Trong cuốn Weatherland, nhà văn hóa sử học người Anh Alexandra Harris cho rằng, điều kiện thời tiết nước Anh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các họa sĩ, nhà văn, nhà thơ ở xứ sở này. Và nghệ thuật là tấm gương phản ánh đời sống hiện thực nên chẳng có gì lạ khi các nghệ sĩ lấy chủ đề thời tiết làm nguồn cảm hứng sáng tác của mình.
Bức tranh Bão tuyết của họa sĩ tranh phong cảnh Joseph Mallord William Turner. Theo Turner, thời tiết nước Anh biến đổi thất thường là chủ đề chính cho các nghệ sĩ.
Các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ trong giai đoạn từ thời kỳ Anglo-Saxon chuyển sang thời trung cổ là một ví dụ. Trong thời kỳ Anglo-Saxon, tác phẩm của họ thể hiện niềm đam mê sâu sắc với các hiện tượng thời tiết và qua đó bộc lộ cả trái tim và tâm trí của họ. Văn học thời kỳ này khá buồn thảm với các hình ảnh hoang vắng của băng, tuyết và gợi lên trạng thái tâm lý u sầu của nhân vật. Các nhà văn có hẳn các từ riêng biệt gắn liền với mùa đông như winterbiter, winterburna, winterceald, wintergeweorpe.
Sau đó, nhờ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Địa Trung Hải – Latinh, văn học nước Anh thời trung cổ bắt đầu tràn ngập trong sự ấm áp, ánh nắng mặt trời và mùa xuân.
Bức tranh Hơi nước và tốc độ - Đường sắt Great Western của Turner
Nói cách khác, các nhà văn nhà thơ thời trung cổ ít đề cập đến mùa đông hơn so với các nhà văn thế hệ trước. Thay vào đó, họ ưa thích viết về mùa xuân – một khái niệm không hề tồn tại trong trong thế kỷ thứ 8, thứ 9 hay thứ 10. Ví dụ Geoffrey Chaucer bắt đầu tập truyện ngắn Canterbury Tales bằng hình ảnh một nhóm khách hành hương trong một ngày tháng 4 của mùa xuân.
Từ lúc này, chủ đề thời tiết trong các tác phẩm nghệ thuật bắt đầu tươi sáng hơn. Ví dụ như các bức tranh phong cảnh của các họa sĩ Sandy, Bath mang màu sắc rực rỡ, tươi sáng hơn và tạo nên cảm hứng tích cực cho người xem.
Tranh phong cảnh của Constable mô tả chân thực các hiện tượng thời tiết
Thời tiết cũng là chủ đề bất tận của 2 họa sĩ vẽ tranh phong cảnh là John Constable và Joseph Mallord William Turner. Constable mô tả chân thực các hiện tượng thời tiết trong các bức tranh của mình như sự hình thành các đám mây, hướng gió. Còn Turner thì ngược lại, ông thể hiện các hiện tượng thời tiết có năng lượng phi thường trong bức tranh của mình. Ông vẽ mặt biển rung động, chân trời thấp xuống; nếu ông vẽ mặt trời thì như thể sẽ đốt cháy bức tranh còn vẽ cơn bão thì như thế làm nhấn chìm giấy vẽ.
Theo Harris, thời tiết luôn là chủ đề muôn thuở của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ xứ xương mù. Họ miêu tả chân thực về thời tiết, qua đó thể hiện tâm trạng, nỗi lòng cũng như cách nhìn nhận về cuộc sống của mình. Và cũng qua các tác phẩm nghệ thuật của họ, thời tiết biến thiên vô hạn của nước Anh đã được nâng lên một tầm mới, để lại ấn tượng sâu sắc và tạo nên ký ức trong tâm trí độc giả về thời tiết nước Anh qua các mốc thời gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.