Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ quan hệ với Pháp

Thứ bảy, ngày 24/12/2011 07:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 22.12, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đình chỉ quan hệ hợp tác về chính trị và quân sự với Pháp, sau khi Hạ viện Pháp thông qua một đạo luật kết tội hành vi công khai phủ nhận vụ tàn sát người Armenia trong giai đoạn 1915-1916.
Bình luận 0

Ngày 22.12, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố đình chỉ quan hệ hợp tác về chính trị và quân sự với Pháp, sau khi Hạ viện Pháp thông qua một đạo luật kết tội hành vi công khai phủ nhận vụ tàn sát người Armenia trong giai đoạn 1915-1916 dưới thời Đế chế Ottoman - tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay - là tội ác diệt chủng.

Triệu hồi đại sứ tại Pháp về nước

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, vụ việc trên đã "gây tổn hại nghiêm trọng và không thể sửa chữa được" cho mối quan hệ hai nước. Và quan điểm của Pháp dựa trên "chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại". Ông Erdogan nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triệu hồi đại sứ tại Pháp và đình chỉ các chuyến thăm chính trị, đồng thời khẳng định: "Từ nay, chúng tôi sẽ xem xét lại mối quan hệ với Paris".

img
Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình phản đối trước Lãnh sự quán Pháp ở thủ đô Istanbul.

Theo ông Erdogan, phần lớn các biện pháp trừng phạt áp đặt với Pháp sẽ thuộc lĩnh vực quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định từng trường hợp đối với mỗi yêu cầu quân sự của Pháp về việc sử dụng không phận và căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ kỳ, đồng thời từ chối mọi yêu cầu cập cảng nước này của tàu quân sự Pháp. Ngoài ra, ông Erdogan còn cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tẩy chay phiên họp của ủy ban kinh tế chung, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2012 tại thủ đô Paris cũng như không tham gia các dự án chung với Pháp.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố coi việc Hạ viện Pháp thông qua đạo luật trên là một "sai lầm lịch sử". Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng cáo buộc Pháp tìm cách khơi mào "tâm lý thù hận thời Trung Cổ" ở châu Âu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe tỏ ý lấy làm tiếc trước việc Thổ Nhĩ Kỳ rút đại sứ về nước, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không nên phản ứng thái quá đối với dự luật trên. Theo ông Juppe, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh, đồng thời là đối tác chiến lược của Pháp.

Khẩu chiến xung quanh từ "diệt chủng"

Đạo luật vừa được thông qua, do một thành viên đảng của Tổng thống Nicolas Sarkozy đề xuất, theo đó bất kỳ ai ở Pháp công khai phủ nhận vụ việc trên là tội diệt chủng, sẽ phải đối mặt với mức án tù giam ít nhất 1 năm và nộp phạt 58.000USD. Trước đó, Quốc hội Mỹ và Thụy Điển cũng thông qua nghị quyết quy kết vụ thảm sát này là "tội ác diệt chủng".

Pháp, quốc gia có một số lượng lớn người gốc Armenia sinh sống, từ năm 2001 đã chính thức công nhận vụ thảm sát trên là tội ác diệt chủng.

Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia vốn bất đồng sâu sắc xung quanh vụ sát hại người Armenia trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất dưới thời Đế chế Ottoman. Phía Armenia cho rằng đã có hơn 1,5 triệu người Armenia chết vì bị thảm sát hay bị lưu đày trong giai đoạn 1915-1917, đồng thời khẳng định đây là tội ác diệt chủng.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối từ "diệt chủng", cho rằng chỉ có từ 300.000 đến 500.000 người Armenia bị giết hại, trong khi nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cũng bỏ mạng do cuộc xung đột và những rối loạn chính trị trước khi Đế chế Ottoman sụp đổ và nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ra đời năm 1923.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem