Thiết bị hiện đại nhất trên tàu cá là... Iphone

Phi Long Thứ hai, ngày 25/05/2015 11:34 AM (GMT+7)
Ngày 23.5, tại Hội nghị “Khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chia sẻ: “Trang thiết bị trên tàu cá của ngư dân bao năm qua chẳng có gì khác. Thứ hiện đại nhất có lẽ là cái điện thoại Iphone”.
Bình luận 0

Tàu thuyền chỉ tăng về số lượng

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hải sản, trong giai đoạn 2005-2013, tổng số tàu, thuyền của cá nước có xu hướng tăng mạnh, từ 84.000 chiếc lên 123.000 chiếc. Tuy nhiên, đa phần vẫn là tàu vỏ gỗ và có công suất nhỏ là chính.

img
Tàu cá của anh Trần Văn Viết, phường Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn) đang phải dùng bộ đàm với khoảng cách liên lạc ngắn. Ảnh:  Lê Trung 
Nhờ các nghiên cứu về dự báo ngư trường, nghiên cứu, ứng dụng cải tiến ngư cụ, trang thiết bị phục vụ khai thác, quy trình kỹ thuật khai thác… góp phần làm cho sản lượng khai thác liên tục tăng, nếu như năm 2005, tổng sản lượng khai thác đạt hơn 1,6 triệu tấn thì đến năm 2014 đã tăng lên hơn 2,6 triệu tấn nhưng năng suất lại giảm từ 0,39 tấn/CV/năm xuống còn 0,24 tấn/CV/năm.

“Dù có kết quả khả quan nhưng nghiên cứu công nghệ khai thác còn riêng lẻ, mất cân đối giữa ngư trường và số lượng tàu, thuyền tham gia, sự gắn kết giữa khoa học công nghệ với thực tiễn còn hạn chế, phương thức, công nghệ khai thác còn lạc hậu và thiếu thân thiện với môi trường”- ông Nguyễn Viết Nghĩa- Viện Nghiên cứu hải sản cho biết.

Theo Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tồn tại lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ khai thác hiện nay là còn yếu về lực lượng, thiếu phương tiện, trang thiết bị, kinh phí phục vụ nghiên cứu, trong khi ngành khai thác là ngành đặc thù, mọi nghiên cứu phải thực hiện trên biển nên phải phụ thuộc vào mùa vụ.

Không chỉ các thiết bị khai thác, những thiết bị bảo quản trên tàu cá cũng là một vấn đề lớn do công nghệ bảo quản còn lạc hậu, chất lượng bảo quản thấp, làm giảm giá trị sản phẩm và hiệu quả khai thác. Theo công bố của Tổng cục Thủy sản, tổn thất sau thu hoạch hiện còn ở mức cao, từ 20-40%, tương đương 400.000- 500.000 tấn cá, giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Gấp rút hiện đại hóa tàu cá

Đánh giá về những tồn tại và hạn chế trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay khai thác hải sản ven bờ đã quá mức, còn khai thác xa bờ chưa đạt hiệu quả cao.

Quan điểm

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát
  Mỗi năm ngân sách dành cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp khoảng 700 tỷ đồng, trong đó nguyên tiền lương cho cán bộ khoảng 400 tỷ, còn khoảng 40 tỷ dành cho lĩnh vực nghiên cứu thủy sản cộng với 10 tỷ khuyến nông thì rất nhỏ lẻ và phân tán. 
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm thủy sản trong khai thác chưa ổn định và thất thoát sau thu hoạch còn lớn; công nghiệp, cơ khí thủy sản và dịch vụ hậu cầu nghề cá là lĩnh vực còn yếu; hệ thống cảng cá, bến cá, cơ khí đóng sửa tàu thuyền, sản xuất ngư, lưới cụ… chậm được đầu tư phát triển, ảnh hưởng tới vấn đề hiện đại hóa tàu cá.

 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện nay vấn đề trăn trở nhất là hiện đại hóa trang thiết bị cho các tàu cá trên biển. Nhiều người dân phản ánh họ đi mua các trang thiết bị của Nhật Bản và các nước khác về tuy chất lượng rất tốt nhưng khi lắp đặt vào tàu cá của Việt Nam lại không phù hợp.

“Chẳng lẽ cứ để cho ngư dân đánh bắt cá bằng công nghệ cũ từ suốt bao năm nay? Tôi đã trực tiếp lên tàu cá của ngư dân để xem họ có những trang thiết bị thì thấy chỉ có cái Iphone là hiện đại nhất” - ông Phát thừa nhận.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Tổng cục Thủy sản và trực tiếp là Thứ trưởng Vũ Văn Tám cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan gấp rút ngay trong tháng tới phải sang các nước Nhật Bản, Philippines… và lên tận tàu của họ xem trên tàu của các nước này có những trang thiết bị gì, nếu thấy phù hợp có thể hợp tác với họ để nghiên cứu, thiết kế cho tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Ngoài ra, để có dữ liệu dự báo ngư trường chính xác theo mùa vụ, theo năm, theo tháng và theo từng tuần để hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Viện Nghiên cứu hải sản cần lập đề án xây dựng trung tâm nghiên cứu trên biển, trong đó có đề xuất hỗ trợ đóng mới tàu nghiên cứu hiện đại để báo cáo lên Chính phủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem