Sự kiện Danny Van Bakel tiết lộ những thông tin thú vị về 8 năm chơi ở V.League cho báo giới Hà Lan đang gây xôn xao dư luận Việt Nam. Có những điều nhiều người đã biết, nhưng cũng không ít chưa từng được công bố.
Vậy những ngoại binh nước ngoài đang hoặc từng chơi bóng ở V.League, họ đã nói gì với truyền thông quê nhà, và giải đấu - đất nước của chúng ta hiện lên như thế nào trong mắt họ?
Nastja Ceh "update" thông tin về Việt Nam cho người Slovenia
Sau khi rời Thanh Hóa, Nastja Ceh trở lại Slovenia và lập tức có bài trả lời phỏng vấn khá chi tiết với SioINET. Điểm nhấn đáng chú ý trong bài là đoạn mô tả về quá trình tập luyện ở đội bóng cũ:
"Họ tập luyện hai buổi một ngày, không nghỉ. Nhiều người không thể chịu được vì trời quá nóng. Vào mùa Hè, chúng tôi thường ra sân lúc 16 hoặc 17h. Lần nọ, tôi để nhiệt kế dưới ánh mặt trời, và nó đã báo 52 độ!".
"Ngay trước trận đấu, độ ẩm trong không khí cũng gần như ở mức 100%. Thật không dễ chút nào cho các cầu thủ. Nhưng khi đã quen thì không vấn đề gì. Những người mới đến từ châu Âu sẽ không thể bước nổi. Bạn cứ ở đó, cái đầu thì muốn di chuyển, nhưng toàn thân thì không".
Cựu tuyển thủ CH Czech cũng "xác thực" về cuộc sống của Việt Nam với người dân Slovenia.
"Việt Nam đang chiến tranh ư? Thôi nào, làm ơn đi! Đất nước này đang được rất nhiều khách du lịch ghé thăm hàng năm. Du lịch là ngành phát triển ở Việt Nam, bóng đá cũng vậy".
"Họ có một giải VĐQG. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng không tốt lắm vì người ta không đầu tư nhiều vào nó. Mô hình quản lý nhà nước cũng tương tự như Slovenia 20-30 năm trước, mang tính xã hội chủ nghĩa".
Thần tượng một thời của CLB Thanh Hóa một thời cũng tiết lộ, ở Việt Nam, anh được trả lương đầy đủ và đúng thời hạn. Và đây chính là khác biệt so với thời gian Ceh còn thi đấu ở Indonesia.
Loris Arnaud: Hà Nội và Thanh Hóa đủ sức đá... Ligue 2
Cựu tiền đạo PSG không ngần ngại nói thẳng điều này trong cuộc trao đổi với Football Stories vào tháng 10/2017:
"Thật lòng thì chơi bóng tại V.League vẫn tốt hơn so với Ligue 2. Tôi đã thắng một số danh hiệu cùng Hà Nội FC. Đó là điều đã không xảy ra tại đội bóng cũ. Chưa kể khoản lương mà họ dành cho ngoại binh cũng hấp dẫn hơn nhiều lần so với Ligue 2 hoặc National".
Hai năm gắn bó tại V.League giúp Loris Arnaud có cái nhìn tổng quan về bóng đá nơi đây. Anh đưa ra nhận định đầy tích cực:
"Tôi sẽ không nói dối các bạn đâu. Đẳng cấp ở đây phải ngang ngửa National của Pháp. Hai đội dẫn đầu là Hà Nội FC và Thanh Hóa có thể tranh tài ở Ligue 2. Còn những đội thuộc nhóm cuối bảng sẽ đá tại CFA".
Chaher Zarour: Khánh Hòa như đội bóng ở giải hạng 4 Pháp
Chaher Zarour là một trong những ngoại binh thành công nhất ở V.League. Năm 2016, ngay mùa đầu tiên đến Khánh Hòa, anh đã khẳng định với Le Parisien:
"Tôi không hề hối hận khi đến Việt Nam".
"Khánh Hòa chỉ vừa thăng hạng 2 năm trước. Họ không phải là đội bóng lớn. Sân vận động có sức chứa hơn 10.000 chỗ, và mỗi trận có khoảng 5.000 người đến. Trình độ ở đây có thể ngang ngửa một CLB tại CFA (Championnat de France Amateur – tức hạng 4 Pháp)".
"Tại Việt Nam, mỗi đội bóng chỉ được sử dụng hai ngoại binh, do vậy chúng tôi không được phép mắc sai lầm. Mọi người đều biết tôi từng chơi ở Ligue 1 và có bề dày kinh nghiệm chinh chiến, thế nên họ rất kỳ vọng. Đội bóng còn non trẻ, và cần một trung vệ như tôi để dựa vào".
"Tôi nhận được mức lương tốt (khoảng 5.000 Euro). Cuộc sống ở đây đơn giản, dễ chịu. Mọi người đều thân thiện, tốt bụng. Tôi cố gắng học một vài chữ tiếng Việt nhưng chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh".
"Nha Trang là thành phố du lịch thế nên có rất nhiều nhà hàng để lựa chọn. Sự nghèo khó có thể có ở đâu đó nhưng ở đây, mọi người luôn mỉm cười hạnh phúc. Tôi có thể ăn mọi thứ (bao gồm cả cơm), dù rằng vài trong số đó có khẩu vị khá cay".
Youssouf Toure kể về tình yêu bóng đá của người Việt
Trước khi đến Việt Nam giữa mùa giải 2017, Youssouf Toure chơi ở National Championnat (hạng 3 Pháp). Đội bóng của anh khi đó vừa xuống hạng, và tiền đạo này quyết định tìm thử thách mới.
