Theo luật FIFA, trọng tài Oman có đúng khi từ chối bàn thắng của Bùi Tiến Dũng?

Tùng Lâm (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 22/11/2019 07:10 AM (GMT+7)
Trong một khoảnh khắc chớp nhoáng và buộc phải đưa ra quyết định sớm, trọng tài Ahmed Al-Kaf đã có pha xử lý gây tranh cãi cực lớn.
Bình luận 0

Một trong những điểm nhấn ở trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan đó là công tác trọng tài. Cụ thể là ở tình huống từ chối bàn thắng của Bùi Tiến Dũng ở phút 28.

Trước hết, cần phải khẳng định rằng đã từng có sự ưu tiên dành cho các thủ môn trong vòng 5m50. Theo điều luật số 12 của FIFA: tất cả các trường hợp va chạm với thủ môn trong khu vực này đều bị thổi phạt, ngoại trừ:

img

Trọng tài Ahmed Al-Kaf lý giải quyết định từ chối bàn thắng với Đoàn Văn Hậu.

- Khi thủ môn đang giữ bóng

- Khi thủ môn đang cản trở đối phương (cầu thủ va chạm)

- Khi thủ môn đã đi ra khỏi khu vực khung thành của mình

Tuy nhiên, đây là bộ luật được ban hành từ năm 1994. Đến mùa giải 2013-14, những điều bị tính là "một sự tấn công đối với các thủ môn" chỉ bao gồm trường hợp: “Ngăn cản thủ môn di chuyển bằng một sự cản trở không công bằng, ví dụ: ở quả phạt góc”.

Sang đến bộ luật mới nhất của FIFA, không còn một đề mục riêng cho những tình huống va chạm kể trên, mà gộp vào những tình huống dẫn đến quả đá phạt.

Như vậy, sự thay đổi của các bộ luật qua từng năm đã vô hình chung gây ra một thứ được gọi là “thói quen” cho các trọng tài. Dễ dàng nhận thấy ở đa số các trận đấu, nếu cầu thủ va chạm khi tranh chấp bóng bổng với thủ môn trong khu vực 5m50, các vị vua áo đen luôn tỏ ra ưu ái cho các thủ môn.

Nhìn kỹ tình huống ăn mừng hụt của Bùi Tiến Dũng, ta thấy rằng cả Đoàn Văn Hậu và Kawin Thamsatchanan đều đã phán đoán sai điểm rơi của bóng. Hay nói cách khác, cả hai đã chọn sai vị trí để đánh đầu hoặc bắt bóng.

Việc thủ môn lao ra để cản phá phạt góc là điều bình thường, nhưng quán tính cơ thể của Văn Hậu khi lao vào đánh đầu đã vô tình gây nên pha va chạm với Kawin. Một trong những yếu tố để cho rằng đó là một pha phạm lỗi chính là cái cùi chỏ của hậu vệ mang áo số 5 (vốn được kê sát vào mặt đối thủ). Đây chính là điểm nhấn quan trọng khiến ông Ahmed Al-Kaf có lý do để cắt còi.

Trước đó, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra ở bàn thắng mở tỷ số của Pape Omar Faye tại trận bán kết Cúp Quốc gia 2019 vừa qua giữa Hà Nội FC và CLB TP.HCM.

Trước khi chân sút người Senegal chọc thủng lưới đối thủ, hậu vệ Nguyễn Văn Dũng đã có pha bật cao tranh bóng và va chạm với Thanh Thắng, song trọng tài Nguyễn Đình Thái đã không cắt còi vì cho rằng, hậu vệ chủ nhà đã bật nhảy trước còn thủ môn đội khách là người lao đến chậm hơn.

Đại đa số kết quả của các tình huống như vậy đều sẽ phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của trọng tài chính.

Về tình, nhiều khán giả Việt Nam sẽ cho rằng đây là một pha băng ra cố tình va chạm với Văn Hậu của Kawin, hòng nhận được sự ưu ái từ trọng tài chính.

Nhưng về lý, chúng ta khó có thể trách móc ông Al-Kaf, bởi trọng tài người Oman buộc phải đưa ra quyết định trong một khoảnh khắc chớp nhoáng và hoàn toàn không có công nghệ VAR hay sự giúp đỡ từ tổ trọng tài điều hành theo kèm.

Tình huống này, đúng hay sai, quả thực chỉ cách nhau trong một khoảnh khắc suy nghĩ từ người cầm cân nảy mực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem