Thưa Thiếu tướng, các cuộc bắn trả đạn pháo giữa Bình Nhưỡng và Seoul ngày 31.3 đã đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình huống căng thẳng. Theo ông, thông điệp ẩn sau hành động này là gì?Thiếu tướng Lê Văn Cương
- Tôi cho rằng, trong giai đoạn từ nay đến các năm 2015, 2016, sẽ không có sự thay đổi nào ở Triều Tiên và sẽ không có chuyện Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ, Nhật, Hàn lại không bao giờ chấp nhận chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng như việc Triều Tiên thử tên lửa hạt nhân.
Vì những lẽ đó, Triều Tiên và các nước nói trên luôn cần có đàm phán. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, những vấn đề khúc mắc này không thể giải tỏa được. Trước đây là đàm phán 3 bên Mỹ, Hàn, Triều, nay là đàm phán 6 bên và sắp tới có thể sẽ là đàm phán 7 bên bao gồm cả Liên Hợp Quốc. Nhưng những cuộc đàm phán này cũng sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản. Và xảy ra sự kiện đấu pháo ngày 31.3 không nằm ngoài mối liên quan này.
Quân đội Triều Tiên tập trận tại một địa điểm bí mật.
Tại sao bán đảo Triều Tiên lại nóng lên vào thời điểm này?- Đó là cách Triều Tiên thu hút sự chú ý của Mỹ và thế giới khi Mỹ “sao nhãng” bán đảo Triều Tiên. Chúng ta nhớ lại tháng 11.2010, CHDCND Triều Tiên bắn phá đảo Yeonpyeong, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và dẫn đến những lo ngại về một cuộc chiến tranh. Năm 2013, rồi đầu năm 2014, Triều Tiên cũng đã bất ngờ thử tên lửa hạt nhân...
Năm 2013, khi tình hình ở Syria nóng bỏng, Mỹ dồn hết chiến lược vào quốc gia này, thì Triều Tiên gây sự chú ý của Mỹ bằng cách thử tên lửa. Và nay, khi Mỹ đang tập trung vào tình hình ở Ukraine, thì Triều Tiên lại bắn một loạt tên lửa và mới đây nhất là đấu pháo với Hàn Quốc. Thông điệp của Triều Tiên là cần trao đổi song phương với Mỹ, cần Mỹ quan tâm và tôn trọng. Hay nói cách khác, mỗi lần thấy Mỹ “bỏ rơi”, để kéo Mỹ trở lại “canh bạc” này, thì Bình Nhưỡng lại có hành động gây hấn để buộc Mỹ phải ngồi lại với họ để bàn bạc.
Lần này, Triều Tiên đã bắn hơn 500 quả đạn pháo trong đó khoảng 100 quả đã rơi xuống vùng biển phía Nam Hàn Quốc, liệu căng thẳng trên bán đảo có đẩy đến một cuộc xung đột lớn hay không, thưa ông?- Theo tôi, sẽ không xảy ra chiến tranh Triều Tiên lần thứ 2. Trong các năm 2014, 2015 và 2016, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ ở trong vòng kiểm soát, sẽ không có những xung đột thái quá để dẫn đến một cuộc chiến tranh.
Tuy nhiên, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ không bao giờ yên ổn.
Triều Tiên luôn sợ bị các nước khác coi thường, nên họ khi nào cũng muốn mình là chủ động. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng như “con lắc” có biên độ và giới hạn. Nếu Triều Tiên làm quá giới hạn, vượt “vạch đỏ” thì chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc. Nếu chiến tranh xảy ra, đó là thảm họa về địa chính trị, an ninh quốc phòng và thảm họa nhân đạo đối với Trung Quốc. Vì những lý do đó, Trung Quốc sẽ bằng mọi cách để ngăn cản khả năng này xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 31.3, Người phát ngôn bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đấu pháo trên khu vực gần đường biên giới trên biển giữa hai miền (NLL) ở Hoàng Hải. Tuyên bố của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) cũng nêu rõ quân đội nước này đã nã pháo tự hành K9 đáp trả, sau khi những quả đạn pháo của Triều Tiên rơi xuống khu vực lãnh hải của Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết, cuộc đấu pháo chỉ xảy ra trong khoảng 30 phút và trước đó, cư dân trên đảo đã được sơ tán.
Trước đó, sáng 31.3, Bình Nhưỡng thông báo với Seoul về kế hoạch tập trận và ban bố cảnh báo đi lại ở khu vực gần hải giới tranh chấp trên Hoàng Hải. Và chỉ vài giờ sau đó, Triều Tiên đã bắt đầu cuộc diễn tập bắn đạn thật ở ngoài khơi bờ biển phía tây nước này. Theo nhiều nguồn tin, Triều Tiên đã bắn hàng trăm quả đạn pháo, trong đó có khoảng 100 quả rơi xuống vùng biển Hàn Quốc.
Ngày 31.3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Bắc Kinh kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế trên bán đảo Triều Tiên... Q.M (tổng hợp)
|
Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.