Thế kiềng 3 chân ở Đông Á có thành hay không?

Chủ nhật, ngày 30/11/2014 19:00 PM (GMT+7)
Bộ Ngoại giao Nhật Bản hoan nghênh phản ứng tích cực của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đối với đề xuất đối thoại 3 bên (Trung - Nhật - Hàn)  của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Bình luận 0


img

Ông Abe đề nghị nối lại các cuộc họp thượng đỉnh ba bên Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Cuộc họp ba bên gần đây nhất diễn ra hơn hai năm trước vào tháng 5 năm 2012 tại Bắc Kinh. Kể từ đó, mối quan hệ của Nhật Bản với hai nước láng giềng đã xấu đi đáng kể trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ và thái độ tiêu cực của Seoul và Bắc Kinh đến quá khứ quân phiệt của Tokyo.

Trong điều kiện này, Tokyo hài lòng với việc Seoul đã có hưởng ứng tích cực với đề xuất của Thủ tướng Abe. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng, Hàn Quốc sẽ thực hiện những bước đi theo hướng này".

Song, không nên chờ đợi rằng, cuộc họp của các nhà lãnh đạo ba nước, nếu nó diễn ra, sẽ kết thúc với việc thông qua các quyết định có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu vực Đông Á. Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông

Konstantin Asmolov cho biết: “Hiện nay, quan hệ giữa ba quốc gia này không phải là tốt nhất. Và đề xuất nối lại các cuộc họp ba bên cho thấy rằng, các quốc gia đó sẵn sàng thực hiện những bước đi cụ thể để nối lại đối thoại.

Tuy nhiên, nếu cuộc gặp này được tổ chức thì nó sẽ mang tính hình thức, và sau đó các bên nên thực hiện những bước đi cụ thể để cải thiện quan hệ. Trong khi thỏa thuận về việc nối lại các cuộc họp thượng đỉnh ba bên chỉ là một đề xuất, nên suy nghĩ về cách thực hiện sáng kiến này. Quan điểm của các quốc gia liên quan về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản có sự khác biệt quá nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này phải có công tác chuẩn bị lớn và lâu dài”.

Theo Bắc Kinh, Tokyo cần phải tạo ra bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh ba bên với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei. Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh rất coi trọng việc phát triển quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản, và hy vọng rằng, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ quá trình thiết lập quan hệ thân thiện với các nước láng giềng. Xin nhắc lại rằng, ở Bắc Kinh, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Trung Quốc đã có cuộc gặp đầu tiên kể từ tháng 12 năm 2011.

Một yếu tố gây phản ứng tiêu cực từ phía Seoul và Bắc Kinh là Thủ tướng Nhật Bản và các thành viên nội các bộ trưởng đến thăm ngôi đền Yasukuni. Ở châu Á, đền Yasukuni là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt, và các chuyến đi như vậy gây sự phẫn nộ lớn nhất ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov nói: “Điều này đã dẫn đến việc, Nhật Bản trên thực tế đang bị cô lập ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và phải tập trung nỗ lực tối đa để vượt khỏi tình trạng này. Tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh ở cấp độ bộ trưởng ngoại giao trước cuộc gặp đầu tiên trong những năm gần đây giữa ông Tập Cận Bình và ông Abe, Tokyo đã cho thấy rõ rằng, họ nhận thức được về những tín hiệu phát ra từ Bắc Kinh. Chắc là, ông Abe và các thành viên nội các bộ trưởng sẽ kiềm chế không đến thăm ngôi đền Yasukuni”.

Có thể giả định rằng, bản thân việc chuẩn bị cho cuộc gặp ba bên giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có thể giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
(Theo Đài Tiếng nói nước Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem