Thực tâm, tôi rất muốn đến Donbass một lần, đơn giản chỉ để xem cuộc sống người dân ở đó thế nào và có thể, để cảm nhận phần nào trên thực tế những sự kiện đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi người trong mấy tháng gần đây.
Buổi chiều trên quảng trường trung tâm thành phố Slaviansk
Bình yên gây thất vọng
Mặc dù rất muốn “xách ba lô lên và đi” ngay lập tức, nhưng để cẩn thận, trước khi lên đường chúng tôi đã hỏi ý kiến của một số người quen ở Kharkov về những gì cần chuẩn bị cho chuyến đi. Phần lớn các câu trả lời mà chúng tôi nhận được đại loại là: “Đến đó làm gì?”, “Nguy hiểm lắm, hãy nghĩ lại đi!”… Nhẹ thì cũng là: “Có thực sự cần đến đó không?”… Nhưng có lẽ tại sự hiếu kỳ quá lớn đã càng thúc đẩy chúng tôi thực hiện bằng được dự định của mình.
Chặng đường không xa, chỉ chưa đầy 180 cây số, nhưng chúng tôi quyết định đi sớm, đề phòng mọi sự bất trắc có thể xảy ra. Nhưng trái ngược với sự cảnh giác của chúng tôi, con đường dẫn đến Slaviansk hóa ra lại thuận lợi đến không ngờ. Trước khi xuất hành, dù không nói ra, nhưng tôi đã tưởng tượng đến cảnh bị khám xét xe, lục soát đồ, bị tra hỏi đi đâu, làm gì… ở các trạm gác dọc đường. Vậy mà tôi đã nhầm! Chúng tôi chỉ bị chặn lại một lần duy nhất ở trạm kiểm soát cửa ngõ thành phố Slaviansk, vì dám công khai chụp ảnh lính gác ở đó!
Trạm kiểm soát trước cửa ngõ Slaviansk
Cũng cần nói thêm, là khác với tưởng tượng của tôi, cả tuyến đường từ Kharkov đến Slaviansk chỉ có cả thảy ba trạm kiểm soát: một trạm ở cửa ngõ Kharkov, trạm thứ hai ở sau thành phố Izium - ranh giới giữa tỉnh Kharkov và tỉnh Donetsk, và trạm thứ ba ở trước Slaviansk 6 km. Trạm kiểm soát cuối cùng này có vẻ kiên cố hơn cả và có nhiều lính gác hơn hai trạm trước. Lẽ ra, nếu không bạo gan chụp ảnh thì có thể xe chúng tôi cũng đã được cho qua. Đành phải xóa mấy hình ảnh vừa chụp, theo yêu cầu của nhà chức trách!
Anh chàng công an chặn xe của chúng tôi mặc trang phục của đặc nhiệm “Berkut” (có lẽ Bộ Nội vụ chưa phát trang phục mới?) với áo giáp chống đạn và khẩu AK lăm lăm trên tay, nhắc nhở bằng thái độ điềm tĩnh và lịch sự: “Các bạn cần hiểu là không ai được phép chụp ảnh, ghi hình ở các trạm kiểm soát!”. “Thế trong thành phố có được chụp ảnh, ghi hình không?”. “Tôi không biết, các bạn cứ thử xem. Nhưng cũng phải cẩn thận, có thể bị đập máy đấy nhé!”. Lại bắt đầu lo lo.
Sau khi xem qua giấy tờ của chúng tôi, họ cho phép đi tiếp, với lời chúc may mắn. Thành phố Slaviansk hiện ra với tấm biển “Khu nghỉ dưỡng Slaviansk”, bên cạnh là những hồ nước phẳng lặng như gương và hàng đàn thiên nga trắng muốt bơi thong dong trong ánh nắng trong vắt của buổi sáng đầu thu. Cảnh thanh bình quá mức đó khiến chúng tôi bật cười vì… thất vọng! Không hề có bóng dáng của những chiếc xe tăng cháy. Không thấy nhà cửa đổ nát. Không còn những chiến lũy của quân ly khai. Đường xá cũng tương tự như ở các thành phố khác, không thấy dấu vết bị bom đạn cày xới. Không thấy một ai mặc quân phục trong thành phố. Xe buýt, xe điện vẫn chạy. Cửa hàng, cửa hiệu, ngân hàng đều mở cửa bình thường. Người dân vẫn đi làm, trẻ con đi học. Khắp nơi là màu quốc kỳ Ukraine.
Sân chơi của trẻ em ngay cạnh quảng trường
Tượng đài Lenin trước Tòa thị chính Slaviansk
Quảng trường trung tâm thành phố Slaviansk
Đến lúc này, nghĩ lại khi đi trên đường có gặp vài đoàn xe của quân đội Ukraine đi ngược chiều, rõ ràng là cảm giác lúc đó không hề lo sợ, mà ngược lại còn thấy yên tâm. Chỉ có điều bây giờ chúng tôi mới định nghĩa được cụ thể cảm xúc của mình mà thôi.
Những câu chuyện vô đề
Bà giáo già Zoia Petrovna đón chúng tôi trong căn hộ ấm cúng bằng những chiếc hôn nồng nhiệt và dáng vẻ bận rộn của một bà nội trợ. “Trời ơi, sao trên đường đi không gọi điện, làm tôi lo lắng quá! Vừa phải uống một viên rưỡi thuốc an thần đấy”, bà nói. Hóa ra, ngay cả những người sống ở đây cũng không ngờ rằng việc đi lại trên đường lại dễ dàng, xuôn xẻ như vậy.
Một bàn tiệc không thể đầy hơn, có đến mười mấy món ăn, nhanh chóng được bày ra. Ông già chồng bà giáo tay rót rượu, miệng nói: “Không ăn hết là không được về đâu đấy!”. “Vâng, chúng tôi sẽ ở lại ba ngày để ăn hết chỗ này”. “Thật không? Ở lại thật nhé!”. “Không, đùa thôi ạ, phải về mai còn đi làm chứ”. Nói thật, có ở lại ba ngày cũng chưa chắc đã ăn hết. Uổng công bà chuẩn bị, nấu nướng suốt hai ngày, từ khi nhận tin chúng tôi sẽ đến thăm!
Bến xe buýt công cộng, trước đây từng có chiến lũy của quân ly khai
Một hố đạn pháo đã được lấp kín
Biểu ngữ tiếng Ukraine trên cổng công viên văn hóa mang tên Lenin: "Phục sinh truyền thống văn hóa dân tộc!"
Câu chuyện bên bàn ăn chỉ nói về cuộc sống. Chúng tôi cố tình không đả động đến chính trị. Ông bà cho biết, hồi giữa tháng sáu, khi ông bà trở về từ nơi lánh nạn ở ngoại ô Kharkov, cả thành phố Slaviansk chỉ vài nơi có điện và nước. Ông bà đã phải ở nhờ con gái một thời gian, đến khi có điện nước đầy đủ mới về nhà mình. Bây giờ thì ổn rồi, điện, nước, gas đầy đủ, không bị cắt bao giờ. Kính ban công bị vỡ do đạn pháo nổ gần cũng đã được thay mới. May mà nhà cửa không bị ảnh hưởng gì.
Cửa hàng thực phẩm trước đây hàng hóa ít, bây giờ thì đủ cả. Cái gì cũng có, chỉ có điều giá đắt hơn trước (chắc do tiền tệ mất giá?) và không có tiền để mua thôi. “Chúng tôi già rồi, nhu cầu ăn uống cũng không nhiều. Lo là lo mùa đông sắp tới, nghe nói tiền sưởi ấm, khí đốt, điện nước đều tăng, có khi lương hưu chẳng đủ trả tiền dịch vụ dân sinh…”. Câu bộc bạch của bà giáo già đã sang tuổi 75 giống như hòn sạn lẫn trong món khoai tây nghiền vừa đưa vào mồm.
Trên quảng trường trung tâm thành phố có rất nhiều chim bồ câu. Tượng đài Lenin khá lớn vẫn đứng trước Tòa thị chính, với một chiếc khăn quàng hai màu vàng-xanh trên cổ. Rất nhiều trẻ con được người lớn đưa đến đây chơi. Những đôi trai gái nắm tay nhau đi dạo. Khung cảnh bình yên cứ như thể từ trước đến nay vẫn vậy.
Một gia đình từng lánh nạn tại Kharkov, nay đã trở về Slaviansk với cuộc sống bình thường
Một đôi bạn trẻ đi dạo trong công viên
Trên đường, một phụ nữ đi đón con ở trường về nhận ra chúng tôi. “Hồi tháng sáu chúng tôi ở trại Lastochka, các bạn có đến thăm”. À ra vậy. “Thế bây giờ gia đình chị sống thế nào?”. “Tất cả đều ổn. Tất nhiên rồi. Điều quan trọng nhất là không có súng nổ. Chúng tôi chỉ mong được sống bình yên, vậy thôi”.
Bà Nina Victorovna - hàng xóm của bà giáo - xăng xái dẫn chúng tôi đi thăm các nơi xung quanh. Bà kể, khi chiến sự diễn ra ác liệt tại Slaviansk, bà là một trong số những người ít ỏi ở lại trong ngôi nhà chung cư năm tầng suốt từ đầu đến cuối. Bà không thể đi đâu, vì phải chăm sóc người con gái duy nhất 46 tuổi bị bệnh tâm thần và mấy năm nay lại thêm bại liệt. Chồng bà đã mất cách đây vài chục năm. “Không có điện, không có nước, may mà còn gas nên vẫn nấu ăn được”. Phần lớn thời gian của những người ở lại diễn ra dưới tầng hầm ngôi nhà. “Nghe nói cửa hàng không có thực phẩm, thế thì lấy gì mà ăn?”. “Không phải hoàn toàn không có gì đâu, những mặt hàng thiết yếu nhất vẫn có. Cả chợ thực phẩm cũng vẫn hoạt động mà. Được cái bánh mỳ bán ngay đầu nhà, không cần phải đi xa”.
Bà Nina bên rãnh nước từng nuôi sống mẹ con bà và nhiều người dân Slaviansk trong những ngày có chiến sự
Ngay gần chỗ bán bánh mỳ đó trước đây có chiến lũy của quân ly khai dựng chắn ngang trục đường lớn của thành phố, nhưng sau giải phóng nó đã bị dỡ bỏ, cũng nhanh như khi được dựng lên. “Nước bị cắt, vậy bà lấy nước ở đâu để uống và nấu nướng?”. Bà Nina dẫn chúng tôi vào công viên, đến một cái rãnh nhỏ cạn khô và bảo trước đây ở đó có một mạch nước ngầm từ dưới đất trào lên, tất cả người dân đến đây rất đông, xếp hàng lấy nước về ăn uống. “Chẳng hiểu sao giờ nó lại cạn thế này?”. Bà kéo tôi vào Ban quản lý công viên để hỏi, nhưng cửa đóng, không gặp được ai. Nghĩ bụng, thật may là giờ các nhà đã có nước của thành phố, chứ không thì… Hay là ông Trời có mắt thật?
Tàn tích chiến tranh
Sự thực thì chưa phải tất cả đã ổn. Chúng tôi đã được chứng kiến những khung cửa kính bị vỡ chưa được thay. Một ngôi nhà chung cư bị đạn pháo bắn thủng vài mảng tường. Một mái nhà bị sập một mảng. Vài căn hộ không còn ban công. Nhưng nếu không có sự chỉ dẫn của người dân địa phương thì chắc những cảnh đó cũng khó có thể phát hiện được. “Ở trong thành phố bị ảnh hưởng không nhiều, nhưng một số làng vùng ven thì có nhiều nhà bị sập lắm. Đến bây giờ cũng còn nhiều nhà chưa sửa chữa được”, ông Alexandr Tikhonovich, chồng bà giáo cho biết. “Thế là do ai bắn hả ông?”. “Làm sao mà biết được. Không ai biết. Chỉ thấy bom đạn nổ ầm ầm thôi”. “Thế quân ly khai là ai? Thấy bảo có nhiều lính Nga, có đúng vậy không?”. “Tôi không biết. Chịu thôi”.
Nhóm công nhân đang thay đường ống gas
Mái nhà bị sập một mảng chưa kịp sửa
Một mảng tường bị thủng vì đạn pháo
Một ô cửa kính bị vỡ vẫn chưa được thay
Một nhóm công nhân đang thay đường ống gas bị vỡ. Chúng tôi chủ động bắt chuyện. “Sau chiến tranh chắc công việc nhiều lắm?”. “Nhiều. Nhưng mà tiền lương thì không được lĩnh. Chẳng ai có tiền cả…”. “Vậy mà các anh vẫn làm?”. “Thì vẫn phải làm chứ sao. Mùa đông sắp đến rồi, không sửa nhanh thì dân chết rét à”. Câu chuyện bỗng dưng chuyển hướng. “Đấy, cái bọn khủng bố khốn kiếp, bỗng dưng làm mọi người điêu đứng khổ sở. Trước đây, không có chúng nó, mọi việc tốt đẹp biết bao nhiêu”, ột anh công nhân tỏ ra bức xúc. Ngay lập tức, một anh khác kéo tay tôi ra xa. “Đừng nghe nó! Nó ủng hộ bọn Maidan cực hữu, chính chúng nó mới là những kẻ giết người”, anh ta nói và yêu cầu không chụp ảnh. “Tôi ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Tôi không tin chính quyền Kiev”. “Vì sao?”. “Vì họ chỉ mị dân thôi. Họ nói là ở Donbass toàn lính Nga, làm gì có chuyện đó! Tất cả dân quân là người địa phương hết. Họ nói đánh đuổi bọn tài phiệt, nhưng thực chất là tranh giành quyền lợi mà thôi. Hết tài phiệt này đi thì lại có tài phiệt khác lên nắm quyền, có khác gì đâu?”. Nhận thấy anh chàng lúc trước bắt đầu ném về phía người đồng sự những ánh mắt hình viên đạn. Đành phải lấy cớ bận, xin lỗi chúng tôi phải đi đây, không làm mất thời gian của các anh nữa nhé!
Cách đó hai ngôi nhà, một người đàn ông đứng tuổi mặc bộ quần áo bảo hộ lao động bỗng chặn tôi lại. “Cậu là phóng viên à? Người Trung Quốc hả? Tôi có thể kể rất nhiều chuyện đấy”. “Không, tôi là người Việt Nam. Mà cũng chỉ đến đây thăm người quen thôi, không phải phóng viên đâu. Nhưng ông có chuyện gì hay cứ kể đi, tôi thích nghe lắm!”. Hóa ra ông tên là Sasha, thợ điện của cơ quan dân sinh. Một người có vẻ rất nhiệt huyết. “Nếu bọn Nga đến đây, tôi sẽ sống chết với chúng nó! Tất cả do chúng nó gây ra. Bao nhiêu người đã chết ở đây kể từ khi bọn chúng chiếm thành phố - ngày 12 tháng tư, cậu có biết không?”. “Thế vừa rồi có lệnh động viên, sao ông không nhập ngũ?”. “Ai cần tôi? Tôi chỉ là thợ điện thôi, không phải sỹ quan dự bị. Mà cũng 54 tuổi rồi”. Bà Nina đi cùng tôi bỗng xen vào câu chuyện: “Tôi thì chỉ muốn sống bình yên thôi, đừng ai bắn ai nữa thì tốt”. Ông Sasha lập tức nổi xung. “Bà có biết bao nhiêu thanh niên trẻ tuổi bị chết trận không? Chính là vì những con ngốc như bà đấy! Bà sống ở Ukraine, nhận lương hưu của Chính phủ Ukraine cấp, bà phải biết phân biệt tốt-xấu, chính-tà chứ!”. “Nhưng tôi có ủng hộ ly khai đâu?”. “Thế bà làm ngơ để chúng nó muốn làm gì thì làm à? Đồ phản bội!”. Ông quát to, mặt đỏ rần, tay chỉ thẳng vào mặt bà già đã bắt đầu rơm rớm nước mắt, rồi hầm hầm bỏ đi.
Ông Sasha - người thợ điện yêu nước nhưng nóng tính
Vết đạn trên cánh cửa sắt
Có quá nhiều cảm xúc diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Bà Nina chỉ cho tôi vết đạn bắn trên cách cửa sắt của ngôi nhà chung cư. Bà kể, một viên đạn vô tình nào đó đã xuyên qua cánh cửa này, trúng vào đầu người bạn gái đã kết thân với bà hơn 50 năm qua, khiến bà này chết ngay tại chỗ. Bà bảo, lúc đó hai bà vừa đi lấy nước về đến nơi thì nghe tiếng đạn pháo nổ đâu đó không xa. Bà bạn ra hiệu cho ông chồng bị điếc lại dở người đang ngồi ở ngoài đi vào trong nhà. Ông này chưa kịp phản ứng gì, bà vợ lao đến kéo chồng vào, vừa tới cửa nhà thì bà gặp nạn. Xung quanh, trên cửa, trên tường chỉ có đúng một vết đạn duy nhất đó. Đúng là định mệnh. Hay ông Trời ngủ quên? Bà Nina cũng chỉ cho tôi ông chồng của bà bạn xấu số. Trông ông không khác gì một người vô gia cư. Bộ râu dài, tóc tai lởm chởm, quần áo bẩn thỉu, một đôi giày rách và đôi mắt vô hồn. Ba tháng về trước, khi chưa góa bụa, chắc có lẽ ông không đến nỗi như thế này?
“Cầu Chúa cho chúng con được bình yên!”
Trong công viên văn hóa và nghỉ ngơi mang tên Lenin, ở nơi trang trọng nhất, đối diện Tượng đài những chiến sỹ Hồng quân giải phóng Slaviansk (năm 1943), một bia đá mới được dựng lên, với dòng chữ: “Tưởng nhớ những người dân lành ở các thành phố Slaviansk, Nhikolaievka và huyện Slaviansk, đã thiệt mạng trong chiến sự, từ tháng tư đến tháng bảy năm 2014”. Bà Nina bùi ngùi: “Tại sao thời bình lại có chiến tranh? Tại sao con người tự nhiên lại bắn giết lẫn nhau nhỉ?”. Đành cố gắng động não, lựa lời động viên: “Hy vọng là những gì tồi tệ nhất đã qua rồi, sẽ không lặp lại nữa đâu. Rồi cuộc sống sẽ bình yên thôi. Người Ukraine cơ bản rất tốt, rất nhân hậu…”. “Nhưng tôi là người Nga”. Ngại quá. “Thì người Ukraine với người Nga đều tốt, đều là anh em cả mà. Chẳng qua là do ai đó bị nhầm lẫn một chút thôi”. “Ừ thì cũng hy vọng như vậy. Cầu Chúa cho chúng con được bình yên!”.
Bia tưởng niệm các nạn nhân mới được dựng lên trong công viên
Đối diện là Tượng đài những người giải phóng Slavians
Ba tháng trời, nơi đây đã từng là điểm nóng nhất của cuộc chiến Donbass. Hai tháng sau, nhờ nỗ lực của chính quyền và người dân, hầu như những dấu vết của cuộc chiến đó đã không còn. Nhưng ước gì những dấu vết trong lòng người cũng có thể xóa bỏ nhanh như vậy…
(Theo Tuần tin quê hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.