Thi vào lớp 10: "Hãy nhớ, dù kết quả thế nào cũng không cản trở bạn thành người thành công"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 11/06/2023 13:23 PM (GMT+7)
"Mục tiêu của con cái chúng ta không phải là thi đỗ nguyện vọng 1 vào trường nào mà phải là các con sẽ trở thành một người tự tin, một người biết tự định hướng, một người có trách nhiệm", PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
Bình luận 0

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội năm 2023-2024 đã chính thức khép lại với 3 môn thi Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán vào 2 ngày 10-11/6. Trong thời gian này, thí sinh của hơn 60 tỉnh thành khác cũng bước vào kỳ thi lớp 10 đầy cam go. Đã có nhiều nhận xét đề thi được đưa ra, có thí sinh hoan hỉ với đề thi dễ nhưng cũng có thí sinh rơi nước mắt tiếc nuối vì không hoàn thành bài thi như ý muốn. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những đồng cảm và nhắn nhủ với các sĩ tử tuổi 15.

Thi vào lớp 10: "Hãy nhớ, dù kết quả thế nào cũng không cản trở con thành người thành công" - Ảnh 1.

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

PGS. TS Trần Thành Nam cho biết: "Không chỉ trước và trong kỳ thi mà sau khi thi xong, những căng thẳng, lo âu vẫn có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian đợi điểm thi, chờ xét tuyển đối với các em học sinh. Người ta nói rằng sau kỳ thi phải chờ đợi là thời gian nhạy cảm vì các em sẽ hồi tưởng lại quá trình làm bài, lo lắng khi phát hiện những lỗi sai của chính mình hoặc những điểm chưa hoàn hảo. Cũng có thể trong trạng thái chờ đợi căng thẳng, các em lại hình dung nếu nhận kết quả xấu thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai như thế nào… rất rễ rơi vào trầm cảm".

PGS Nam nhắn nhủ: "Cái gì đã qua hãy cho qua. Cái gì đang tới hãy chờ nó tới. Các em cần được cha mẹ tạo một không gian để thả lỏng. Tập trung vào những hoạt động vui vẻ, có ý nghĩa bên các thành viên gia đình thay vì cứ lo về quá khứ hay dự báo tiêu cực về tương lai.

Cha mẹ cũng đừng bàn luận và để con tiếp cận với những bình luận, những so sánh với bạn bè kiểu: "Cháu nhà tôi làm đúng hết, rất tự tin, còn ra trước thời gian". Cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho con một tâm lý bình tĩnh đón chờ mọi kết quả. 

Nói với con rằng ẩn đằng sau những dự báo tiêu cực về kết quả thi hay hình dung tiêu cực về tương lai nếu kết quả không như mong muốn là nỗi sợ. Các em sợ bị đánh giá chỉ trích, sợ bị mất mặt, sợ mình thất bại + sợ mình không giống mọi người, mọi người đi học còn mình lại phải đi học nghề... Nhưng tất cả những nỗi sợ hãi đó không đáng.

Sống trong xã hội tri thức hiện nay, chúng ta cần tin rằng không ai có thể biết hết mọi thứ, giỏi mọi thứ.... Tin rằng chỉ cần mình cố gắng, thay đổi là có thể tiến bộ hơn. Với thái độ này, dù IQ có thấp hơn, họ vẫn trở nên thành công hơn so với kẻ bảo thủ. Người cầu tiến, họ vui vẻ chấp nhận thử thách, xem thử thách như cơ hội để họ học hỏi được những cái hay cái mới. Khi gặp khó khăn hay thất bại, thái độ của người có tư duy mở là: "Ồ cách này không xong. Vậy mình thử cách khác". Đối với họ, thất bại chỉ là thông tin cần xử lý. Nó cũng giống như cuộc thi đấm bốc: Ta chỉ bị xử thua khi ta ngã xuống và không chịu đứng dậy nữa".

Thi vào lớp 10: "Hãy nhớ, dù kết quả thế nào cũng không cản trở con thành người thành công" - Ảnh 2.

"Mục tiêu của con cái chúng ta không phải là thi đỗ nguyện vọng 1 vào trường nào", PGS Trần Thành Nam chia sẻ.

Cũng theo PGS Trần Thành Nam: "Một lời khuyên đến những cha mẹ rằng nếu con chúng ta nhận được điểm thi tốt, đỗ vào trường mà cha mẹ mong muốn, con mơ ước thì cũng đừng vui quá, mà khoe khoang con quá mức trên mạng xã hội.

Con "vượt vũ môn" thành công là điều rất vui, rất đáng tự hào nhưng nếu khoe thành tích trên mạng một cách quá đà có thể tạo ra áp lực cho con phải tiếp tục đứng đầu. Nó cũng tạo ra sự so sánh, gây ra cảm xúc tự ti, thất bại ở những bạn không đạt được kết quả như mong đợi. Cha mẹ thay vì khoe thành tích trên mạng có thể khoe thành tích trực tiếp với những người quan trọng trong gia đình, làm thế nào để trẻ cảm thấy mọi người tự hào và ủng hộ, yêu thương trẻ không chỉ vì thành tích mà vì trẻ đã cố gắng. Cha mẹ dạy con chia sẻ niềm vui một cách tế nhị và biết lắng nghe, chia sẻ thông cảm với những bạn không đạt kết quả như mong muốn.

Cuộc sống của chúng ta, mỗi người sẽ có một quan niệm về thành công riêng. Nhưng hãy chú ý đến định nghĩa thành công của những người thành công nhất thế giới như Bill Gates. Thành công của ông là "tạo ra sự khác biệt cho thế giới và quan tâm chăm sóc những người thân yêu". Nó chẳng liên quan đến tiền bạc hay địa vị gì cả. Mục tiêu cuối cùng của công tác giáo dục là trao cho trẻ gánh nặng của việc tự học (chứ không quan trọng là phải học đến trình độ nào, đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ). 

Mục tiêu của con cái chúng ta không phải là thi đỗ nguyện vọng 1 vào trường nào mà phải là các con sẽ trở thành một người tự tin, một người biết tự định hướng, một người có trách nhiệm quan tâm đến người khác, và những vấn đề thời sự của đất nước. Cuối cùng là một người có tinh thần cống hiến, đem tri thức phục vụ cộng đồng. Và vì vậy, dẫu kết quả của những kỳ thi có như thế nào, cũng không thể cản trở các bạn trở thành một con người thành công".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem