Van xin tha mạng
Theo BBC, trong cuộc tổng tấn công nhằm vào thành phố Sirte (quê hương của ông Gadhafi), lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo này đã chống trả quyết liệt trước phe nổi dậy sau khi họ bị phát hiện đang cùng ông Gadhafi trên đường trốn chạy.
|
Miệng cống nơi ông Gadhafi trốn và bị lực lượng nổi dậy phát hiện. |
Một đoạn video được công bố trên mạng Internet cho thấy, ông Gadhafi bị các tay súng lôi ra khỏi một ống cống lớn và đầy rác rưởi cạnh quốc lộ cách Sirte hơn 3km. Cựu lãnh đạo Libya lúc đó mặc một bộ quần áo màu vàng nhưng chiếc áo đã bị máu nhuộm đỏ.
Hình ảnh trong video được khuyến cáo độc giả trước khi xem vì có những hình ảnh bạo lực, cho thấy xác của nhóm tay súng hộ tống ông Gadhafi nằm la liệt quanh miệng cống. Khi bị lôi ra ngoài, ông Gadhafi vẫn còn sống và luôn miệng van lạy xin tha mạng.
"Đừng bắn, đừng giết tôi" - đó là những lời cuối cùng của ông Gadhafi khi mạng sống không còn được chế độ hùng mạnh của ông bảo vệ suốt 42 năm qua.
Cũng trong đoạn video trên, các tay súng thuộc Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp của Libya (NTC) đã túm tóc ông Gadhafi và lôi xềnh xệch lên một chiếc xe tải nhẹ. Hình ảnh trong video khá mờ do được quay bằng điện thoại di động, nhưng cho thấy ông Gadhafi vẫn còn sống, không chống cự lại và liên tục hét lên: "Tôi đã làm gì? Đừng bắn tôi".
Nhà báo Ben Farmer của tờ Điện tín (Anh) đã chứng kiến vụ việc cho biết, hàng chục tay súng của NTC vây quanh ông Gadhafi và chĩa súng vào ông này. "Tình hình khi đó rất hỗn độn nhưng dường như ông Gadhafi đã bị một tay súng bắn thẳng vào đầu" - phóng viên Ben tường thuật từ hiện trường.
Tuy nhiên, một số nhân chứng khác lại nói rằng, ông Gadhafi đã bị một vệ sĩ bắn vào bụng (hoặc ngực) và chết trên đường tới bệnh viện. Khẩu súng lục bằng vàng được chạm trổ cầu kỳ, có báng được làm từ gỗ quý của ông Gadhafi cũng được thu giữ gần miệng cống. Hiện thi thể của ông Gadhafi đang được pháp y khám nghiệm để đưa ra kết luận cuối cùng.
Các quan chức chính phủ lâm thời tại Libya tiết lộ với Reuters, thi thể của nhà lãnh đạo bị lật đổ Gadhafi, (69 tuổi), sẽ được an táng tại một địa điểm bí mật ở thành phố Misrata, phía tây Sirte.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, những sự kiện diễn ra ở Libya đã mở ra một "sự chuyển tiếp lịch sử" cho quốc gia này. Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy đã hoan nghênh "sự chấm dứt của một kỷ nguyên chuyên chế". Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, cái chết của ông Gadhafi đã khép lại một trang dài và đầy đau khổ, đồng thời hối thúc người dân Libya hướng tới tương lai và xây dựng một quốc gia "dân chủ và bao dung".
Trở thành nhà lãnh đạo Libya khi mới 27 tuổi, ông Gadhafi là người cầm quyền lâu năm nhất trong thế giới Arập và trở thành một mẫu chính khách khá lạ lẫm với cộng đồng quốc tế.
Gadhafi đã thực hiện cuộc đảo chính không đổ máu ngày 1.9.1969, chấm dứt quyền lực của Quốc vương Idris khi vị vua này đang trị bệnh ở Hy Lạp.
Ban đầu, Gadhafi tìm cách trở thành hình ảnh "nhà cách mạng Che Guevara của châu Phi", sẵn sàng hỗ trợ vũ khí và tài chính cho các tổ chức chống phương Tây và chủ nghĩa đế quốc.
Quan hệ giữa Libya và Mỹ trở nên xấu đi từ sau vụ nổ bom tại một hộp đêm có nhiều lính Mỹ tại thủ đô Berlin (Đức) vào ngày 5.4.1986. Tuy không có bằng chứng cho thấy vụ việc liên quan đến Gadhafi, nhưng ông vẫn bị chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan quy trách nhiệm.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.