Thể thao Việt thêm nhiều lần vinh danh phái đẹp

Thứ bảy, ngày 05/02/2011 07:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu không có các cô gái, TTVN sẽ còn tụt xuống rất sâu trong bảng xếp hạng tại ASIAD 16.
Bình luận 0
 img
Đô vật Nguyễn Thị Lụa.

Những tượng đài bằng nước mắt

Nhiều lần tôi cứ tự hỏi: Những tượng đài kỳ vĩ ghi dấu ấn bao chiến thắng nhằm gìn giữ nền độc lập trên dải đất hình chữ S, được dựng lên bởi xương máu của những người đàn ông, hay bằng những giọt nước mắt chảy suốt ngàn đời của những người phụ nữ Việt?

img Không phải biện bạch nhưng trường hợp của Hương, chúng tôi đã tạo mọi điều kiện, thậm chí cho phép Hương chọn bất cứ nước nào để tập huấn, cho chọn thầy để tập. Hương không đi tập huấn nước ngoài, không có thầy ngoại là lựa chọn của Hương. img

Ông Lê Quý Phượng - Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 16.

Và trong cuộc tranh tài thời bình! Tất cả những VĐV nữ giành vinh quang tại đại hội này đều đã khóc. Nhưng chỉ rất ít người biết đó không chỉ là những giọt nước nước mắt vui sướng. Ba bà mẹ của đội bắn súng nữ sau khi giành HCB ôm nhau khóc vì nhớ con.

Những đứa con bé bỏng đã không biết đến hơi mẹ nhiều tháng liền. Bích Phương khóc khi đeo tấm HCV vì thương cha mẹ ở quê nghèo tần tảo mà có lần như ông Lê Văn Vang (bố của Phương) kể: "Phải vay mượn từng trăm nghìn bạc để đóng tiền học cho con"…

Đoạt một HCV, 11 HCB trong khi nam giới chỉ có 6 HCB, các nữ VĐV Việt Nam thực sự đã làm cả ASIAD phải nhìn VN, nhìn TTVN và nhìn phụ nữ VN bằng một con mắt kính nể.

Một kỳ ASIAD thảm bại của TTVN nhưng là một kỳ Á vận hội mà các nữ VĐV của ta lần đầu tiên làm được những chuyện "kinh thiên động địa". Chiếc HCV của Bích Phương không chỉ là chiến tích cao nhất, mà nó còn khiến một dân tộc thay đổi cách nhìn với một dân tộc khác. Karatedo là của người Nhật và họ sử dụng karatedo xuất sắc nhất.

Đó là điều mà cả thế giới phải buộc lòng công nhận. Nhật Bản đã nhiều năm "rắc thính" - đó là cách nói bỗ bã khi người ta "nhường" cho nước khác một vài tấm huy chương ở môn thể thao sở trường của mình tại ASIAD (ta cũng có được vài huy chương vào thời điểm đó). Nhật Bản buộc phải làm thế để "nhân rộng mô hình" nhằm gây sức ép buộc Ủy ban Olympic quốc tế đồng ý đưa môn này vào nội dung thi đấu.

Bây giờ, khi karatedo đã có chỗ đứng vững chắc tại Thế vận hội (tháng 8 - 2009, Ủy ban Olympic (IOC) đã quyết định đưa karatedo vào thi đấu chính thức bắt đầu từ Olympic 2016), Nhật Bản tuyên bố sẽ chính thức lấy lại vị trí độc tôn của mình ở môn thể thao này. Vì thế, ASIAD này không có chỗ cho các nền thể thao khác tìm kiếm huy chương ở môn karatedo.

Cách đây một năm, tôi đã mơ đến một cuộc "lật đổ" trong bộ môn thi đấu này, lúc ấy cả châu Á, cả thế giới sẽ phải kính phục Việt Nam với tư cách của một chàng David chiến thắng tên khổng lồ. Nhưng lúc đó tôi không nghĩ đến Phương sẽ làm được chuyện ấy, đúng hơn là không biết Phương là ai. Lần ấy ở Viêng Chăn (Lào)?khi nói chuyện với Nguyễn Hoàng Ngân, lúc này đang là "Nữ hoàng karatedo" của Việt Nam, Ngân cho biết, việc cô du học tại Nhật Bản, tiếp xúc với môn võ trên chính đất tổ của nó là để ấp ủ cuộc "lật đổ vĩ đại" ấy.

Rồi trước ASIAD, niềm hy vọng ấy vỡ nát khi Ngân bị chấn thương. Lại rất nhiều giọt nước mắt của hy vọng vàng số một Việt Nam phải rơi vì khát vọng vàng không thỏa. Nói thật ra, với người lạc quan nhất cùng lắm là ta chỉ có thể đối đầu với Nhật ở nội dung biểu diễn, nếu như Ngân còn thi đấu. Nội dung đối kháng, có mơ ta cũng không dám nghĩ về một chiến thắng trước hậu duệ của những "Ninja" huyền thoại, sử dụng karatedo như một thứ vũ khí giết người nhanh như chớp.

Cạnh tranh ngôi nữ hoàng châu Á

Rồi đến khi Phương "lầm lũi" vào đến chung kết, gặp vô địch thế giới K.Miki. Người hâm mộ, PV Việt Nam, đoàn TTVN đã rất mừng, nhưng mừng với một ý nghĩa khác: "May quá! Mới 18 tuổi đã có cơ hội so tài với vô địch thế giới. Sẽ là cơ hội học hỏi rất lớn đây". Nhưng niềm vui vỡ òa sau trận đấu, kẻ phải đi học hỏi lại chính là nhà vô địch thế giới kia.

Xóa tan nguy cơ về một ASIAD không có HCV bằng một chiến thắng "không tưởng" nhất. Lê Bích Phương - cô gái quê đã mang vinh quang về cho đất nước và cho cả ngôi làng nông thôn bình dị của mình: Làng Lở (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Từ nay, làng Lở sẽ chính thức có tên trên bản đồ thể thao nước nhà nhờ một cô gái.

Từ bây giờ, cả Việt Nam sẽ chờ đợi một chiến tích "kinh thiên động địa" nữa của Phương tại Olympic 2016. Lúc đó, Phương mới ở tuổi 24 và khi đã chiến thắng nhà VĐTG thì không còn chuyện gì là không thể cả.

"Việt Nam cạnh tranh ngôi vị nữ hoàng châu Á". Đã có ai dám mơ điều ấy chưa? Vị trí của TTVN ở đâu mà lại "nảy nòi" ra ước mơ nhiêu khê thế? Vậy mà 3 lần ở ASIAD này, chúng ta suýt làm được điều ấy. HCV môn chạy điền kinh là niềm mơ ước cao nhất của bất cứ nền thể thao nào trên thế giới, người ta gọi nó là môn thể thao Nữ hoàng.

 img
 Bắn súng nữ

Trung Quốc năm nay dù có một núi huy chương, nhưng cả nước vẫn phập phồng theo dõi từng bước chạy của Lưu Tường - VĐV điền kinh, người được coi là hình mẫu tiêu biểu nhất cho thể thao Trung Quốc. Ở Olympic, ngay cả nước Mỹ hùng mạnh cũng phải "muối mặt" đi nhập khẩu VĐV để thỏa mãn ước mơ có từ Athen (Hy Lạp) ngàn năm trước.

Và ngôi vị nữ hoàng của Trương Thanh Hằng đã bị lấy đi một cách tức tưởi vì chuyện "tiền đè chết người" ấy. Hằng chỉ thua trước VĐV nhập khẩu người gốc Etopia thi đấu cho đội Qata (nội dung 1.500m). Vì vậy, xét về mặt con người thì Hằng chính là người châu Á chạy nhanh nhất châu lục, là nữ hoàng của môn thể thao nữ hoàng.

Cái sự "suýt" trở thành nữ hoàng của Vũ Thị Hương thì có phần ngậm ngùi hơn. Khi Hương đoạt HCB (nội dung 200m), nhiều người trên sân thi đấu điền kinh Aoti đã rất tiếc rẻ cho Hương. Hương xuất phát rất chậm, thậm chí là chậm nhất trong số các VĐV, tuy nhiên khi cán đích, cô chỉ kém VĐV đoạt HCV người Nhật 0,12 giây (thành tích tốt nhất của Hương ở nội dung này, thậm chí còn hơn thành tích đoạt HCV người Nhật kia 0,32 giây). Sau này, ông Nguyễn Đình Minh - HLV của Hương cho biết: Do ít được thi đấu cọ xát nên tâm lý của Hương kém, sợ phạm quy nên xuất phát muộn cho "chắc ăn". Giá như có thêm sự đầu tư cho Hương chút nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Tất nhiên không thể mang chữ "giá như" đi để giành HCV, nhưng hãy yên tâm. Khi nào còn có những cô gái thi đấu, thì trước "bàn dân thiên hạ", thể thao Việt Nam cũng không đến nỗi bị muối mặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem