Thời điểm nghỉ Tết Dương lịch, Tết Âm lịch dịch Covid-19 rất dễ bùng phát
Thời điểm nghỉ Tết Dương lịch, Tết Âm lịch dịch Covid-19 rất dễ bùng phát
Diệu Linh
Thứ năm, ngày 23/12/2021 06:07 AM (GMT+7)
Bộ Y tế nhận định, thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới, dịch Covid-19 rất dễ bùng phát. Do đó, Bộ đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch.
Số ca Covid-19 gia tăng một phần do tâm lý chủ quan
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở vào ngày 22/12. , GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ cao biến thể xâm nhập vào Việt Nam.
Đồng thời người dân xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng; miễn dịch của những người tiêm vaccine giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch…
Thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới… Do đó, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine Covid-19.
Hết tháng 12 sẽ tiêm hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi
GS Lân cũng cho biết, tốc độ tiêm vaccine Covid-19 hiện nay là nhanh nhất có thể, với việc tổ chức tiêm chủng an toàn. Phấn đấu đến ngày 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022;
Đồng thời, để tăng hiệu quả điều trị, giảm tử vong, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc Covid-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…
Bộ Y tế đề nghị cũng liên tục có các văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất;
Các địa phương cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến; Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người làm việc tại các trung tâm hồi sức tích cực và cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Động viên, hỗ trợ tâm lý nhân viên y tế, những người làm việc trong khu điều trị Covid-19 dài ngày, căng thẳng kéo dài, chịu nhiều áp lực và gánh nặng chống dịch.
Theo GS Phan Trọng Lân, tính đến sáng 22/12, thế giới ghi nhận hơn 276 triệu ca mắc, gần 5,4 triệu ca tử vong. Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu tiên vào ngày 24/11, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch.
Đến nay, WHO thông báo đã ghi nhận biến chủng Omicron tại 89 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.
Do đó, hệ thống y tế vẫn đứng trước nguy cơ quá tải, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Nhiều nước trên thế giới phải tăng cường các biện pháp hạn chế các hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch -19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.