Tại Việt Nam, Toure gia nhập Sanna Khánh Hòa BVN và nhanh chóng khẳng định năng lực. 12 tháng kế tiếp là quãng thời gian đáng nhớ. Anh trở thành đầu tàu ở CLB cả về chuyên môn lẫn tinh thần.
Trong cuộc trò chuyện với La Roulette Russe tháng 5/2018, cựu tiền đạo Lille đã chia sẻ những cảm xúc hài lòng về cuộc sống ở thành phố Biển, đồng thời không quên giới thiệu bóng đá Việt đến với độc giả quê nhà:
"Bóng đá Việt Nam đang có một lứa cầu thủ trẻ chất lượng. Trong khoảng 8-10 năm tới, chúng ta sẽ bắt đầu nghe đến đội tuyển của họ nhiều hơn trên đấu trường quốc tế".
"Các chuyên gia người Đức đang làm việc tại đây. Sự hợp tác này đã bắt đầu cho ra quả ngọt. Tại giải U23 châu Á đầu năm, U23 Việt Nam đã vào tới trận chung kết. Đó là giải đấu lịch sử".
"Bạn sẽ không thể tượng tượng được những đêm ăn mừng "điên rồ" khi đó. Nó đã xảy ra ở khắp đường phố tại xứ sở này".
Theo Toure, nhiệm vụ của cầu thủ ngoại khi đến V.League không chỉ dừng ở việc chơi bóng. "Những ngoại binh như chúng tôi có vai trò, trách nhiệm rất lớn khi thi đấu tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ truyền đạt lại các kinh nghiệm thi đấu của mình cho các cầu thủ trẻ".
Victor Nirennold khen CLB Việt Nam trả lương tốt, cầu thủ chơi kỹ thuật
Victor Nirennold là một trường hợp đặc biệt trong giới ngoại binh. Thuở nhỏ, anh chỉ thi đấu nghiệp dư cùng bạn bè. Mãi sau này, khi sang Mỹ du học, tài năng của Victor mới được phát hiện.
Một cựu cầu thủ đã thuyết phục anh chuyển sang chơi chuyên nghiệp ở tuổi 24. Trước khi gia nhập SHB Đà Nẵng, hậu vệ này từng khoác áo Fleetwood Town (Anh) và Senica (Slovenia).
Sau những trải nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, anh đã chia sẻ suy nghĩ với Globall Foot:
"V.League có một trình độ tốt. Các cầu thủ ở đây rất khéo, và giải đấu cũng đậm chất kỹ thuật. Nó cũng ít nặng tính thể lực hơn so với những gì tôi đã thấy ở Anh hay Slovenia".
"Tôi muốn thăng tiến hơn về sự nghiệp, chơi hết mình trong từng trận và tận hưởng thành quả. Tôi sẽ cố gắng ở lại châu Á".
"Về tài chính, đội bóng cũng trả lương rất tốt. Lúc này, tôi chỉ nghĩ về một mùa giải thành công. Nó sẽ gầy dựng tên tuổi cho tôi tại Đà Nẵng, hoặc một đội bóng khác ở đây nếu có thể".
Ngoài bóng đá, theo tiết lộ, Victor Nirennold còn sáng lập một công ty chuyên sản xuất video highlights phục vụ giới cầu thủ. Kinh doanh cũng là chuyên ngành anh theo học hồi còn ở Mỹ.
Alvaro Silva: Đến Hà Nội đá bóng và… kinh doanh
Sau hai mùa giải ở Hàn Quốc, Alvaro Silva tìm kiếm thử thách mới cho sự nghiệp bằng việc chuyển đến V.League khoác áo Hà Nội FC năm 2017. Anh chia sẻ trên Marbella 24horas:
"Tôi đang rất hạnh phúc. Tôi đã ở Hà Nội được 9 tháng, cả tôi và gia đình đều hòa nhập rất tốt với văn hóa và sự năng động của thành phố. Trong bóng đá, mọi chuyện cũng tiến triển tốt đẹp".
Cầu thủ này cũng tiết lộ mình và vợ đã mở một đại lý du lịch mang tên VXA Travel tại Hà Nội. Anh mong muốn giới thiệu Việt Nam và các nước Đông Nam Á đến với khách nước ngoài nhiều hơn nữa.
Sau bài phỏng vấn này, Alvaro Silva chỉ thi đấu cho Hà Nội FC thêm một vài tháng rồi rời đi. Điểm đến kế tiếp của anh là Kedah ở Malaysia.
Jean-Eudes Maurice ngạc nhiên với trình độ của V.League
Cựu tiền đạo PSG cập bến Sài Gòn FC đầu mùa giải 2016. Dù vậy, cuộc thử sức này chỉ kéo dài chưa đầy 5 tháng. Trong đó, cầu thủ người Haiti chỉ chơi vỏn vẹn 7 trận, và góp đúng 2 bàn.
Trở về quê nhà, Maurice chia sẻ với Paris Team: "Mọi người đều nghĩ tôi đến đó vì tiền… Nhưng xét trên khía cạnh thể thao, tôi thực sự đã rất ngạc nhiên với trình độ thi đấu tại V.League. Các đội bóng ở đó có lẽ ngang ngửa với nhóm dưới của Ligue 2".
Nói về việc phải rời đi sớm, anh cho hay: "Sau Copa America 2016, tôi đã dính một chấn thương. Chúng tôi không thể biết rõ khi nào thì nó sẽ hồi phục, và đôi bên đã thống nhất đi đến quyết định thanh lý hợp đồng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.