Loay hoay hạt nhân Iran
Kết thúc vòng đàm phán kéo dài hai ngày, 23 và 24.5, tại thủ đô Baghdad, Iraq, phiên thảo luận giữa Iran và nhóm cường quốc P5+1 (5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đã không thu được bất kỳ kết quả nào, ngoài lời hứa hẹn… họp tiếp. Theo đó, hai bên nhất trí gặp lại nhau vào ngày 18 và 19.6 tại thủ đô Moscow, Nga.
Trong vòng đàm phán này, cả Iran lẫn P5+1 đều đưa ra những gói đề xuất riêng, song lại không thể tìm được tiếng nói chung về những vấn đề cơ bản. Vì vậy, họ tiếp tục rơi vào thế “hai con dê trên một chiếc cầu”.
Hãng thông tấn ISNA đưa tin, Iran đã trình bày trước nhóm P5+1 gói đề xuất gồm năm điểm thâu tóm hàng loạt các vấn đề về hạt nhân và phi hạt nhân.
Tuy những thông tin cụ thể liên quan tới gói đề xuất của Iran chưa được công bố cụ thể, song một trong những nội dung nền tảng là việc Tehran yêu cầu phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt trước khi đổi lấy sự nhượng bộ của họ trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Trong khi đó, nhóm cường quốc đề nghị sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nếu Iran đồng ý chấm dứt mọi hành động làm giàu uranium. Ngoài ra, Iran còn bị yêu cầu chuyển số uranium làm giàu 20% ra nước ngoài và nhận lại nhiên liệu phục vụ cho các lò phản ứng nghiên cứu.
“Cũng tại cuộc họp đầu tiên, nhóm P5+1 cũng đưa ra đề xuất với Iran. Tuy nhiên, theo quan điểm của Iran, những đề xuất đó là không cân bằng”, hãng tin ISNA viết.
Quan hệ Nga - Mỹ sẽ về đâu?
Chương trình lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO tại châu Âu vốn là đề tài phủ bóng lên quan hệ Moscow – Washington trong suốt thời gian dài vừa qua. Trong khi Mỹ khẳng định, hệ thống phòng thủ này chỉ nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh từ Iran và CHDCND Triều Tiên, thì Nga lại ngờ rằng, mũi dùi đang nhắm vào các mục tiêu nước này, có thể phá vỡ thế cân bằng hạt nhân từ thời Chiến trang Lạnh và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Hồi đầu tháng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Nikolai Makarov cảnh báo, Moscow sẽ tấn công phủ đầu các cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu nếu Washington tiếp tục kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa.
Trong một diễn biến mới hơn, hãng tin Interfax dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga hôm 23.5 cho hay, Moscow vừa phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Những động thái trên đã cho thấy một điều chắc chắn rằng, Nga sẽ chẳng bao giờ mềm mỏng, chịu nhượng bộ trước Mỹ và NATO về vấn đề lá chắn tên lửa châu Âu.
Sau những cáo buộc rằng Washington đã “bật đèn xanh” cho phe biểu tình phản đối ông Putin đắc cử Tổng thống, sự trở lại điện Kremlin của chính trị gia 59 tuổi đã báo hiệu dấu hiệu “chẳng lành” trong quan hệ hai nước.
Mới đây, sự vắng mặt của ông Vladmir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 tổ chức ở Trại David vào ngày 18 và 19.5. Mặc dù, ông Putin đã giải thích đầy đủ cho lý do vắng mặt của mình, cũng như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thể hiện sự thông cảm với quyết định của người đồng cấp, song sự kiện G8 tại Mỹ thiếu Putin vẫn khiến nhiều người… “cả nghĩ”.
Vết nứt ngoại giao tiếp tục bị nới rộng khi Nhật báo tiếng Nga Komsomolskaya Pravda ngày 24.5 trích nguồn từ tình báo quân đội Nga cho biết, họ đang điều tra khả năng Mỹ dính líu tới vụ tai nạn máy bay quân sự Sukhoi Superjet-100 khiến 45 người thiệt mạng tại Indonesia hôm 9.5 vừa qua.
Thực chất, đây cũng không phải lần đầu Nga nghi ngờ Mỹ phá hoại các thiết bị của mình. Một cựu quan chức không gian Nga khẳng định, hệ thống radar của Mỹ ở Alaska đã khiến tàu thăm dò sao Hỏa Fobos Grunt bị kẹt trên quỹ đạo Trái đất hồi năm ngoái. Ngoài ra, Nga không loại trừ khả năng hải quân Mỹ đã làm tàu ngầm Kursk chìm hồi tháng 8.2000.
Thu Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.