Chỉ vì thời tiết hanh khô da bị ngứa đến mức không chịu được, bệnh nhân đã tự đun nước lá để tắm, chà xát da mạnh thật mạnh để chữa ngứa.
Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân 60 tuổi với triệu chứng toàn thân đỏ ửng, các vết chà mạnh gây tổn thương trên da.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, toàn thân của bệnh nhân bị đỏ rực là do viêm da cơ địa, mất nước nghiêm trọng vì thời tiết khô hanh.
Ngoài ra, do chà sát mạnh nên tạo thành các mảng sần tổn thương trên da. Do tình trạng viêm da cơ địa nặng nên bệnh nhân được chỉ định nhập viện để điều trị.
Bệnh nhân cho biết, do thời tiết hanh khô da bị ngứa, bản thân lại có tiền sử viêm da cơ địa nên ông rất ngứa ngáy, khó chịu, không ngủ được. Cho dù ông có cào gãi bao nhiêu cũng không đỡ ngứa.
Ngại đến bệnh viện vì dịch Covid-19 nên bệnh nhân đã tự đun nước lá như chè xanh, lá khế, kinh giới để tắm. Khi tắm bằng nước nóng, ông cũng chà sát mạnh để hy vọng các mảng da ngứa sần sùi sẽ đỡ ngứa. Tuy nhiên, sau 1 tuần, da ông bị tổn thương nặng nề nên phải đi viện.
Bác sĩ Minh cho biết, sai lầm của nhiều bệnh nhân chính là viêm da, khô da nhưng lại dùng các loại nước để tắm. Trong khi đó, nước tắm như chè xanh dù kháng khuẩn nhưng khiến da khô hơn, việc tắm nước nóng càng làm da mất nước nghiêm trọng... Việc chà xát mạnh cũng là điều cấm kỵ với người viêm da...
"Viêm da cơ địa có thể biểu hiện mãn tính, bán cấp hoặc cấp tính. Có một đặc điểm nổi bật là tái phát đi tái phát lại và rất ngứa. Tiền sử bản thân và gia đình còn có thể bị hen hoặc viêm mũi dị ứng. Theo các nghiên cứu, có đến 10-20% dân số mắc bệnh viêm da cơ địa, trong đó 10-20% là trẻ em và 1-3% là người lớn.
Khoảng 60% bệnh nhân xuất hiện viêm da cơ địa trong khoảng 1 tuổi, 30% ở trẻ 5 tuổi; 6-10% ở lứa tuổi từ 6-20 và hiếm khi bắt đầu ở tuổi trưởng thành.
Đối với viêm da cơ địa ở trẻ em thì 50% có thể khỏi vào lúc 13 tuổi. Còn viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn có thể gây ra sẩn mụn nước, sẩn đỏ dẹt, có vảy mỏng trên các mảng da dày, lichen hóa, ngứa và mãn tính"
Bác sĩ Phạm Thị Minh Phương
Vào mùa đông, Bệnh viện Da liễu trung ương đã tiếp nhận không ít bệnh nhân bị ngứa "không chịu nổi" khi thời tiết hanh khô, đặc biệt các bệnh nhân đã có tiền sử viêm da. Do không biết cách dưỡng ẩm, chăm sóc da, cũng ngại đi viện nên nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm da nặng.
Thời tiết hanh khô da bị ngứa phải làm thế nào?
TS, bác sĩ Phạm Thị Minh Phương - Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, viêm da cơ địa là bệnh rất hay gặp, còn có tên gọi khác là chàm thể tạng. Bệnh này có thể gặp từ khi trẻ còn nhỏ hoặc lớn hơn một chút.
"Căn nguyên của bệnh có sự kết hợp của yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Yếu tố môi trường bao gồm: thời tiết, dị nguyên (bọ bụi nhà, lông súc vật, thức ăn), dị ứng hóa chất (sản phẩm làm sạch cơ thể), nhiễm tụ cầu vàng", bác sĩ Phương cho biết.
Bệnh viêm da cơ địa với triệu chứng nổi bật là ngứa, da khô, tiến triển mãn tính và tái phát. Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi các vùng da khô, sẩn đỏ thường gặp ở mặt và mặt duỗi của chi, còn trẻ em và người lớn thì gặp ở nếp gấp và lichen hóa (da bị sần, cứng).
"Biểu hiện hay gặp và rất thường xuyên là ngứa. Bệnh nhân càng gãi càng ngứa, gãy đến trầy xước da càng ngứa, gãi lại viêm da.... Nguy cơ rất dễ nhiễm trùng da, nhiễm tụ cầu", bác sĩ Phương chia sẻ.
Có 1 số yếu tố làm cho bệnh nặng hơn như cào gãi; dị nguyên (thức ăn, lông chó mèo...); các chất kích ứng da (xà phòng, dầu gội, nước tẩy rửa, khói thuốc...); khí hậu nóng, lạnh hay khô quá; da khô do tắm rửa lâu, nhiều lần; nhiễm trùng, nhiễm virus...
Đặc biệt, vào mùa đông, thời tiết hanh khô da bị ngứa, bệnh nhân có thể rất khó chịu, bứt dứt, ăn không ngon, ngủ không yên.
Theo bác sĩ Phương, để chăm sóc da vào mùa đông, người dân cần uống đủ nước, dưỡng ẩm da thường xuyên. Tránh tắm nước quá nóng khiến da bị tổn thương đồng thời làm hơi ẩm của thoát ra ngoài, bạn càng dễ bị khô, ngứa, có thể nứt, chảy máu hoặc bỏng.
Ngoài ra cần tránh các yếu tố kích thích tử môi trường từ quần áo, vật nuôi, các hóa chất, thức ăn ..
"Chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân bị viêm da, ngứa nhưng lại mặc áo len, mặc áo bó sát vào người trong mùa đông. Đối với người bình thường thì không sao nhưng người bị viêm da cơ địa thì lại là yếu tố làm hiện tượng ngứa ngáy gia tăng. Giặt quần áo bằng xà phòng, nước xả vải mà không giặt sạch cũng là yếu tố gây viêm da... ", bác sĩ Phương chia sẻ.
Cách chăm sóc da khi thời tiết hanh khô da bị ngứa
- Mặc quần áo thoáng rộng, có chất liệu mềm mại (cotton)
- Giảm bụi nhà, giảm stress
- Vệ sinh tã lót cho trẻ sạch sẽ, khô ráo
- Giữ độ ẩm không khí trong phòng
- Hạn chế ăn thức ăn gây kích ứng
- Sử dụng sản phẩm làm sạch phù hợp, không dùng nước lá dân gian để tắm mà không theo khuyến cáo của bác sĩ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.