Cụ thể: đăng ký theo mã ngành; được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng; được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên Hệ thống, thí sinh chỉ cần chọn ngành đào tạo mà mình yêu thích. Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7. Thí sinh cần theo dõi thông tin trên website của các trường đại học để có thể biết được kết quả xét tuyển sớm.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, các khâu trong quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện trực tuyến như: đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; cung cấp những minh chứng, thông tin về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên; đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học; nộp lệ phí xét tuyển và cuối cùng là xác nhận nhập học.
Thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng đã trúng tuyển khi tham gia xét tuyển sớm lên hệ thống. Nếu không đăng ký, đồng nghĩa với việc từ chối cơ hội trúng tuyển này.
Năm nay, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT tiếp tục được hoàn thiện, cập nhật nhằm giảm thiểu sai sót. Đồng thời giải quyết những vướng mắc tồn tại ở những năm trước.
Trao đổi về việc chọn ngành, chọn trường, TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) – tư vấn, quan trọng nhất, thí sinh cần xem năng lực của mình đến đâu, nhu cầu xã hội về ngành nghề đó thế nào và cuối cùng là thu nhập.
“Yếu tố quan trọng nhất là mình yêu thích gì. Làm thế nào để biết mình yêu thích ngành nghề nào? Theo đó, thí sinh có thể dùng phương pháp xét nghiệm tính cách, hỏi chuyên gia, tư vấn qua truyền hình để có thêm thông tin. Từ đó, phân tích tổng hợp và đưa ra quyết định cuối cùng” - TS Nguyễn Quang Thuận nhấn mạnh.
Không nên bỏ qua những trường trẻ
Với kinh nghiệm gần 30 năm giảng dạy, PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển – khuyến cáo, thí sinh nên chọn ngành trước. Trước hết, các em phải xác định xem mình muốn trở thành người như thế nào, muốn làm công việc gì và chọn ngành nào để sau này có thể làm được việc đó.
Sau đó, các em mới chọn trường. Khi đã chọn được ngành yêu thích, hãy cân nhắc giữa các trường dựa trên sở thích; tìm hiểu về chương trình đào tạo, xem trường nào đào tạo tốt ngành mà chúng ta đã chọn.
Theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên, ngôi trường có bề dày kinh nghiệm, có thương hiệu sẽ là điểm đến hấp dẫn với thí sinh. Tuy nhiên, các em không nên bỏ qua những trường trẻ; bởi thế mạnh của những trường này là sức trẻ.
“Sức trẻ thì rất nhanh để đổi mới, cập nhật những xu thế mới vào chương trình đào tạo. Thực tế, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường mới nổi trong một vài năm gần đây, nhưng đã tạo ra sự thu hút rất lớn.
Do đó, thay vì chỉ nhìn vào cái tên, biển hiệu, thì khi chọn ngành, chọn trường, thí sinh nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ về thế mạnh của trường đó là gì rồi lựa chọn” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên nói.
Khuyến cáo thí sinh tìm hiểu kĩ về hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và cơ sở đào tạo, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa – chia sẻ, các em có thể lựa chọn theo thứ tự ưu tiên. Mặc dù, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển nhưng các em nên lựa chọn nguyện vọng phù hợp nhất với khả năng của bản thân.
Năm nay, thí sinh có 20 ngày để có thể lựa chọn, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Do đó, các em cần kiểm tra kỹ càng, cân nhắc cẩn thận trước khi “chốt”. Có như vậy mới hạn chế được những rủi ro tối thiểu cho các em.
Đến nay có khoảng 200 cơ sở đào tạo đại học trên cả nước thông báo phương thức xét tuyển. Trong số này, có hơn 160 trường xét học bạ. Hơn 10 kỳ thi riêng được các cơ sở giáo dục đại học tổ chức để lấy kết quả xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.