Theo Asia Times, hiện tượng trên đang tác động mạnh đến toàn bộ “lục địa già”, trong đó, Italy và Tây Ban Nha là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào giữa tháng 12 năm 2015, giới chức an ninh Italy phát hiện tổ chức tội phạm được điều hành bởi các "ông trùm" Trung Quốc với sự giúp sức của một nhóm “cổ cồn trắng” bản địa.
Mafia Trung Quốc ngày một lộng hành ở châu Âu.
Trong một vài năm, tổ chức tội phạm này đã dựng nên được một đế chế thương mại và bất động sản trên địa bàn quận Venice, miền Đông Bắc Italy bằng cách “rửa tiền” từ hoạt động buôn người và ép buộc những người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp tham gia đường dây mại dâm.
Trong một trường hợp khác, hai tháng trước khi đường dây tội phạm Trung Italy trên sa lưới vào tháng 8/2015, một tổ chức tội phạm Trung Quốc khác ở Tây Ban Nha cũng bị phanh phui. Cảnh sát Tây Ban Nha đã tóm gọn 80 tên thuộc tổ chức tội phạm trên. Nhóm này liên quan đến các hoạt động phi pháp như rửa tiền, buôn người, mại dâm và tống tiền... Theo điều tra ban đầu của cảnh sát, mỗi năm tổ chức này rửa khoảng 200 triệu USD từ việc trốn thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, các cộng đồng Trung Quốc có thói quen bao bọc và bảo vệ lẫn nhau định cư trên khắp thế giới lại đóng vai trò là nền tảng sức mạnh thực sự của các mạng lưới tội phạm được điều hành bởi chính những người đồng hương của họ. Các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu luôn giữ vững các mối ràng buộc với quê hương. Họ thường đóng vai trò là "kho chứa" hàng giả có nguồn gốc từ Đại lục và Hong Kong đồng thời là “đại lý tiêu thụ” lực lượng lao động nhập cử trái phép từ Trung Quốc di cư sang lục địa già.
Theo báo cáo hàng năm từ Cơ quan thi hành án của cảnh sát châu Âu (Europol) và Cục phòng chống mafia quốc gia Italy, các nhu cầu của các tổ chức tội phạm tác động mạnh mẽ tới dòng chảy của người di cư từ Trung Quốc tới lục địa già. Paolo Borsellino, một công tố viên chống mafia nổi tiếng của Italy, từng là nạn nhân của một vụ đánh bom xe do tổ chức tội phạm Cosa Nostra thực hiện ào năm 1992, từng nhấn mạnh: "Mafia và hoạt động chính trị là 2 sức mạnh nhắm đến việc kiểm soát địa hạt giống nhau. Họ đấu tranh với nhau hoặc thỏa hiệp với nhau".
Diễn giải theo những lời nói của ông Borsellino và đối chiếu với các động năng liên quan đến sự cân bằng quyền lực giữa các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia luôn cạnh tranh lẫn nhau thì có vẻ như các nhóm tội phạm có tổ chức của Trung Quốc ở châu Âu đã chọn để thỏa hiệp và hợp tác với các nhóm mafia địa phương và tránh làm “mếch lòng” họ, giống như những gì mà chúng đang làm ở Mỹ Latin và Mexico.
Các tổ chức tội phạm Trung Quốc và châu Âu xây dựng liên doanh lợi nhuận bằng việc nhập khẩu các loại hàng giả (đặc biệt là hàng may mặc, dược phẩm, phầm mềm, đĩa CD, phim ảnh, đồ chơi và các sản phẩm cao cấp). Hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc thường được tuồn qua thị trường châu Âu sau khi đi một chặng đường vòng, qua các khu thương mại ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập. Hàng hóa giả mạo Trung Quốc đi qua đường Biển Đen thường được gửi ở các kho hàng tại một số quốc gia của khu vực Tây Balkan trước khi cập các cảng Tây Âu.
Các nhóm mafia Trung Quốc kiếm tiền chủ yếu từ buôn hàng giả, buôn người, mại dâm và tống tiền.
Để buôn lậu hàng giả vào châu Âu, các băng nhóm Trung Quốc cũng sử dụng các công ty được thành lập ở Bắc Phi, khai thác lỗ hổng trong các chế độ ưu đãi thương mại mà Liên minh châu Âu cấp cho tất cả các quốc gia Bắc Phi trừ Libya. Kể từ năm 2011, các nhóm tội phạm Trung Quốc đã nắm trong lòng bàn tay những quy định nới lỏng về nguồn gốc cho các sản phẩm đến từ khu vực này.
Liên quan đến vấn đề này, năm 2012, ngân hàng Phát triển châu Âu, quan ngại viễn cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc ở Bắc Phi – với số lượng các công ty mới thành lập tăng vọt hàng năm – có thể xuất khẩu sang châu Âu hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn mác của các nước châu Phi. Điều này không chỉ làm trò lừa đối với người tiêu dùng mà còn gây ra thiệt hại cho các các nhà sản xuất địa phương.
Tại Italy, Camorra và Ndrangheta, hai nhóm tội phạm đã nổi lên, vượt mặt Cosa Nostra, được xem là tổ chức mafia mạnh nhất ở đây, cũng bắt tay với các đối tác Trung Quốc. Chúng cùng nhau tạo ra các điều kiện thuận lợi để hàng giả xâm nhập bất hợp pháp vào thị trường châu Âu thông qua một số cảng ở miền Nam Italy như Naples, Salerno, Gioia Tauro và Taranto.
Năm 2010, cảnh sát Italy đã đánh bại hai nhóm rửa tiền mà kể từ năm 2006 đã chuyển bất hợp pháp 3,5 tỷ USD tới Trung Quốc. Mạng lưới tội phạm do các “ông trùm” Trung Quốc cầm đầu nhập lậu hàng thời trang giả vào Đông Âu từ căn cứ của chúng ở Italy. Do Chính phủ Italy thắt chặt các thủ tục hải quan nên giờ đây, hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc cũng chảy vào thị trường châu Âu thông qua các cảng biển khác như Hamburg và Bremen ở Đức và Rotterdam ở Hà Lan. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng là điểm tập kết của hàng lậu có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó cảng Valencia là nơi đổ bộ chính của hàng dệt may.
Theo tờ Financial Times và Corriere della Sera, một tờ báo ngày của Italy, khủng hoảng kinh tế ở Lục địa già đã tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho các tổ chức tội phạm Trung Quốc xây dựng “đại bản doanh” ở đây. Tuy nhiên, cũng vì khủng hoảng kinh tế, mafia Trung Quốc mất đi một phần sức mạnh nền tảng khi một lượng người nhập cư Trung Quốc sẽ phải rời trời Âu, đặc biệt là Italy và Tây Ban Nha, hai quốc gia suy thoái nặng nề nhất trong khu vực.
Song không về nước, một lượng lớn người nhập cư Trung Quốc tìm đường sang Canada, Nam Mỹ và thậm chí, châu Phi với quốc gia nhiều dầu mỏ Angola là điểm đến hàng đầu. Khi người nhập cư Trung Quốc tìm kiếm vận may ở những vùng trời khác sẽ dẫn đến một khả năng rất cao là, một số nhóm mafia Trung Quốc cũng theo dòng chảy đó, tìm cách cắm vòi bạch tuộc tới đó. Đây không phải là điều mới mẻ trong lịch sử của các tổ chức tội phạm có tổ chức khi mà sự bành trướng của chúng luôn luôn song hành với những dòng người di cư, đi tìm cơ hội ở những vùng đất hứa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.