Ông Nguyễn Trọng An nhận định:
- Vấn đề bạo hành trẻ em đang xảy ra thường xuyên và rất nhiều. Ngược lại, các biện pháp phòng ngừa lại hết sức chậm chạp, chỉ mới chạy theo những vụ việc đã xảy ra mà thôi. Điều đó cũng dễ hiểu vì quả thực chúng ta đang thiếu mạng lưới phát hiện sớm mà phòng ngừa tình trạng bạo hành trẻ em. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cũng thực hiện yếu kém, chưa toàn diện, đầy đủ, dẫn đến ngay cả người xâm hại trẻ em cũng không biết mình đang xâm hại. Nhận thức về luật pháp, về quyền trẻ em của những người đang được gọi là "bảo mẫu" còn rất thấp.
Sau những vụ bạo hành trẻ vừa qua, chúng ta đã rút ra được những bài học gì?
- Sau khi phát hiện ra vụ bạo hành bé Hồ Thị Thuý Ngân ở Bình Dương, các cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc, và đưa bé đi giám định thương tật ngay. Với những vụ bạo hành không có tổn hại nhiều về thể xác, điều cần nhất là phải đưa bé về với gia đình để được ôm ấp, vỗ về nhằm tránh sự tổn thương tâm lý. Vụ việc này cũng là một bài học để tuyên truyền cho người dân về vấn đề quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, bài học để giám sát, xem xét lại các địa điểm trông giữ trẻ… Chúng tôi cũng đã đề nghị kiểm điểm lãnh đạo địa phương ở những nơi xảy ra bạo hành trẻ em.
Vụ Trẻ em đã có những kế hoạch gì để ngăn chặn tình trạng này?
- Vụ Trẻ em đã có nhiều chỉ đạo các địa phương về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như thế nào cho đúng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, xây dựng mô hình chăm sóc và bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, từng bước hoàn thiện đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch sử dụng lại đội ngũ cán bộ dân số gia đình trẻ em của Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em (cũ) vẫn đang làm việc ở các địa phương.
Hoàng Đức Nhã (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.