đánh giá cao nỗ lực của Singapore trong kiểm soát dịch bệnh lây lan. 

Con gái của Juliana bị cách ly khi một bạn cùng lớp bị nhiễm Covid-19. Con trai của nữ doanh nhân cũng phải nghỉ học. 

"Lực lượng theo dõi ghé thăm nhà chúng tôi thường xuyên, đến trực tiếp hoặc gọi video. Hàng ngày, chúng tôi cũng nhận được các tin nhắn và cuộc gọi", bà Juliana chia sẻ với báo chí. "Thực hiện theo dõi và truy vết quy mô lớn là một nỗ lực khổng lồ. Tôi rất ấn tượng về sự chuyên nghiệp của các nhân viên tham gia quá trình này".

Eugene Tan, một phó giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết, người dân luôn tuân thủ các quy định của chính phủ, cũng giống như đợt dịch SARS năm 2003. 

"Kinh nghiệm cho thấy, sự quyết đoán của chính phủ là chưa đủ mà cần phải có sự đồng lòng của cả xã hội mới có thể đối phó đại dịch. Ngoài ra, công nghệ cũng góp phần quan trọng vào nỗ lực kiểm soát dịch bệnh", phó giáo sư Eugene Tan nói. 

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Singapore tính đến ngày 19/9 là 77.804 ca, số ca tử vong là 60 ca và số người khỏi bệnh là 70.600 người. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem