|
Sông Isar ở TP Munich. Ảnh: Jim Russell |
Thành phố Melbourne - Úc, nơi tôi học tập và làm việc trong 5 năm, có con sông Yarra êm đềm và hiền hòa. Những chiều thu, mặt trời buông bức màn hoàng hôn thon thả xuống mặt nước. Sau giờ làm việc, những chàng trai, cô gái quẳng hết lo âu vào những bước chạy và đi bộ khỏe khoắn.
Những ông bố, bà mẹ vừa đẩy nôi, vừa địu con nhỏ bên mình, lại vừa thể dục. Thả bộ hai bên sông, tôi cũng được nghe những lời chào thân thiện: "G'day, mate!" của những người bạn đang ngồi trên thảm cỏ uống bia hoặc ăn pic-nic.
Trên sông luôn diễn ra những lễ hội dưới nước của các dân tộc. Một trong những lễ hội luôn được đông đảo người xem háo hức đón chờ là lễ hội đua thuyền rồng truyền thống của người Trung Quốc.
Bất cứ khi nào có dịp ghé qua TP.Munich, tôi đều dành một ngày đến thăm công viên Vườn Anh Quốc (Englischer Garten), nằm sát trung tâm thành phố. Trong công viên rộng 3,7km2 này có một hệ thống sông và suối nhân tạo dài 8,75km.
Bên dòng nước trong vắt, có thể nhìn thấy đàn cá nhỏ bơi lội là phong cách sống tự do của người Đức: Vào những ngày nắng đẹp, kể cả mùa đông, rất nhiều người đến tắm nắng quanh sông và thoải mái... "nuy" trước mọi người.
Những ngày mùa thu, khi tôi run lập cập trong chiếc áo khoác, thật bất ngờ khi thấy họ tung tăng đồ bơi, ùa xuống nước thỏa sức vẫy vùng.
|
Sông Isar ở TP Munich. Ảnh: Jim Russell |
Khác với Úc và Đức, văn hóa sống dọc theo con sông Wang Chhu chảy qua thành phố Thimphu của vương quốc Bhutan bé nhỏ và xinh đẹp hoàn toàn khác biệt. Nằm cạnh Tây Tạng và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Phật giáo, người Bhutan tuân thủ nguyên tắc không sát sinh. Vì thế cá tha hồ sinh sôi ở các dòng sông, con suối.
Trong thời gian đến Bhutan, tôi đã tìm gặp người Việt duy nhất đang sống ở đây - anh Long. Được mệnh danh là người câu cá giỏi nhất Bhutan nhưng anh Long vui vẻ kể rằng anh mới bắt đầu câu cá cách đây 2 năm. Mỗi lần câu, anh bắt được rất nhiều cá hồi to từ con sông Wang Chhu, có con nặng đến 5kg, chế biến đủ các món mà vẫn còn rất nhiều để tặng bạn bè.
Nghi lễ hỏa thiêu của người Hindu trên sông dù khủng khiếp đối với người quan sát, nhưng nó lại cần thiết theo tín ngưỡng Hindu. Người dân tin rằng, lửa và nước sẽ thanh tẩy người chết, và giúp linh hồn họ siêu thoát, không còn phải vướng bận với thân thể và thế giới xung quanh.
Một trong những kỷ niệm cùng sông mà tôi không thể nào quên là cảnh tượng hỏa thiêu bên sông Bagmati, tại Thủ đô Kathmandu, Nepal. Đối với người Nepal, sông Bagmati thiêng liêng như sông Hằng tại Ấn Độ và Pashupatinath là nơi hỏa thiêu những người đã mất.
Gần như ngày nào cũng có vài cuộc hỏa thiêu trước đền, bên bờ sông thiêng. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, tôi không khỏi rợn người khi chứng kiến cảnh hỏa thiêu: Thân thể một người phụ nữ đã chết được đưa khỏi quan tài lên một giàn hỏa thiêu khá đơn giản và tồi tàn trên sông.
Hoa được rải trên người bà và một số nghi lễ được thực hiện. Sau đó, người chồng đau khổ của bà đi quanh bà ba vòng, rồi người ta châm lửa. Thân người chết cong lên và khói bốc lên khét lẹt.
Những ngày sống ở Dhaka - Bangladesh, mỗi khi mùa mưa đến, tôi lại cùng gia đình đi thuyền theo sông Buriganga để đến những ngôi làng nhỏ xung quanh ngoại ô thành phố. Cũng như ở Việt Nam, nhiều người Bangladesh sống phụ thuộc vào những dòng sông.
Họ tắm gội, giặt giũ, vo gạo, rửa rau, chài lưới... trên cùng dòng sông. Đó cũng là nguồn sống và nguồn hủy diệt: Lũ lụt và mực nước sông dâng cao thường xuyên cướp đi nhiều mạng người, có năm đẩy hàng vạn người vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng bên những dòng sông đó, tôi đã thấy những đứa trẻ ngây thơ lặn ngụp, và hàng tre của một đất nước xa xôi, êm đềm tỏa bóng xuống nước.
Tôi chợt nhớ quê hương thắt lòng, nghe thoảng những lời thiết tha mà Tế Hanh đã viết: Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre…
Nguyễn Phan Quế Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.